Xin chữ đầu xuân - nét đẹp văn hóa truyền thống

16:34 - Thứ Hai, 05/02/2018 Lượt xem: 6607 In bài viết
ĐBP - Cứ mỗi độ tết đến xuân về, ngoài vui vầy bên gia đình người thân vui xuân đón tết; người người, nhà nhà vẫn dành một khoảng thời gian đến gặp ông đồ để xin chữ đầu xuân cho mình hoặc tặng bố mẹ, bạn bè, người thân. Tùy theo lứa tuổi, tính cách người mình tặng mà xin chữ cho phù hợp.

 

Cụ đồ miệt mài viết thư pháp.

Người Việt từ xưa đã có truyền thống thờ chữ, rước chữ, chơi chữ và xin chữ. Những tấm hoành phi, câu đối trong đình chùa, miếu mạo hay trong mỗi gia đình được đặt ở những nơi trang trọng và linh thiêng nhất. Và việc xin chữ ngày tết, không phải là đơn giản là “vui vẻ, cầu tài, cầu phúc lộc, vạn sự an bình”, mà đó là điều thiêng liêng, một việc quan trọng của gia đình. Chữ xin cũng tùy theo nguyện vọng của từng người, trong năm mới người ta cầu mong điều gì nhất thì người ta xin chữ đó. Ðối với cha mẹ, không gì đẹp hơn chữ “Thọ”, bởi chữ “Thọ” vừa thể hiện tôn kính, vừa là ước nguyện của con cháu trong gia đình cầu mong ông, bà, bố mẹ trường thọ, sống lâu trăm tuổi. Ðối với người tri thức còn gì ý nghĩa hơn tặng họ một chữ “Tâm” bởi những người tri thức học cao hiểu rộng, chức tước đương quyền, họ luôn coi chữ “Tâm” làm điểm xuất phát hành trình của cuộc đời, lấy “Tâm” làm gốc. Ðối với những người ân sâu nghĩa nặng, quà chữ nào quý bằng hai chữ “Tri ân”. Còn đối với những người đang trên đường phấn đấu lập nghiệp, món quà “Thành công không bao giờ đến với kẻ lười biếng” là hay nhất. Bởi đó không chỉ là sự “kích cầu”, mà còn là điều “nhắc nhở” con người muốn có sự thành công, chỉ một con đường duy nhất là lao động, dẫu lao động ấy là chân tay, trí thức hay lao động nghệ thuật… Có muôn hình vạn trạng ý nghĩa khác nhau từ những câu đối, dòng chữ, hoành phi, tùy vào cảm xúc, mối quan hệ và cung bậc tình cảm của người tặng đối với người được tặng. Song, có một điều, những món quà tặng bằng chữ ấy, nhất thiết phải thể hiện được tình cảm, tâm tư, hào khí của chủ nhân. Người đi tặng thấy hài lòng, người được tặng cảm thấy trân trọng, xúc động.

Xưa kia, muốn xin chữ phải đến tận nhà ông đồ hoặc khó khăn lắm mới xin được chữ bởi đường xa. Ngày nay, khi tết đến xuân về cứ đến công viên hoặc phố ông đồ là xin được chữ. Tuy nhiên, hiện nay, người xin chữ cũng gửi lại ông đồ “chút thù lao”, gọi là “tiền công giấy mực”. Hơn nữa, trước đây, ông đồ thường là những người biết chữ nho, hoặc ít nhất cũng “văn chương đạo pháp nghĩa nghì” và thường là những bậc cao niên, lớn tuổi, còn ngày nay, có cả những ông đồ trẻ. Họ có lối viết thư pháp riêng mang phong cách người trẻ, nhưng vẫn không mất đi tính triết lý, tình cảm, âm ngữ của tiếng Việt. Và chính những ông đồ trẻ này là tâm điểm “hút khách”những người trẻ, nhất là nam thanh, nữ tú, cậu ấm, cô chiêu. Những ông đồ nổi tiếng chuyên viết thư pháp, đạo pháp, chữ hán, chữ nôm phải kể đến ở Văn miếu Quốc Tử giám (Hà Nội) - đây thực sự là điểm hẹn cho các nhà nho cũng như những người yêu mến nghệ thuật thư pháp có thể hội tụ để giao lưu, học hỏi, nâng cao những giá trị thẩm mỹ. Còn ở các tỉnh thành khác hầu như đều có ông đồ cho chữ trong hội hoa xuân, hoặc “phố chợ ông đồ” trong những dịp tết đến xuân về.

Không chỉ người Việt Nam đang sinh sống trên khắp mọi miền Tổ quốc, định cư ở nước ngoài, mà ngay cả người ngoại quốc đến từ Anh, Pháp, Mỹ, Nhật... đều yêu quý bộ môn chữ thư pháp tiếng Việt. Mỗi khi xuân về tết đến, họ vẫn ra công viên hoặc đến phố ông đồ “xin chữ” với ước nguyện sống vui, khỏe và hạnh phúc. Có người trước khi rời Việt Nam, họ không quên mua cho riêng mình bức thư pháp có chữ “Tâm”, cũng có người đem theo bức thư pháp mang dòng chữ “Tôi yêu Việt Nam” sang tận trời tây. Còn những ngoại kiều người Việt, sau khi về quê hương đón tết vui xuân, trở lại miền đất xa xôi bên kia bán cầu, không quên bỏ trong va ly bức tranh thư pháp “Quê hương - khúc ruột Việt Nam”. Tất cả đều có điểm chung: Người Việt Nam giàu lòng mến khách, văn hóa Việt Nam phong phú, đa dạng và xin chữ đầu xuân là nét đẹp tao nhã truyền thống mang của cốt cách văn hóa người Việt mỗi khi tết đến xuân về.

Mai Thắng
Bình luận
Back To Top