Ðộc đáo “tết nhảy lửa” của người Dao đỏ

08:25 - Thứ Hai, 12/02/2018 Lượt xem: 6232 In bài viết
ĐBP - Là tộc người sinh sống lâu năm trên mảnh đất Nậm Pồ, người Dao đỏ bản Huổi Sâu, xã Pa Tần có nhiều nét văn hóa truyền thống đặc trưng… trong đó, phong tục “Tết nhảy lửa” được xem là một trong những minh chứng rõ nét nhất.

Người Dao đỏ đón xuân theo tập tục truyền thống của tổ tiên và được lưu truyền với những nét độc đáo rất riêng của dân tộc; bắt đầu từ 28 tháng giêng (âm lịch), chuẩn bị đón tết, khắp các bản mường rộn ràng tiếng trống, chiêng, bà con trong bản bắt tay dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, thịt những con lợn to béo, gà trống thiến và làm bánh nếp... Tết nhảy lửa được mỗi dòng họ tổ chức 2 - 3 năm một lần hoặc nhiều hơn phụ thuộc vào điều kiện của từng họ, với ý nghĩa tạ ơn tổ tiên, luyện âm binh để bảo vệ cuộc sống của gia đình, dòng tộc, cầu xin tổ tiên phù hộ, che chở cho mọi thành viên trong gia tộc được mạnh khỏe; tết nhảy lửa được tổ chức vào ngày mùng 1 tết, tại nhà trưởng họ.

Phần khai lễ, một tốp nam thanh niên theo sự hướng dẫn của thầy cúng “chái peng pi” tổ chức nhảy 14 điệu diễn mở đường, bắc cầu đưa đón tổ tiên, thần linh về dự tết. Ðể chào bố mẹ, tổ tiên đã khuất, điệu nhảy chỉ được thực hiện bằng một chân, đầu cúi, ngón tay trỏ giơ cao... Ðể mời tiên nương, tiểu nữ giáng trần, điệu nhảy được diễn tả bằng múa cò “pẹ họ”, mô phỏng cảnh chim cò sải cánh bay xa, rồi dáo dác tìm chỗ đậu. Ðiệu nhảy mời thần linh ăn tết được diễn tả bằng nhịp bước khoan thai và uy lực của loài hổ... Các điệu múa mang tính hình tượng cao diễn tả cảnh các thiên thần tổ tiên về hạ giới dự tết với con cháu. Kết thúc các điệu nhảy mở đường, đón chào tổ tiên, thần linh, cả dòng họ làm lễ rước tượng tổ tiên.

Tượng tổ tiên là những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc độc đáo của người Dao; được chạm khắc đẹp với trang phục thời cổ xưa, dài 20 - 25cm, đường kính thân 5cm, bàn tay phải của các tượng đều cầm thẻ bài. Ngày thường, tượng được bọc kín bằng vải trắng. Ngày tết, con cháu rước tượng xuống làm lễ tắm gội, thay khăn choàng mới. Nước tắm là thứ nước thơm chế từ vỏ loại cây rừng. Sau lễ tắm gội cho tượng, con cháu tổ chức các điệu nhảy, dâng gà... Thầy cúng và 3 thanh niên tay cầm gà trống đỏ, vàng nhảy theo nhiều động tác dâng gà, có động tác rước gà trên đầu, vác gà qua 2 vai... Kết thúc là điệu múa cờ. Tết nhảy diễn ra suốt một ngày và là nghệ thuật tổng hợp các loại hình dân gian, từ nghệ thuật nhảy múa, âm nhạc và ngôn từ (kể về công lao tổ tiên) đến tạo hình với các loại tranh thờ, tranh cắt giấy, điêu khắc tượng gỗ…

Theo cụ Chào Tràn Phin (thầy cúng) bản Huổi Sâu, xã Pa Tần: “Ðể tổ chức “Tết nhảy lửa” của người Dao, tùy thuộc vào điều kiện của mỗi dòng họ, nhưng trung bình mỗi họ ít nhất 3 năm tổ chức “Tết nhảy lửa” 1 lần với ý nghĩa mời tổ tiên về ăn tết, phù hộ độ trì cho con cháu trong họ năm mới tràn đầy sức khỏe, hạnh phúc; làm ăn phát đạt, ngô thóc đầy nhà, mùa màng bội thu. Không chỉ có “Tết nhảy lửa” mà mỗi độ tết đến, người Dao đỏ Huổi Sâu còn có hội hát giao duyên của trai gái trong bản và các trò chơi mang đậm nét văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số”. Ðây được xem là nét sinh hoạt tín ngưỡng văn hóa độc đáo, giàu bản sắc và đậm đà tính nhân văn trong đời sống tâm linh của người Dao đỏ trên mảnh đất biên cương Nậm Pồ…

Phương Linh
Bình luận
Back To Top