Ðất nước - con người

Ðặc sắc Lễ hội Kén rể Ðường yên

09:08 - Thứ Năm, 08/03/2018 Lượt xem: 6153 In bài viết
ĐBP - Vào mùng 2/2 âm lịch hàng năm (13/3 dương lịch) dân làng thôn Ðường Yên, xã Xuân Nộn, Ðông Anh, Hà Nội lại mở hội kén rể để tưởng nhớ ngày sinh nữ tướng Lê Hoa, người có công phò giúp Hai Bà Trưng

Như nhiều lễ hội khác, Lễ hội Kén rể Ðường Yên cũng chứa đựng trong nó những câu chuyện, truyền thuyết về nhân vật được thờ - nữ tướng Lê Hoa. Truyền thuyết kể rằng, khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa (năm 40 - 43), làng Ðường Yên có người con gái tên là Lê Hoa tuổi 17 - 18 vẫn chưa lấy chồng mà đi theo Hai Bà Trưng đánh giặc Ðông Hán. Trong cuộc chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bà lập được nhiều chiến công và được phong là “Nữ sử anh phong”. Bà luôn chăm lo đời sống cho nhân dân và có tài dùng lá tre chữa bệnh. Khi đất nước trở lại thanh bình, bà Lê Hoa trở về làm tròn bổn phận của người con gái là đi lấy chồng nên bà mở hội kén người hiền tài. Lễ hội kén rể ra đời từ đó. Lễ hội mang đậm các giá trị văn hóa dân gian được thể hiện qua các phần thi, trò diễn, trong đó, truyền thuyết về bà Lê Hoa và các bài vè là những giá trị tiêu biểu.

 

Thi chọc chó bằng thân cây giềng, chó của ứng viên chú rể nào kêu to hơn sẽ được điểm.

Sau bao thăng trầm lịch sử, lễ hội kén rể được phục dựng lại từ 2001 sau 60 năm thất truyền.

Lễ hội Kén rể được chuẩn bị từ tháng Chạp năm trước. Khâu chọn người tham gia được tiến hành rất cẩn thận. Người đóng mẹ của Ðức Thánh tức “Mẫu Bà” phải là người đôn hậu, song toàn, gia đình hòa hợp, phúc đức. Hai chàng rể (phe Bắc và phe Hậu) và người đóng Thánh Bà phải là trai gái thanh lịch, thông minh, tài giỏi, đặc biệt chưa có gia đình. Hai bên các bô lão trong làng đón Ðức Thánh Bà xuống kiệu tuyên lễ: “Sau canh trống là mở hội Kén rể”. Lúc này, phe Hậu và phe Bắc, mỗi bên cử ra một chàng rể trong trang phục truyền thống, áo the khăn xếp chỉnh tề đi một vòng trước ban giám khảo và dân làng. Sau đó chắp tay hướng về nơi Mẫu Bà giới thiệu về mình. Sau đó, hai chàng rể bắt đầu trải qua cuộc thi gay cấn. Ban giám khảo là 5 bậc cao niên, uy tín trong làng cho điểm bằng thẻ. Kết thúc mỗi cuộc thi, ai được nhiều thẻ, được Mẫu bà ban thưởng và chọn làm rể quý.

Cuộc thi cày mở đầu cho hội thi, tiếp theo là thi câu ếch, chọc chó, cuối cùng là bắt trạch trong chum. Sau khi kết thúc cuộc thi, Ban giám khảo công bố người thắng cuộc.  Ðôi phu thê cùng bái tạ Mẫu Bà, Tổ đình chứng giám. Màn rước, tế lễ rộn ràng từ sân vào đình kết thúc Lễ hội Kén rể với những điệu hát ca trù, hát ống, hát ví, hát quan họ.

Lệ tục truyền thống quy định, tại Lễ hội Kén rể, mỗi giáp nuôi một con lợn, đến ngày lễ hội đem ra đình tế sống. Lợn thờ sống gọi là lợn chong. Trước ngày tế lễ, những người tham gia tế lễ phải kiêng ăn hành tỏi, thịt chó và tắm gội sạch sẽ. Khi tế phải mặc áo thụng thâm, quần trắng. Trong Lễ hội Kén rể, người nào mà nói bậy, chửi thề người khác hay nói mạo phạm đến Thánh Bà thì người đó bị cả làng bắt vạ bằng 10 con gà, 10 con vịt…

T.K (sưu tầm)
Bình luận
Back To Top