Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc ở Tuần Giáo

Quan tâm đúng mức, phù hợp với điều kiện thực tế từng dân tộc

09:11 - Thứ Tư, 14/03/2018 Lượt xem: 5038 In bài viết
ĐBP - Thực hiện Kết luận số 01-KL/TU ngày 20/5/2016 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Ðảng bộ tỉnh (khóa XII) về chương trình bảo tồn và phát triển văn hóa các dân tộc tỉnh gắn với phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025; tháng 7/2016, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Tuần Giáo đã ban hành Nghị quyết số 04 về chương trình, hành động bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện.

Ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện, cho biết: Căn cứ Nghị quyết của Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện, UBND huyện đã chỉ đạo các phòng, ban, đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể nhằm triển khai hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết đề ra. Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội tham gia các hoạt động bảo tồn, phát triển văn hóa dân tộc; phát triển văn hóa cơ sở thực sự trở thành nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực để phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao dân trí, đảm bảo quốc phòng, an ninh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện.

 

Phụ nữ dân tộc Thái, xã Quài Cang biểu diễn văn nghệ trong Ngày hội Ðại đoàn kết toàn dân tộc.

Sau hơn 1 năm triển khai Nghị quyết, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện có nhiều chuyển biến tích cực. Ðến nay, các văn hóa vật thể được xếp hạng của huyện, gồm: Hang Thẳm Khương, hang động Há Chớ, hang động Mùn Chun, hang Thẳm Pú, di tích Ðèo Pha Ðin, khu căn cứ cách mạng Pú Nhung bước đầu được đầu tư xây dựng, quản lý và bảo vệ. Riêng khu căn cứ cách mạng Pú Nhung giai đoạn 1 được đầu tư Khu tưởng niệm anh hùng Vừ A Dính và các liệt sĩ với kinh phí 5 tỷ đồng. Về văn hóa phi vật thể, huyện đã phối hợp với các ngành của tỉnh tập trung gìn giữ, khôi phục nét văn hóa truyền thống các dân tộc. Duy trì hoạt động của 210 đội văn nghệ khối, bản. Hoàn thiện hồ sơ cho 2 nghệ nhân đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét, công nhận “Nghệ nhân ưu tú” của huyện…

Bên cạnh việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, huyện đã đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn”. Việc xây dựng quy ước, hương ước được triển khai hiệu quả. Việc cưới, tang và lễ hội được thực hiện theo nếp sống văn hóa mới, đảm bảo văn minh, lành mạnh. Nhiều hủ tục dần được xóa bỏ, đảm bảo phù hợp truyền thống từng dân tộc trên địa bàn.

Ðể đạt những kết quả trên, huyện đã chú trọng công tác phát triển nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ văn hóa, đầu tư thiết chế văn hóa. Hiện nay, các nhà văn hóa cấp xã cơ bản đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Ðội ngũ cán bộ văn hóa - xã hội của 19/19 xã được kiện toàn, bổ sung với trên 95% là người dân tộc thiểu số và thường xuyên được cử đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đáp ứng yêu cầu công việc trong thời kỳ mới…

Có thể nói, công tác bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện Tuần Giáo đã được quan tâm đúng mức, phù hợp với điều kiện thực tế của từng dân tộc. Việc bảo tồn, phát triển văn hóa đã và đang là yếu tố quan trọng góp phần xóa bỏ các hủ tục và tệ nạn xã hội, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

Theo ông Mùa Va Hồ, Phó Chủ tịch UBND huyện, tới đây địa phương sẽ từng bước thực hiện đầu tư đồng bộ hệ thống hạ tầng, cơ sở vật chất nhằm bảo tồn, phát huy giá trị các di tích đã được xếp hạng trên địa bàn, trong đó có 2 di tích cấp tỉnh và 2 di tích cấp quốc gia. Tổ chức tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật Nhà nước về bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc tới cán bộ, nhân dân trên địa bàn. Cùng với đó, thường xuyên tổ chức tập huấn cho cán bộ đội văn nghệ tại các bản có tiềm năng phát triển du lịch.

Bài, ảnh: Quang Long
Bình luận
Back To Top