Màu hoa thương nhớ

09:13 - Thứ Năm, 15/03/2018 Lượt xem: 4694 In bài viết
ĐBP - Cứ mỗi độ màu nắng tháng ba giao hòa, trong những sắc hoa hoang hoải, tim ta bỗng rộn ràng nhớ về những chùm hoa đỏ rực, những bông hoa với cánh hoa xòe khum khum như chiếc chén đỏ dạ, ta vẫn gọi nó với cái tên mộc mạc, dân dã: hoa gạo!

Hoa gạo là tín hiệu của thời khắc giao mùa. Loài hoa ấy vốn dĩ chẳng nuột nà, đài các; loài hoa mang trên mình vẻ đẹp giản dị, đời thường nhưng lại có sức hút đến kì lạ. Loài hoa của vùng thôn dã đã bao đời đi vào tâm thức người Việt. Loài hoa gắn với những kỉ niệm miên man chẳng thể nào quên với tuổi thơ, tuổi học trò, với cuộc sống của người dân quê.

Ba tôi là bộ đội, công tác xa nhà. Những ngày thơ ấu, tôi vẫn được mẹ dẫn ra gốc cây gạo đầu làng đứng đón ba. Ðôi mắt tuổi thơ tôi háo hức mỗi khi mẹ bảo, chiều nay ba sẽ về phép thăm nhà. Tôi sẽ được ba mua quà, được ba ôm vào lòng cưng nựng, được ba chở trên chiếc xe đạp vòng quanh làng, được ba kể cho nghe những câu chuyện ly kỳ thay vì ba vẫn thường kể cho tôi nghe trong những lá thư gửi về.

Mẹ tôi bảo, từ rất lâu, cây gạo đã trở thành người bạn thân của cả làng tôi. Từ thời cố, thời bà, thời mẹ và giờ đến tôi nữa, nó vẫn sừng sững hiên ngang như ngọn đèn chiếu sáng, như một vị thần hộ mệnh đem đến cho làng tôi cuộc sống yên vui, hạnh phúc. Chẳng ai đoán biết được cây gạo đầu làng đã bao nhiêu tuổi, chỉ biết vỏ cây đã xù xì, thân cây to tròn, thẳng đuột như cột đình làng. Nếu mùa hè, cây xòe những cánh tay khổng lồ xanh ngắt che mát cho mọi người thì mùa thu, cây càng khiến bầu trời và vầng trăng quê thêm đẹp hơn. Mùa đông, cây bắt đầu trút bỏ chiếc áo cũ kĩ, đợi khi sang xuân, tiết trời ấm áp, cây bắt đầu thắp lửa bằng những nhúm hoa đỏ cháy.

Mùa cây gạo trổ hoa, hoa rụng xuống thành tấm thảm nhung đỏ thắm cả đường làng. Bọn trẻ chúng tôi, đứa nào cũng trốn giấc ngủ trưa, rủ nhau về dưới gốc cây nhặt từng cánh hoa chơi trò con nít. Tôi từng khoe với chúng bạn rằng, mẹ tôi biết rất nhiều điều liên quan đến cây gạo. Nào chuyện từ thời xa lắc cố kể cho ngoại, ngoại kể lại cho mẹ, giờ mẹ lại kể cho chúng tôi nghe. Rồi thì mẹ bảo cây gạo gắn bó mật thiết với nhà nông, với cuộc sống thôn quê: “Bao giờ đom đóm bay ra/ Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng”; “Bao giờ cho đến tháng ba/ Hoa gạo rụng xuống bà già cất chăn”… Và mẹ còn biết cả câu chuyện huyền thoại về đôi nam nữ yêu nhau nữa. Chúng tôi cứ thế há hốc miệng khi nghe, vừa tò mò lại vừa thích thú.

Lớn lên, tôi đi học xa nhà, ba đã chuyển công tác về gần nhà, mẹ mở quán nước ngay dưới gốc cây gạo đầu làng. Hôm bữa, mẹ gọi điện hỏi thăm tôi rồi mẹ tâm sự: Giờ đang mùa hoa gạo đó con. Cây gạo đầu làng mình vẫn sừng sững, hiên ngang, hoa nở rồi rụng đầy gốc, vậy mà chẳng thấy đứa trẻ nào nhặt chơi như tụi con thuở trước... Tôi nghe mà bùi ngùi. Trong trái tim của một người con xa quê, mỗi khi tháng ba tới, tôi lại nhớ đến cây gạo cổ thụ đầu làng. Nơi ấy mỗi ngày, mẹ vẫn đang ngồi bán nước, ngắm hoa nở và chờ tôi về.

Lê Xuyên
Bình luận
Back To Top