Trăn trở sự minh bạch thị trường mỹ thuật Việt

14:54 - Thứ Ba, 20/03/2018 Lượt xem: 5799 In bài viết
Với quyết tâm bảo vệ tác quyền mỹ thuật, cuối tuần qua, một nhóm nghệ sĩ - những người từng là nạn nhân của nạn tranh giả, tranh nhái như Thành Chương, Phạm An Hải, Đặng Tiến, Đào Hải Phong và nhà phê bình mỹ thuật Phạm Long, Phan Cẩm Thượng đã tổ chức tọa đàm nhỏ với chủ đề “Minh bạch thị trường mỹ thuật Việt”.

Họa sĩ Thành Chương nhắc lại, tranh giả không phải bây giờ mới có, nó xuất hiện từ 30 năm nay, sau khi đổi mới. Ông kể lại câu chuyện Những bức tranh trở về từ châu Âu ầm ĩ vì đạo nhái, bắt tận tay nhưng cuối cùng cũng buông xuôi vì không làm được gì.

 

Bức Phố cũ được cho là của Bùi Xuân Phái bị nghi vấn là tranh chép.

Họa sĩ Phạm An Hải năm ngoái cũng đau đầu vì bị vi phạm bản quyền, thậm chí tìm được người mua tranh giả, người làm giả nhưng đến giờ thậm chí chưa nhận được lời xin lỗi.

“Tranh mình vừa đưa lên Facebook lập tức bị nhái ngay tới 70%-80%, xong họ ký tên họ và bảo vẽ từ 5-7 năm trước. Điều này làm cho các nhà sưu tập trong và ngoài nước hoang mang khi đầu tư sưu tầm tranh của Việt Nam. Họ không biết tác phẩm đó có phải của tác giả ấy hay không, hay là chép, chôm của ai đó”, họa sĩ Phạm An Hải nói.

Việc các Nhà đấu giá Sotheby’s, Christie’s công khai đấu giá một loạt tranh giả của các tác giả Đông Dương thời gian qua nhưng không có tiếng nói của nhà quản lý trong nước, theo TS. Phạm Long “làm ảnh hưởng tới giá trị của chúng ta”.

Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng buồn bã lên tiếng: “Tôi xem rất nhiều bộ sưu tập của nhiều Việt kiều trẻ, họ thể hiện tình yêu dân tộc bằng cách chơi văn hóa. Họ mua tranh nhiều và mua phải tranh giả rất nhiều. Chúng tôi xem và buồn y như mình đem đồ giả đến nhà họ, bởi mình trông thấy mà không dám nói thật hay giả”…

Trước thực trạng này, bên cạnh mong muốn có nhiều chế tài nghiêm khắc để ngăn chặn nạn tranh giả, tranh chép, nhiều nghệ sĩ đồng tình với việc không nên chỉ trông cậy vào nhà nước mà cần phải tự bảo vệ mình. Họa sĩ Phan Cẩm Thượng cho rằng, tự ngành mỹ thuật phải chủ động.

Ông phân tích, các nước khác cũng không có cơ quan nào kiểm duyệt tranh thật - giả hay bảo vệ quyền tác giả, đó là chuyện của từng bảo tàng, cá nhân sưu tầm tranh phải mời người thẩm định. Kinh nghiệm thế giới thường là chọn người có kinh nghiệm, lăn lộn trên thương trường và thậm chí mất rất nhiều tiền để đánh đổi kinh nghiệm thẩm định thật - giả. Một số họa sĩ kỳ vọng sẽ có một trung tâm bảo vệ quyền mỹ thuật để bảo vệ quyền lợi của những người đang hoạt động trong lĩnh vực này.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top