Nhớ về một con đường huyền thoại

09:18 - Thứ Năm, 22/03/2018 Lượt xem: 7132 In bài viết
ĐBP - Tiếp nối thành công của Lễ hội Hoa ban 2017, tối 17/3/2018 Lễ hội Hoa ban 2018 được chính thức khai mạc và sáng 18/3/2018, một trong những hoạt động được diễn ra là cuộc thi xe đạp thồ trên đường lên Tượng đài Chiến thắng Ðiện Biên Phủ. Ðây là cuộc thi được tổ chức lần thứ 2 với sự tham dự của 12 đội, gồm 8 đội nam và 4 đội nữ...

Nhiều năm qua, du lịch trải nghiệm là xu hướng chung, được nghiên cứu và phát triển trong hoạt động xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch, bởi lẽ nó hợp thời và không quá tốn kém về cơ sở vật chất. Với Ðiện Biên, trong nỗ lực phát triển du lịch, hãy để cho khách du lịch được sống thật với những trải nghiệm của một thời diễn ra trận Ðiên Biên Phủ oanh liệt, chấn động địa cầu ngay tại Ðiện Biên Phủ. Xe đạp thồ xuất hiện từ Chiến dịch Biên giới năm 1952. Ðến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954, xe đạp thồ nâng lên thành một biểu tượng kỳ diệu, độc đáo, duy nhất trong các cuộc chiến của nhân loại. Chiến tích của xe thồ đã góp phần quan trọng đập tan tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ. Chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã làm nổi danh “xe đạp thồ” và “xe đạp thồ” trở thành “Vua vận tải của chiến dịch Ðiện Biên Phủ”. Nói đến Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, người ta phải nói đến chiến công của xe đạp thồ và xe đạp thồ trở thành “chiến hiệu” kỳ danh trong lịch sử chiến tranh thế giới.

 

Trải nghiệm xe đạp thồ tại Lễ hội Hoa ban tái hiện lại hình ảnh của quân và dân ta trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ. Ảnh: Văn Thành Chương

Theo các tài liệu về Chiến dịch Ðiện Biên Phủ, tham gia Chiến dịch có 87.000 người, trong đó dân công phục vụ là 33.000, với tổng số 12 triệu ngày công. Các phương tiện vận tải thô sơ bao gồm: 20.911 xe đạp thồ, 11.800 bè mảng, 7.000 xe cút kít, 1.800 xe trâu, 325 xe ngựa; đã vận chuyển 25.000 tấn lương thực, trong đó: 14.900 tấn gạo, 266 tấn muối, 62 tấn đường, 577 tấn thịt, 565 tấn lương khô... Hơn 20.000 người đẩy xe đạp thồ, mỗi xe thồ từ 100 - 300kg, một xe thồ có hiệu suất bằng 100 dân công gánh bộ. Một đêm xe đạp thồ đi được 25km, trong khi xe cơ giới chỉ đi được 15km. Nếu 2 xe đạp gá lại, có thể chở được 2 thương binh nằm, hoặc 4 thương binh ngồi. Người chiếm kỷ lục năng suất thồ là Ma Văn Thắng, 34 tuổi với 352kg (có tài liệu ghi 400kg) cho một lần vận chuyển. Trong suốt thời gian diễn ra chiến dịch Ðiện Biên Phủ, tổng cộng anh dân công hỏa tuyến Ma Văn Thắng đã thồ 3.700kg, vượt qua 2.100km đường rừng núi. Chính vì vậy mà ký giả Jules Roy đã kết luận: “Không phải viện trợ bên ngoài đã đánh bại Tướng Navarre, mà chính là những chiếc xe đạp thồ 200 - 300kg hàng hóa và đẩy bằng sức người - những người ăn chưa đủ no, ngủ thì nằm ngay dưới đất, trên tấm nilong. Cái đã đánh bại Tướng Navarre không phải là phương tiện, mà là sự thông minh và ý chí của đối phương”.

Trên đôi “vai sắt” của 15 nghìn thanh niên xung phong, hàng vạn tấn vũ khí, lương thực, quân trang, quân dụng... từ hậu phương được chuyển đến chiến trường Ðiện Biên qua các con đường thủy, bộ; trong đó, quốc lộ 6 giữ vai trò huyết mạch, góp phần quan trọng nhất cho công tác hậu cần chiến dịch. Trong thời gian ta nổ súng tấn công Tập đoàn cứ điểm Ðiện Biên Phủ, theo đề nghị của Ðờ Cát, thực dân Pháp đã cho máy bay oanh tạc đường 6 suốt 48 ngày đêm liên tục, hòng ngăn chặn sự chi viện của hậu phương miền Bắc. Ðến nay, không có thống kê cụ thể nào về lượng bom đạn mà quân Pháp đã đổ xuống đường 6. Chỉ biết rằng có hơn 300 cán bộ chiến sĩ thuộc lực lượng thanh niên xung phong đã anh dũng ngã xuống (không kể số bị thương), chủ yếu ở hai vị trí chính là ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) và đèo Pha Ðin (huyện Tuần Giáo, Ðiện Biên). Nhà thơ Tố Hữu từng viết những câu thơ tràn đầy chất anh hùng ca, trong bài thơ: “Hoan hô chiến sĩ Ðiện Biên”: “Dốc Pha Ðin, chị gánh anh thồ // Ðèo Lũng Lô, anh hò chị hát // Dù bom đạn xương tan, thịt nát // Không sờn lòng, không tiếc tuổi xanh”...

Vượt qua mưa bom bão đạn, trên đôi vai dân công hàng trăm nghìn tấn lương thực, vũ khí, thuốc men được tập kết tại Trạm Hậu cần tiền phương Tuần Giáo. Từ khắp mọi miền đất nước, ngày cũng như đêm và mưa cũng như nắng, từng đoàn dân công rầm rập tuôn ra tiền tuyến. Ðó là hình ảnh cao đẹp về cuộc chiến tranh nhân dân do Ðảng phát động và lãnh đạo - một cuộc chiến tranh với phương châm toàn dân làm hậu cần, toàn dân ra mặt trận và ở đây, sức mạnh to lớn chính là giai cấp nông dân. Những con số nêu trên thật vĩ đại, chẳng những địch phải khiếp sợ, mà chính chúng ta cũng phải ngạc nhiên thán phục. Mãi về sau khi cuộc chiến kết thúc khá lâu, giới chức Pháp bẽ bàng và cay đắng thú nhận một sự thật: “Rốt cuộc, máy bay Pháp thua đôi quang gánh của dân công Việt Minh!”. Cách đây hơn 15 năm, tỉnh Sơn La đã đầu tư xây dựng một đài tưởng niệm hoành tráng tại Cò Nòi. Và ngày 19/5/2004 - đúng dịp kỷ niệm lần thứ 114 ngày sinh nhật Bác Hồ - UBND tỉnh Sơn La đã long trọng làm lễ đón nhận “Bằng di tích Lịch sử quốc gia” của Bộ Văn hóa Thông tin, dành cho công trình này.

 

Trong đoàn dân công Ðiện Biên Phủ có “binh chủng” xe đạp thồ.

Mấy năm gần đây nếu ai lên Ðồi A1 (thành phố Ðiện Biên Phủ), sẽ thấy ngay “Khu du lịch trải nghiệm” nằm về phía đông nam di tích. Bà Vũ Thị Tuyết Nga - Phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng Lịch sử Ðiện Biên Phủ - cho biết: Sau khi được lãnh đạo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch Ðiện Biên cho chủ trương, tập thể cán bộ, nhân viên Bảo tàng cùng nhau đóng góp kẻ nhiều người ít, thuê tư vấn, thuê thợ, thuê nhân công... để dựng một sân khấu nhỏ và một số xe đạp thồ tái hiện cảnh dân công hỏa tuyến và thanh niên xung phong tiếp lương tải đạn cho chiến dịch Ðiện Biên Phủ năm 1954. Với quan điểm “không hiện đại hóa quá khứ”, nên “Khu du lịch trải nghiệm” được trưng bày chủ yếu là những hiện vật (phục dựng) chiến trường, đó là võng dù, hòm đạn, dây thép gai và ngay cả cái lọ cắm hoa cũng được chế tác từ vỏ đạn pháo cao xạ... Bà Vũ Thị Tuyết Nga cho biết: Có cựu thanh niên xung phong lên sân khấu kể chuyện rồi làm động tác đẩy xe đạp thồ mà nước mắt tuôn trào, tự dưng thảng thốt, gọi rất to tên những đồng đội đã ngã xuống trong chiến dịch. Có cựu chiến binh gần 90 tuổi, phải nhờ người dìu lên sân khấu, nhưng khi kể chuyện chiến dịch Ðiện Biên Phủ thì tiếng hô “xung phong” như thể vỡ ra từ lồng ngực vạm vỡ thời trai trẻ...

Theo Tiến sỹ Nguyễn Phú Ðức - nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam - Xe đạp thồ trong Chiến dịch Ðiện Biên Phủ rất nổi tiếng, nhưng nhiều người không biết cụ thể, chi tiết và không hiểu vì sao lại có sự kỳ diệu như vậy. Kỳ tích có một không hai trong lịch sử chiến tranh thế giới, hiện tượng này sẽ không lặp lại. Hình thức du lịch trải nghiệm với “xe đạp thồ” phù hợp với nhu cầu trải nghiệm, mạo hiểm và khám phá; dễ tổ chức và nhanh chóng có thương hiệu; tính khả thi của sản phẩm du lịch. Có thể “phân khúc” thành các sản phẩm thành phần hoàn chỉnh, đầu tư và khai thác sản phẩm du lịch này không đòi hỏi vốn lớn. Du lịch trải nghiệm có sức hút lớn bởi tính khác lạ và độc đáo, gắn với thiên nhiên, môi trường, tự thân mang nội hàm phát triển bền vững. Không quá khó khăn để xây dựng đội ngũ nhân lực thực hiện và triển khai sản phẩm du lịch có chuyên môn và kỹ năng cao về xe đạp thồ.

Ngày nay, người Tây Bắc nói chung và người Ðiện Biên nói riêng, đã quá quen với quốc lộ 6 (một thời gọi quốc lộ 41). Cách đây hơn một thế kỷ, sau khi cơ bản hoàn thành lần thứ 2 cuộc chinh phục Tây Bắc về mặt quân sự, thực dân Pháp bắt tay xây dựng con đường, do viên kỹ sư lục lộ Sanhpulôp thiết kế và chỉ đạo thi công. Ðây là con đường xây dựng trên lãnh thổ thuộc địa, vì mục tiêu khai thác và bóc lột thuộc địa, nên hồ sơ của Bộ Thuộc địa Pháp ghi là: “con đường thuộc địa xứ Mán”. Nó khác xa con đường tự do và phơi phới niềm lạc quan yêu đời của Tố Hữu: “Ðường qua Tây Bắc, đường lên Ðiện Biên // Ðường cách mạng, dài theo kháng chiến”. Cùng với đó là những địa danh trác tuyệt gắn với Chiến dịch Ðiện Biên Phủ: Ngã ba Cò Nòi (huyện Mai Sơn, Sơn La) và đèo Pha Ðin (huyện Tuần Giáo, Ðiện Biên)... Ðó là con đường huyền thoại, con đường của ý chí và lòng kiêu hãnh dân tộc, con đường đi vào thơ ca nhạc họa với những đoàn dân công tấp nập, những chuyến xe đạp thồ băng qua bom đạn, góp phần quan trọng làm nên chiến thắng vĩ đại Ðiện Biên Phủ!

Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top