Nhân lên những “hạt giống” trong bảo tồn nét đẹp văn hóa

09:20 - Thứ Năm, 22/03/2018 Lượt xem: 7721 In bài viết
ĐBP - Nghệ nhân có vai trò quan trọng trong việc duy trì và phát triển văn hóa truyền thống, niềm tự hào với nét đẹp tinh túy, mộc mạc, hội tụ nhiều yếu tố độc đáo của mỗi dân tộc... Họ là “linh hồn”, báu vật sống trực tiếp tham gia sáng tạo, lưu giữ, truyền dạy và phát huy giá trị di sản văn hóa từ thế hệ này sang thế hệ khác.

 

Nghệ nhân Lường Thị Ðại giới thiệu về sách chữ Thái cổ với phóng viên.

Theo kết quả tổng kiểm kê Di sản văn hóa (DSVH) phi vật thể, tính đến hết năm 2017 tỉnh ta có gần 3.000 nghệ nhân và người am hiểu DSVH các dân tộc. Nhận thức rõ vị trí, vai trò cũng như tầm quan trọng của nghệ nhân, người có uy tín trong việc phát huy và gìn giữ nét đẹp văn hóa truyền thống, những năm qua ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành rà soát tiêu chí phong tặng danh hiệu nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân để lập hồ sơ nghệ nhân. Năm 2018, căn cứ vào các điều kiện, tiêu chuẩn quy định, Hội đồng xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” tỉnh Ðiện Biên đã tiến hành bỏ phiếu và lựa chọn được 26 nghệ nhân đề nghị Hội đồng chuyên ngành cấp Bộ xét tặng danh hiệu “ Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực DSVH phi vật thể lần thứ 2, gồm: Lường Thị Song, bản Co Củ, xã Thanh Minh (TP. Ðiện Biên Phủ); Nạ Văn Chăn, bản Púng Bon, xã Pa Thơm (huyện Ðiện Biên); Lò Văn Keo, bản Cha Nọ, xã Ẳng Tở (huyện Mường Ảng)… Ðây là sự ghi nhận dành cho các nghệ nhân đã có nhiều cống hiến trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc trước nguy cơ ngày càng mai một. Trong 26 nghệ nhân được xét tặng, mỗi người bảo tồn, truyền dạy và có cống hiến không nhỏ cho loại hình văn hóa phi vật thể. Có thể thấy rằng, việc quan tâm, ghi nhận đóng góp, vai trò tiên phong của nghệ nhân, người uy tín trong cộng đồng đã góp phần “tiếp lửa” cho việc bảo tồn nền văn hóa đậm đà, đa sắc màu của cộng đồng các dân tộc anh em với nhiều lễ hội dân gian, tập quán xã hội và tín ngưỡng của các dân tộc thiểu số được sưu tầm, nghiên cứu, tư liệu hóa. Ðiển hình như: Lễ Gạ Ma Thú (lễ cúng bản, tết cổ truyền của dân tộc Hà Nhì); Nào Pê Chầu (dân tộc Mông); Lễ Cầu mưa của dân tộc Thái (ngành Thái đen)... Ðặc biệt, các nghệ nhân cũng góp phần phát huy và gìn giữ, lưu truyền những nghề truyền thống, như: Chế tác và sử dụng khèn Mông, sáo Mông, đàn môi; thổi sáo bằng mũi; múa dân gian dân tộc Lào, sử dụng khèn bè…

Với những đóng góp không nhỏ trong việc lưu giữ và bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống, bà Lường Thị Ðại, xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) đã trở thành nghệ nhân đầu tiên của tỉnh ta được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu nghệ nhân DSVH phi vật thể bởi những cống hiến xuất sắc trong việc gìn giữ và phát huy DSVH dân tộc. Trò chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Lường Thị Ðại, chia sẻ: Với hành trang là giấy, bút, máy ghi âm, máy ảnh… nhiều năm nay, bà đã đến khắp các bản mường người Thái từ vùng sâu, vùng xa, biên giới trong toàn tỉnh để sưu tầm những tư liệu cổ, quý giá về dân tộc Thái, như: Các lễ hội cổ truyền, tác phẩm văn học cổ, các bản chữ cổ và nhiều khi là những tập quán sinh hoạt của người Thái, những cái đã và đang dần bị mai một để lưu giữ và bảo tồn. Từ những tài liệu quý giá được sưu tầm, dịch thuật và nghiên cứu văn hóa, văn học Thái, tôi đã xuất bản nhiều cuốn sách, như: “Truyện cổ dân gian dân tộc Khơ Mú”, “Truyện cổ dân gian dân tộc Thái ở tỉnh Ðiện Biên”, “Tạo Sông Ca nàng Si Cáy”, “Hôn nhân của người dân tộc Thái ở Ðiện Biên”... Những trang viết của bà đã và đang góp phần gìn giữ, bảo lưu những giá trị văn hóa, được lưu truyền trong vùng đồng bào Thái ở đất “Mường trời”.

Ðể nghệ nhân thực sự tâm huyết trong việc bảo tồn văn hóa... thực hiện quy định của Chính phủ về việc hỗ trợ nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn, tỉnh ta đã tiến hành rà soát thông tin về thu nhập và hoàn cảnh gia đình của từng nghệ nhân, kịp thời chỉ đạo cơ quan chức năng hỗ trợ đúng quy định. Hàng năm, tỉnh tổ chức các đoàn nghệ nhân tham gia hội thảo, gặp mặt già làng, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín của các dân tộc thiểu số do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức. Ðặc biệt, tỉnh đã tăng cường công tác tuyên truyền để người dân, đặc biệt là các nghệ nhân, già làng, trưởng bản hiểu rõ vai trò, trách nhiệm người lĩnh xướng “tiên phong” và quyền lợi của mình trong việc bảo tồn DSVH các dân tộc gắn với phát triển kinh tế - xã hội.

Hiện nay, các nghệ nhân vẫn tâm huyết miệt mài gìn giữ, bảo tồn những nét đẹp văn hóa để truyền dạy cho thế hệ con cháu cái hồn của mỗi dân tộc… Tuy nhiên, cơ bản những người “tiếp lửa” cho loại hình những văn hóa đã cao tuổi, sức yếu. Vì thế, chính quyền các địa phương và cơ quan chức năng cần xây dựng chính sách đầu tư tiếp tục phát huy vai trò tiên phong của các nghệ nhân trong bảo tồn DSVH, góp phần để văn hóa truyền thống các dân tộc sống mãi trong nhân dân; giáo dục lớp trẻ chung tay giữ gìn bản sắc của dân tộc mình...

Bài, ảnh: Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top