Mang “thông điệp” bảo vệ hạnh phúc

08:47 - Thứ Năm, 05/04/2018 Lượt xem: 5608 In bài viết
ĐBP - Từng nhiều lần tham gia thẩm định nội dung kịch bản và lời bình cho đêm khai mạc Lễ hội Hoa ban, kể từ lần đầu tiên Lễ hội Hoa ban được tổ chức (tháng 03/2014) trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Ðăng Quang - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - tự trang bị cho mình những kiến thức “đa tầng” xung quanh cây ban và những truyền thuyết về hoa ban. Lần theo mạch kể của ông Nguyễn Ðăng Quang, chúng tôi thấy trong văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số Tây Bắc, quả thật có nhiều “dị bản” về loài hoa ban...

Ngày nay, mỗi khi nghe danh từ riêng Tây Bắc, như một phản xạ tự nhiên ai trong chúng ta cũng nghĩ đến một vùng văn hoá với loài hoa ban bình dị như cuộc sống nghìn đời của người dân sơn cước - Nơi đây có những điệu xoè hoa khiến khách đường xa chỉ ngắm thôi đã nghe lòng như ướp men say; đi cùng với đó là những thiên tình sử: “Xống chụ xon xao” (dân tộc Thái), “Lhá pa dí” (dân tộc Hà Nhì) hoặc khúc bi ca “Tiếng hát làm dâu” (dân tộc Mông) với bao nhiêu nỗi niềm trĩu nặng lòng ta...

 

Tháng 3/2018, lần thứ 5  Lễ hội Hoa ban được thực hiện trên địa bàn thành phố Ðiện Biên Phủ, tỉnh Ðiện Biên.

Ðó là một vùng quan san trùng điệp, không chỉ cách trở mà còn hiểm trở, nhưng lại vô cùng hấp dẫn bởi những nét cẩm tú của thiên sơn vạn thuỷ. Thực ra, Tây Bắc là tên gọi theo phương vị địa lý mà “tâm điểm” chính là Thủ đô Hà Nội, ngoài ra không mang ý nghĩa nào khác nữa. Từ “tâm điểm” của vùng đất “trong sông” ấy, theo quốc lộ số 6, xưa kia đại binh do Cao hoàng Thái tổ Lê Lợi thống lĩnh đã phải vượt sông Ðà tại nơi “đã Bến lại còn Chợ, đã Chợ lại còn Bờ và Suối không chảy mà là Suối Rút”. Vậy là bạn đã “lạc” vào xứ sở “hoa ban nở thành người con gái Thái” - đó là câu thơ mà Trần Mạnh Hảo viết cách đây 38 năm trời, một câu thơ thuộc vào “sê-ri” những câu thơ hay nhất về hoa ban Tây Bắc. Mùa này hoa ban nở trắng rừng trắng núi, xe bon bon như ru lòng ta dưới những tán hoa ban Mộc Châu, Yên Châu, Nà Sản, Sơn La... rồi bất chợt ta gặp một dãy núi cao hơn mọi niềm kiêu hãnh có tên gọi Pha Ðin, gắn với chiến dịch Ðiện Biên Phủ vang dội hoàn cầu năm 1954.

Lại nhớ đầu năm 2004, để có tác phẩm cho số Kỷ niệm đại lễ 50 năm Chiến thắng Lịch sử Ðiện Biên Phủ (05/1954 - 05/2004), Hội Văn học - Nghệ thuật Ðiện Biên tổ chức Trại sáng tác văn học địa điểm tại Rạp chiếu phim Ðiện Biên Phủ (Trung tâm Phát hành phim & Chiếu bóng tỉnh Ðiện Biên hiện nay). Trong chương trình bài giảng dài 3 ngày của mình, Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh dành trọn một buổi (1/2 ngày) để nói về hoa ban và những câu chuyện xung quanh loài hoa này. Theo Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh, trong cộng đồng hơn 30 dân tộc vùng Tây Bắc, dân tộc Xinh Mun và dân tộc Thái là hai dân tộc mà nền văn hóa của họ gắn với cây hoa ban nhiều hơn cả. Họ có nhiều lễ hội đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó, hội hoa ban đầu mùa xuân được xem như hội của tình yêu và hạnh phúc.

Hàng năm, cứ vào dịp tháng hai âm lịch, thời tiết bắt đầu nắng ấm sau những cơn mưa xuân, hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc, hứa hẹn một mùa màng bội thu trên các nương rẫy và trên các khu vườn. Hội hoa ban mở ra cũng là thời kỳ lúa chiêm đang độ gặp mưa xuân, xanh mơn mởn trên các cánh đồng lúa nước. Cây ban giống cây sim rừng, hoa màu trắng rất đẹp. Tại Sơn La - nơi tộc người Thái cư trú mật tập - mùa xuân con trai, con gái trong vùng thường hẹn gặp nhau vào hội chơi núi hái hoa. Hoa ban làm đẹp mùa xuân, mùa hội hái hoa. Theo phong tục của người Thái trước đây, hội hoa ban chính là ngày hội lớn nhất của xứ Thái (kể cả Thái trắng cũng như Thái đen). Mùa xuân là mùa hoa ban nở và cũng chính là ngày hội của tình yêu, của tuổi trẻ.

 

Ðêm khai mạc Lễ hội Hoa ban 2018.

Từ sáng sớm, trên khắp các bản làng, tiếng trống, tiếng chiêng vang lên giục giã. Các bếp nhà sàn lửa đỏ bập bùng, người ta đồ xôi, luộc gà làm cỗ. Những vò rượu thơm ngon được mang ra đãi khách. Sau khi ăn uống no say, mọi người cùng đổ vào rừng để tìm những cánh hoa ban mới nở. Họ trân trọng mang về tặng cha mẹ, tặng người yêu, vì người Thái cho rằng, hoa ban trắng vừa là biểu tượng của đạo hiếu đối với cha mẹ, vừa là biểu tượng cho sự trinh bạch của tình yêu trai gái. Trong mâm cỗ đầu năm, người Thái cũng hay cài những cánh hoa ban đẹp trên bàn thờ như để bày tỏ lòng biết ơn những bậc sinh thành đã qua đời. Nếu là con trai hay con gái, họ kể cho nhau nghe một câu chuyện tình trong sáng nhưng rất thương tâm giữa chàng Khun và nàng Ban xa xưa. Sau đó họ hát cho nhau nghe bản tình ca Thái: “Ta yêu nhau khi ban còn đơm nụ // Ta yêu nhau khi Ban nở trên cành // Ban sẽ héo, mong ban trở lại cành // Ban sẽ rụng, mong ban rụng về gốc”... Những cuộc hát đối đáp mang những nỗi niềm tâm sự, mơ ước chân thành về hạnh phúc bình dị: “Hoa ban nở, hoa ban tàn // Tình ta đẹp như hoa ban // Còn dài lâu thì như hoa nào? Hỡi người ta yêu”...

Cũng theo Giáo sư - Tiến sỹ khoa học Tô Ngọc Thanh: Trong ngày hội bên sông Nậm Na (tỉnh Lai Châu hiện nay), nhìn hoa ban, hoa mạ nở trên bờ đất hay trên vách núi in bóng xuống tưởng như Nậm Na trở thành một dòng sông hoa. Chính lúc ấy diễn ra những hội giao duyên trên thuyền, hội chơi thuyền đuôi én và hái hoa. Trên sông Nậm Na màu hoa ban trắng rực, chan hòa với màu áo trắng tinh, nẹp áo cài hai hàng khuy bạc hình bướm, áo may bó gọn làm nổi bật đường nét thân hình cô gái Thái. Ðến ngày hội hái hoa ban, ngay từ sáng sớm tiếng chiêng, tiếng trống khua vang mường trên, bản dưới, giục giã nam thanh, nữ tú đi trảy hội. Nhà nhà đồ xôi, người người giết gà nấu cỗ, những vò rượu cần ngon nhất được các chủ nhà bưng ra thết khách. Khi bình minh trải khắp núi rừng cũng là thời điểm mọi người nô nức đổ ra rừng, chọn những cành ban đẹp nhất, nhiều hoa nhất mang tặng cha mẹ hoặc người yêu. Trai gái hái hoa xong rủ nhau ra sông. Các cô gái cầm ô ngồi ở mũi thuyền bên cạnh những đóa hoa ban tươi thắm. Còn các chàng trai thì ngồi ở đuôi thuyền vừa đánh đàn tán gẫu hoặc thổi sáo. Tiếng đàn, tiếng hát cứ quyện vào nhau, trôi theo dòng nước lững lờ đi vào cõi mộng. Nếu thuyền tắp vào bến nào, thì chàng trai cô gái sẽ nhảy lên bờ nhập vào dòng người mà đi vào rừng ban, cùng ca hát, nhảy múa đón năm mới tốt lành. Những cánh hoa ban đẹp nhất được chọn riêng, xếp cạnh nhau trên bãi. Thế rồi, tiếng khèn và nhịp trống cất lên như mời gọi. Tất cả cùng nắm tay nhau bước vào điệu xòe cứ mỗi lúc mỗi rộng thêm khi có nhiều người nhập cuộc. Tiếp theo điệu xòe vòng, các cô gái với vải lụa đỏ thắm trên vai duyên dáng trong điệu xòe khăn, rồi tiếp đến xòe quạt, xòe nón... cuốn hút mọi người. Cuối cùng, mọi người kéo nhau về nhà trưởng bản dự cuộc vui uống rượu cần truyền thống.

Hội hái hoa ban cứ thế say theo tiếng đàn nhịp trống mỗi lúc thêm rộn ràng, mọi người nắm tay xòe và vòng xòe ngày càng rộng vì người tham gia mỗi lúc một thêm đông. Tan cuộc vui, từng tốp, từng tốp kéo nhau về một nhà nào đó để dự tiệc rượu cần, cùng nhau ôn lại sực tích hoa ban, một câu chuyện tình đầy nước mắt. Lễ hội hoa ban còn tiếp tục khi màn đêm buông xuống, bên sàn hạn khuống các cô gái, các chàng trai lại trao nhau những câu hát trao duyên còn dang dở từ buổi hái hoa. Lễ hội hái hoa ban là nét sinh hoạt văn hóa đặc sắc của nhiều tộc người vùng Tây Bắc. Ðây là lễ hội của tình yêu, không hề mảy may nhuốm sắc màu tín ngưỡng. Nhiều đôi trai gái qua lễ hội đã nên vợ, thành chồng. Lễ hội cũng hàm chứa một “thông điệp” nhắc nhở con người hãy bảo vệ hạnh phúc, bảo vệ thiên nhiên. Bởi theo tục lệ truyền thống của người Thái trước đây, chỉ cho phép chặt cành ban vào ngày hội và để phục vụ cho chính lễ hội...

Quốc Lâm
Bình luận
Back To Top