Lễ hội Thành Bản Phủ

Gìn giữ, phát huy đạo lý “uống nước nhớ nguồn”

08:55 - Thứ Sáu, 13/04/2018 Lượt xem: 6452 In bài viết
ĐBP - Ðã thành thông lệ, những ngày cuối tháng 2 (âm lịch), người dân trong vùng và du khách phương xa lại hẹn nhau đi hội Ðền Hoàng Công Chất (xã Noong Hẹt, huyện Ðiện Biên), với tâm niệm thành kính tri ân, tưởng nhớ người anh hùng có công giải phóng mảnh đất Mường Thanh vào thế kỷ 18. Ðây không chỉ là hoạt động văn hóa, tín ngưỡng đặc sắc, ý nghĩa mà còn là niềm tự hào của người dân địa phương bởi từ lâu Thành Bản Phủ, Ðền Hoàng Công Chất đã được xếp hạng là Di tích lịch sử, văn hóa cấp quốc gia và Lễ hội Thành Bản Phủ (hay còn gọi là Lễ hội Ðền Hoàng Công Chất) cũng được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào năm 2016.

 

Màn múa rồng thể hiện sự tri ân với tướng quân Hoàng Công Chất và các vị anh hùng do người dân xã Noong Hẹt biểu diễn.

Người dân lòng chảo Mường Thanh nói riêng, đồng bào các dân tộc Ðiện Biên nói chung, từ nhỏ đều đã thuộc lòng câu chuyện về chiến tích, công lao của vị tướng quân miền quê Thái Bình - Hoàng Công Chất cùng nghĩa quân áo vải và 2 vị thủ lĩnh người bản địa là tướng Ngải, tướng Khanh đối với mảnh đất này. Trở về lịch sử thế kỷ 18, những người anh hùng ấy đã phất cờ khởi nghĩa, đánh tan giặc Phẻ, bảo vệ sự bình yên cho các bản làng. Từ năm 1758 - 1762, nghĩa quân dưới sự lãnh đạo của tướng Hoàng Công Chất đã xây dựng Thành Bản Phủ vững chắc, kiên cố, làm thủ phủ gìn giữ vùng biên cương của Tổ quốc. Năm 1769, tướng quân Hoàng Công Chất mất, người dân trong khu vực vẫn khắc sâu công ơn của ông và lập đền thờ, cứ đến ngày giỗ của ông - 24/2 (âm lịch) hàng năm lại tổ chức dâng hương, tri ân. Năm nay nhân kỷ niệm 249 năm ngày mất của thủ lĩnh Hoàng Công Chất, Ðảng ủy, chính quyền địa phương, trang trọng tổ chức Lễ hội Thành Bản Phủ với các nghi thức rước kiệu, đọc chúc văn, dâng hương, tế lễ... tưởng nhớ tướng quân cùng tướng Ngải, tướng Khanh và nghĩa quân tại di tích Ðền Hoàng Công Chất. Ngay từ sáng sớm, từng đoàn người đã xếp hàng vào Ðền dâng lễ. Riêng trong sáng khai mạc có hàng nghìn lượt người trong và ngoài địa bàn đến thăm, viếng, tham gia các hoạt động văn hóa, tâm linh. Qua đó có thể thấy tinh thần đạo lý “uống nước nhớ nguồn” vẫn luôn được các thế hệ coi trọng và câu chuyện về công lao của những người anh hùng đã cống hiến cho mảnh đất này vẫn được lưu truyền, khắc ghi.

Người dân Mường Thanh có câu “Thái đen, Thái trắng, Thái Bình//Ba Thái đồng tình xây dựng Ðiện Biên”. Có thể nói, tướng quân Hoàng Công Chất là người đầu tiên gắn kết, tạo nên khối đoàn kết miền ngược - miền xuôi cùng nhau dựng xây cuộc sống trên mảnh đất vùng biên này. Ðể tưởng nhớ sự vun đắp ấy, trong ngày giỗ của ông đồng bào các dân tộc trên địa bàn cùng nhau tham gia đội tế lễ, rước kiệu, múa rồng... Màu áo dài, áo hội truyền thống của người Việt vùng đồng bằng sông Hồng hòa cùng sắc vải dệt, nhuộm thủ công đặc trưng thường dùng trong các nghi lễ tôn kính của đồng bào dân tộc bản địa làm cho không gian lễ hội thêm trang trọng, ý nghĩa và độc đáo. Chị Lò Thị Tiện, đội 14, xã Noong Hẹt là thành viên Tổ múa rồng trong lễ hội, cho biết: “Tôi đã tham gia các hoạt động mang tính chất nghi thức phục vụ lễ hội hơn 10 năm nay. Sinh ra và lớn lên tại đây, từ nhỏ tôi đã được nghe chuyện về tướng quân Hoàng Công Chất và năm nào cũng cùng gia đình đến thắp hương tại đền. Khi lớn lên, tôi đăng ký tham gia đội phục vụ, thực hiện các nghi thức cho Lễ hội Thành Bản Phủ, tháng 2 (âm lịch) hàng năm đều gác công việc cá nhân để tập luyện chuẩn bị cho ngày khai hội, với mong muốn góp sức gìn giữ Lễ hội và thể hiện lòng thành kính tri ân đến các vị anh hùng đã có công bảo vệ quê hương mình”.

Ðến với Lễ hội Thành Bản Phủ, không phân biệt dân tộc, vùng miền, ai cũng đều thành tâm dâng hương tưởng nhớ sự hy sinh của các thủ lĩnh cùng nghĩa quân và cầu cho bản thân, gia đình gặp những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Năm nào, chị Nguyễn Hồng Giang, sống tại TP. Ðiện Biên Phủ cũng cùng người thân tham dự hội Ðền. “Không chỉ là hoạt động tín ngưỡng mà gia đình tôi thường xuyên đến viếng Ðền còn để dạy các con bài học về lịch sử cùng sự tri ân, biết ơn những người anh hùng có công với quê hương, đất nước. Riêng với bản thân tôi, dù đi vào chính hội rất đông đúc, náo nhiệt nhưng đứng trước nơi thờ tự các vị tướng quân, tôi vẫn cảm thấy sự yên bình và trút bỏ được những muộn phiền trong cuộc sống”.

Ðã nhiều năm nay, Lễ hội Thành Bản Phủ luôn có sự tham gia của gia đình hậu duệ tướng quân Hoàng Công Chất. Ðại diện cho dòng họ Hoàng, ông Hoàng Công Khánh, hậu duệ đời thứ 8, cho biết: Mặc dù đường xá xa xôi và các gia đình trong dòng họ giờ đã sinh sống, làm việc ở nhiều tỉnh thành khác nhau nhưng cứ đến ngày giỗ của tướng quân, con cháu họ Hoàng lại lên Ðiện Biên để tự tay thắp hương cho tổ tiên mình. Năm nay, dòng họ chúng tôi có 76 người tham dự Lễ hội, ai nấy đều cảm kích, xúc động khi chứng kiến chính quyền cùng người dân địa phương tổ chức ngày giỗ của tướng quân một cách trang trọng như vậy, đặc biệt là phát triển thành Lễ hội được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Chúng tôi thực sự vui, biết ơn và có tình cảm đặc biệt với mảnh đất Ðiện Biên khi thấy người dân trân trọng, khắc ghi công lao của tướng quân, giúp gia đình thêm yên tâm về việc thờ phụng tổ tiên tại nơi xa xôi này.

Diễn ra trong 2 ngày (8 - 9/4), Lễ hội Thành Bản Phủ năm 2018 đã kết thúc nhưng việc thờ cúng, tri ân tướng quân Hoàng Công Chất, tướng Ngải, tướng Khanh cùng nghĩa quân vẫn luôn được quan tâm, thực hiện bằng ý thức, trách nhiệm “uống nước nhớ nguồn” mà người dân Việt Nam nói chung, đồng bào các dân tộc Ðiện Biên nói riêng luôn đề cao gìn giữ và tiếp nối.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top