Chiêm ngưỡng những báu vật khảo cổ học Việt Nam

15:32 - Thứ Sáu, 13/04/2018 Lượt xem: 6979 In bài viết
Ngày 12/4, Bảo tàng Lịch sử quốc gia khai mạc trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” nhằm giới thiệu những thành tựu của chính các nhà khảo cổ học Việt Nam đã đạt được trong 60 năm qua, đặc biệt là giới thiệu những kết quả khảo cổ học đã đạt được bởi sự hợp tác giữa Đức và Việt Nam trên lĩnh vực này. 

 

Thứ trưởng Bộ VH,TT&DL Đặng Thị Bích Liên và các đại biểu tham quan trong buổi khai trương trưng bày.

Trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” do Bảo tàng Lịch sử quốc gia phối hợp với các Bảo tàng Bình Dương, Đồng Tháp, Hà Nội, Lâm Đồng, Phú Thọ, Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội, Ban Quản lý di tích và du lịch Mỹ Sơn, Viện Goethe Hà Nội và 3 Bảo tàng quốc gia Đức là: Herne, Chemnitz, Reiss-Engelhorn cùng phối hợp tổ chức. Thông qua trưng bày đặc biệt này, Ban tổ chức giới thiệu gần 300 hiện vật tiêu biểu từ thời Tiền sử đến thời Lê Trung Hưng (thế kỷ XVII-XVIII), chia làm 3 phần chính: “Báu vật khảo cổ thời Tiền sử”; “Báu vật khảo cổ học thời đại Kim khí”; “Báu vật khảo cổ học thời kỳ lịch sử”.

 

Vật liệu trang trí kiến trúc thời Lý - Trần.

Những hiện vật được trưng bày đáng chú ý có rìu tay bằng đá di chỉ Núi Đọ (Thanh Hóa), thuộc thời đại Đá cũ; những công cụ đá điển hình của văn hóa Hòa Bình như: công cụ hình đĩa, rìu ngắn tìm thấy tại hang Muối - Hòa Bình năm 1965; rìu di chỉ Núi Voi (Đông Sơn - Thanh Hóa), sưu tầm năm 1965; công cụ chặt di chỉ Gò Rừng Sậu (Sơn Vi - Phú Thọ) được Bảo tàng Lịch sử Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử quốc gia) khai quật năm 1969...

Đặc biệt, phần trưng bày này cũng giới thiệu những hình ảnh về cuộc khai quật tại Hang Hùm (Yên Bái) năm 1964. Đây là cuộc khai quật lớn, đánh dấu mốc đầu tiên trong quan hệ hợp tác nghiên cứu khảo cổ học giữa Việt Nam và Đức. Tại Hang Hùm, các chuyên gia khảo cổ học người Đức và Viện khảo cổ học Việt Nam đã tìm thấy những dấu vết, hiện vật thuộc hậu kỳ đồ đá cũ - văn hóa Sơn Vi.

 

Tượng Gajasimha (Mỹ Sơn, Quảng Nam).

Điểm nhấn của trưng bày lần này là chuyên đề “Khảo cổ học lịch sử”, đưa người xem trải nghiệm một hành trình lịch sử từ các báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên đến các báu vật khảo cổ học thời kỳ phong kiến Việt Nam. Trong đó, báu vật khảo cổ học Việt Nam 10 thế kỷ đầu Công nguyên là các hiện vật được tìm thấy trong những ngôi mộ gạch thế kỷ 1-3, những chứng tích của các cuộc nổi dậy chống phong kiến phương Bắc, di sản khảo cổ văn hoá Chăm ở Mỹ Sơn, văn hoá Óc Eo tại An Giang...

Trước đó, Bảo tàng Lịch sử quốc gia và một số bảo tàng, di tích Việt Nam phối hợp với một số bảo tàng của Đức tổ chức trưng bày chuyên đề “Báu vật khảo cổ học Việt Nam” tại Đức từ tháng 10-2016 đến tháng 2-2018. 

Trưng bày sẽ kéo dài đến hết tháng 7, tại số 1 Tràng Tiền (Hà Nội).

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top