Ðể phát huy hơn nữa hệ thống bảo tàng tỉnh

08:51 - Thứ Năm, 10/05/2018 Lượt xem: 7121 In bài viết
ĐBP - Những ngày này mặc dù rất bận cho sự kiện kỷ niệm 10 năm Ngày Thành lập ngành, song ông Ðào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH-TT&DL) vẫn dành cho chúng tôi những phút trao đổi bổ ích, về tình hình hoạt động của hệ thống bảo tàng trên địa bàn tỉnh...

Theo ông Ðào Ngọc Lượng, bảo tàng là một hình thái hết sức quan trọng trong toàn bộ hệ thống thiết chế văn hóa của một ngành nói riêng, một địa phương nói chung. Tại thời điểm này, trên địa bàn tỉnh có cả thảy 2 bảo tàng, một bảo tàng thuộc loại hình văn hóa và một bảo tàng thuộc loại hình lịch sử. Bảo tàng thuộc loại hình văn hóa đó là Bảo tàng tỉnh (tên cũ là Bảo tàng Dân tộc tỉnh), hiện nằm trong khuôn viên cơ sở II của Sở VH-TT&DL, cạnh đường Hoàng Văn Thái, thuộc tổ dân phố 9, phường Mường Thanh (thành phố Ðiện Biên Phủ); bảo tàng thuộc loại hình lịch sử là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ nằm bên đại lộ Võ Nguyên Giáp, đối diện Nghĩa trang Liệt sĩ A1; thuộc địa phận phường Mường Thanh (thành phố Ðiện Biên Phủ). Quá trình tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy vì nhiều lý do khiến Bảo tàng tỉnh không được nhiều người biết đến (kể cả người Ðiện Biên và thậm chí là người sinh sống ngay tại thành phố Ðiện Biên Phủ). Trong khi đó, Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ nổi tiếng khắp trong và ngoài nước, không chỉ vì nội dung trưng bày của bảo tàng gắn với sự kiện Chiến dịch Ðiện Biên Phủ tháng 5/1954 mà hơn thế, địa điểm đóng chân của bảo tàng rất thuận tiện cho khách du lịch khi thực hiện các chuyến tham quan tại thành phố Ðiện Biên Phủ.

 

Ðồi A1 - điểm đến của khách tham quan du lịch.

Bà Vũ Thị Tuyết Nga, Phó giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, cho biết: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đúng nghĩa là một bảo tàng chuyên đề và hiện vật trưng bày không gì khác ngoài những thứ liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến trận đánh Ðiện Biên Phủ (của cả hai bên tham chiến). Công trình Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ hoàn thành và đưa vào khai thác, phục vụ dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Ðiện Biên Phủ (tháng 5/2014), là công trình có quy mô hoành tráng, xứng tầm với chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” và là điểm thu hút rất đông lượng khách đến tham quan. Trước đó, năm 2013, tỉnh Ðiện Biên đã tiến hành điều tra, kiểm kê di tích trên toàn tỉnh. Ðây là hoạt động quan trọng nhằm nghiên cứu, lập hồ sơ khoa học, pháp lý cho di tích, là căn cứ để khoanh vùng, quy hoạch và tiến tới phân loại xác định thứ tự ưu tiên đầu tư để khai thác phục vụ phát triển du lịch. Ngành VH-TT&DL tỉnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng trực tiếp quản lý di tích đẩy mạnh việc nghiên cứu, bổ sung thông tin khoa học cho di tích, sưu tầm các tư liệu, hiện vật liên quan đến di tích, khai thác các nguồn tài liệu, nhân chứng một cách toàn diện.

Một trong những biện pháp, theo quan điểm của bà Vũ Thị Tuyết Nga, cần tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di tích, phối hợp với chính quyền cơ sở và nhân dân tại các địa bàn có di tích cùng bảo vệ di tích, chống các hoạt động phá hoại di tích, nâng cao sự hiểu biết và nhận thức của người dân trong công tác bảo vệ và phát huy giá trị di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ. Bên cạnh đó công tác xã hội hóa trùng tu tôn tạo di tích cũng cần được đẩy mạnh và đã thu được những kết quả đáng kể. Hiện nay một số di tích và hiện vật ngoài trời của di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ đã được xây dựng công trình mái che. Trong thời gian tới, đơn vị sẽ tham mưu để ngành VH-TT&DL tỉnh tiếp tục kêu gọi, vận động toàn xã hội chung tay cùng tỉnh Ðiện Biên trong hoạt động có ý nghĩa này.

 

Khách du lịch tham quan Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ.

Là người phụ trách công tác trùng tu, tôn tạo, ông Ðào Ngọc Lượng chia sẻ: Hẳn chúng ta đều biết di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ là các chứng tích chiến tranh và hầu hết tồn tại ở dạng phế tích nên việc tu bổ, tôn tạo gặp nhiều khó khăn không chỉ kinh phí mà còn về các phương án, mức độ và tinh thần trách nhiệm của các cấp, các ngành. Với chức năng, nhiệm vụ được phân cấp, ngành VH-TT&DL tỉnh cho rằng cần thực hiện nghiêm túc Luật Di sản Văn hóa và các thông tư, chỉ thị của các bộ ngành Trung ương trong việc tăng cường công tác bảo vệ và giữ gìn di sản văn hóa. Cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong việc đưa nội dung giáo dục ý thức bảo vệ di sản văn hóa vào các chương trình học của ngành Giáo dục và Ðào tạo. Mặt khác, tuyên truyền giáo dục bằng mọi phương tiện thông tin đại chúng như: Sách, báo, tạp chí, phim ảnh, phóng sự... để mọi tầng lớp nhân dân nhận thấy tầm quan trọng của việc giữ gìn bảo vệ di sản văn hóa nói chung và di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ nói riêng. Tăng cường công tác giới thiệu quảng bá phát huy, khai thác giá trị của di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ cả trong giáo dục truyền thống lịch sử và phát triển du lịch.

Với vai trò Giám đốc Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, ông Vũ Nam Hải, cho biết: Trong số 45 điểm di tích mà Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đang được giao quản lý, có những điểm thuộc dạng di tích phục hồi hoặc trùng tu, tôn tạo; nhưng có những điểm thuộc dạng di tích văn hóa - lịch sử. Chẳng hạn như di tích hầm Ðờ - cát, di tích cầu Mường Thanh, di tích Sở chỉ huy của quân ta tại khu rừng Phiêng Nặm (xã Mường Phăng, huyện Ðiện Biên)... thuộc dạng di tích phục hồi hoặc trùng tu, tôn tạo vì chiến trường Ðiện Biên Phủ có nguyên trạng hoặc trên cơ sở như thế. Các di tích như: Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ, bia Hận thù Noong Nhai, Nhà văn hóa Cựu chiến binh trên Ðồi E, Công viên mừng chiến thắng tại Mường Phăng... là những công trình văn hóa được xây dựng trên các điểm di tích lịch sử. Ðể giữ cho các điểm di tích được sạch đẹp, hàng tháng cơ quan chủ quản là Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Ðiện Biên Phủ đôn đốc nhân viên dọn dẹp vệ sinh tại các điểm di tích, tuy nhiên, cần có sự quan tâm đầu tư kịp thời nguồn kinh phí cho công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di tích lịch sử chiến trường Ðiện Biên Phủ, trước khi những yếu tố gốc của di tích bị mai một và mất đi hoàn toàn sẽ là khó khăn lớn cho việc phục hồi giữ gìn những giá trị to lớn của di tích, ảnh hưởng không nhỏ trong việc giáo dục truyền thống đến các thế hệ mai sau.

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về những trăn trở hiện nay, ông Vũ Nam Hải bày tỏ một băn khoăn là khi quy hoạch phát triển đô thị cần có sự quan tâm định hướng về quy hoạch không gian bảo tồn và phát huy giá trị của các di tích lịch sử cách mạng. Ðặc biệt là các điểm di tích chiến trường Ðiện Biên Phủ hiện tại đang nằm đan xen với các khu dân cư, khu đô thị và các công sở cơ quan, nên rất mong các nhà quản lý và các nhà chuyên môn cần tính toán đảm bảo hài hòa giữa vấn đề bảo tồn và phát triển, tránh quy hoạch giao thông đi lại cắt ngang di tích. Ngoài ra quy hoạch cần đề xuất tính toán cơ cấu phân khu chức năng gồm: Khu bảo tồn di tích; khu dân cư; khu đô thị - nông thôn; khu phát triển các dịch vụ công cộng, dịch vụ du lịch; vùng bảo vệ cảnh quan thiên nhiên để phù hợp với định hướng bảo tồn và phát huy giá trị khai thác tiềm năng phát triển du lịch.

Cùng với đó, rất mong Chính phủ và các bộ ngành chức năng quan tâm hỗ trợ kinh phí cho tỉnh không chỉ tương ứng mà còn kịp thời, thể hiện ở việc các dự án được đầu tư đồng bộ, từ phân khúc phục hồi những yếu tố gốc tới tôn tạo cảnh quan sân vườn, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, phòng cháy, chống trộm, xây dựng các khu quản lý và dịch vụ du lịch, đầu tư cơ sở hạ tầng hệ thống giao thông để biến các di tích thành sản phẩm du lịch hấp dẫn du khách. Ðiều không kém phần quan trọng là cần nghiên cứu, cải tiến và nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ máy quản lý di sản theo một cơ chế tách bạch, rành rọt và gắn với trách nhiệm của từng cấp, từng ngành, từng địa phương. Có như thế mới hoàn thành được ba chức năng lớn của ngành Bảo tàng nói chung và hệ thống Bảo tàng tỉnh ta nói riêng; đó là: Bảo vệ, trùng tu và khai thác...

Bài, ảnh: Thu Loan
Bình luận
Back To Top