Bảo tồn âm nhạc cổ truyền các DTTS vùng núi phía Bắc

Lớp kế cận chưa sẵn sàng nhận lấy

09:05 - Thứ Năm, 17/05/2018 Lượt xem: 7305 In bài viết
ĐBP - Sáng 10/5/2018, tại Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, diễn ra cuộc gặp mặt hiếm hoi và thú vị của những “hạt nhân” văn hóa - văn nghệ đến từ các tỉnh: Hòa Bình, Lai Châu, Cao Bằng... Họ là những người vốn nặng lòng với âm nhạc cổ truyền các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc Việt Nam...

Ðó là cuộc “tri âm” trong khuôn khổ Hội thảo khoa học “Việc bảo tồn di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc Việt Nam - chính sách và thực tiễn” (thuộc Chương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016 - 2020), do Viện Âm nhạc Việt Nam phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðiện Biên tổ chức. Là người chỉ đạo nội dung hội thảo, bà Phạm Minh Hương - Thạc sĩ, Phó Viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam - cho biết: “Hơn ba thập niên qua, thực hiện đường lối đổi mới của Ðảng, sự nghiệp bảo tồn và chấn hưng văn hóa ở các tỉnh miền núi và vùng dân tộc thiểu số trong đó có Ðiện Biên, đã có bước phát triển trên nhiều lĩnh vực, bản sắc văn hóa các dân tộc được coi trọng hơn và mức hưởng thụ về văn hóa ở nhiều nơi cũng dần được nâng lên. Bên cạnh đó, việc đầu tư các phương tiện văn hóa - thông tin có khá hơn, ở nhiều nơi đã xuất hiện một số mô hình hoạt động văn hóa - thông tin thích hợp, có hiệu quả, có khả năng nhân thành diện rộng. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ dân tộc thiểu số làm văn hóa - văn nghệ ngày càng được quan tâm. Nhờ đó, nhiều loại hình di sản vật thể cũng như phi vật thể được kiểm kê, sưu tầm và phục dựng trong đó có âm nhạc các dân tộc thiểu số.

 

Trong lễ Bun hốt Nậm của dân tộc Lào (huyện Ðiện Biên), âm nhạc có vai trò quan trọng vơi bộ gõ “tứ khí”.

Theo thạc sĩ Phạm Minh Hương, âm nhạc là một thành tố quan trọng, đóng góp phần không nhỏ làm nên bản sắc văn hoá cho mỗi dân tộc, góp phần khẳng định sự tồn tại của dân tộc đó trong cộng đồng các dân tộc cùng chung sống. Trên thực tế, cho dù ở thời đại nào, âm nhạc cũng luôn đóng một vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân, là công cụ hiệu quả để kết nối các hoạt động tập thể, cộng đồng. Âm nhạc cổ truyền cũng đã từng giữ những vai trò quan trọng như vậy trong cộng đồng các dân tộc. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, cùng với sự du nhập và chiếm lĩnh thị trường của nhiều trào lưu văn hoá, âm nhạc trong nước và quốc tế, đời sống âm nhạc của cộng đồng các dân tộc đã có nhiều đổi thay và có ảnh hưởng lớn tới việc thực hành các loại hình âm nhạc cổ truyền. Cho tới nay, rất tiếc nhiều loại hình âm nhạc cổ truyền của các dân tộc đã bị mai một, thậm chí biến mất, bản sắc văn hoá của cộng đồng các dân tộc cũng vì thế dần bị phai nhạt. Thực trạng đó đã đặt ra một yêu cầu cần thiết và cấp bách là phải bảo vệ các giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các dân tộc.

Tham gia Hội thảo với tư cách một nhạc công Ghi - ta của Ðoàn Nghệ thuật Hoa Ban trắng, nhạc sỹ Nguyễn Huy Thông chia sẻ: Trong thời đại giao lưu và hội nhập hiện nay, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có âm nhạc truyền thống đang đứng trước sự pha tạp, lai căng. Ðó chính là một thực tế khách quan đòi hỏi sự quan tâm, ý thức trách nhiệm của các nhà quản lý, các nghệ nhân và cả các diễn viên không chuyên. Những năm qua Ðiện Biên nói riêng và các tỉnh miền núi Tây Bắc nói chung đã có nhiều cố gắng trong việc đầu tư kinh phí cho những nỗ lực bảo tồn, khai thác và phát huy âm nhạc các dân tộc thiểu số. Tuy nhiên lực lượng làm công tác này không nhiều, không phải với ai vốn hiểu biết âm nhạc dân gian cũng sâu sắc, tường tận. Tất yếu là việc sưu tầm, nghiên cứu còn manh mún, tự phát, chưa có định hướng và sự chỉ đạo một cách thường xuyên và thống nhất của cơ quan quản lý Nhà nước đủ tầm. Do đó, nhìn chung hiệu quả chưa được như mọi người mong muốn, chưa có công trình nghiên cứu nào đủ tầm khái quát được toàn bộ diện mạo âm nhạc của một nhóm tộc người hoặc nhóm ngôn ngữ. Tình hình chung là khả năng trao truyền không cao, lớp kế cận (thế hệ trẻ) chưa sẵn sàng nhận lấy. Nói cách khác là lớp trẻ các dân tộc thiểu số không mặn mà với các nhạc cụ truyền thống, các làn điệu dân ca, dân vũ của chính dân tộc mình, làng bản quê hương mình.

Bên hành lang phòng họp, chị Lê Thị Lan Anh (chuyên viên Phòng Di sản Văn hóa, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết: Trong những năm qua tỉnh Ðiện Biên triển khai công tác bảo tồn âm nhạc cổ truyền của các dân tộc thiểu số thông qua tổ chức hội thi, hội diễn, mở lớp truyền dạy, lễ hội, chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa, nguồn tài trợ phi Chính phủ và phát huy vai trò của chủ thể văn hóa - nghệ nhân hoặc các đội văn nghệ trong cộng đồng. Âm nhạc là một loại hình di sản văn hóa không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc. Tại các thôn, bản, nhân dân các dân tộc thường xuyên duy trì, thực hành âm nhạc và thành lập đội văn nghệ quần chúng, góp phần không nhỏ trong công tác bảo tồn âm nhạc cổ truyền. Tới thời điểm này toàn tỉnh có gần 1.300 đội văn nghệ quần chúng thường xuyên tham gia sinh hoạt văn hóa cộng đồng, hàng năm tổ chức nhiều hội thi, hội diễn, giao lưu nghệ thuật quần chúng liên xã, liên bản. Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập 1 câu lạc bộ bảo tồn âm nhạc, dân ca, dân vũ truyền thống các dân tộc tỉnh Ðiện Biên; 1 câu lạc bộ bảo tồn và phát huy văn hóa dân gian dân tộc Thái tỉnh Ðiện Biên. Qua các buổi sinh hoạt của câu lạc bộ đã góp phần gìn giữ nghệ thuật trình diễn dân gian, văn hóa dân gian các dân tộc. Nổi bật trong dòng âm nhạc cổ truyền của tỉnh Ðiện Biên cần kể đến nghệ thuật hát then của người Thái. Ðã nhiều năm, tỉnh Ðiện Biên tham gia Liên hoan hát then, đàn tính các dân tộc Tày - Nùng - Thái toàn quốc. Ngoài ra, tỉnh cũng đã phối hợp với Viện Âm nhạc tổ chức xây dựng hồ sơ di sản Then Thái trình UNESCO, đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Bằng thực tế qua nhiều năm tham gia công tác bảo tồn di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, chị Lê Thị Lan Anh cho biết: Ðể phát triển âm nhạc cổ truyền các dân tộc, kể từ năm 2009 định kỳ 2 năm/lần, tỉnh Ðiện Biên tổ chức “Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch” trên địa bàn tỉnh. Không chỉ cấp tỉnh tổ chức với quy mô cấp tỉnh, hiện nay một số huyện như Ðiện Biên, Tủa Chùa, Mường Ảng... đã tổ chức quy mô cấp huyện và theo cụm xã. Bên cạnh đó còn tổ chức Hội diễn Nghệ thuật quần chúng công - nông - binh cũng định kỳ 2 năm/lần, bắt đầu từ năm 2012. Duy trì tổ chức Lễ hội Hoa Ban từ năm 2014 là dịp để nhân dân các dân tộc được thể hiện, trình diễn nghệ thuật trong đó có âm nhạc truyền thống. Tại các sự kiện, nghệ nhân đã hát dân ca, trình diễn nhạc cụ như tính tẩu của người Thái; khèn của người Mông; sáo (đặc biệt là sáo mũi) của người Khơ Mú; khèn bè của người Lào và nhiều nhạc cụ khác. Bên cạnh đó, việc mở lớp truyền dạy cho cộng đồng cũng được quan tâm. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phối hợp với Viện Âm nhạc Việt Nam tiến hành mở lớp truyền dạy, bảo tồn âm nhạc của dân tộc Khơ Mú; phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc tổ chức mở lớp truyền dạy dân ca, dân vũ, dân nhạc cho dân tộc Cống, Si La trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, tỉnh đã tổ chức một số lớp truyền dạy múa dân gian dân tộc Thái, Lào. Qua đó phát huy được vai trò của nghệ nhân - chủ thể văn hóa trong công tác truyền dạy di sản, đồng thời giúp thế hệ trẻ nâng cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ và phát huy giá trị di sản...

Ðể khép lại bài viết này, chúng tôi xin dẫn lời ông Ðào Ngọc Lượng - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Ðiện Biên - đồng chủ trì buổi Hội thảo: “Âm nhạc dân gian do chính người dân là chủ thể sáng tạo. Do vậy, về nhiệm vụ bảo tồn và phát huy, bên cạnh vai trò của các cơ quan quản lý, các nhà chuyên môn... thì vai trò của cộng đồng, vai trò của nhân dân là vô cùng quan trọng. Thậm chí, trong nhiều trường hợp cụ thể, người dân còn giữ vai trò quan trọng nhất và không thể thiếu”...

Thu Loan
Bình luận
Back To Top