Ðất nước - Con người

Bến nhà Rồng nơi ghi dấu chặng đường cứu nước của Bác

09:08 - Thứ Năm, 17/05/2018 Lượt xem: 7147 In bài viết
ĐBP - Tại Bến Nhà Rồng, ngày 5/6/1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp), bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước. Hơn 100 năm - hơn 1 thế kỷ đã trôi qua, đã có quá nhiều sự đổi thay; nhưng Bến Nhà Rồng vẫn còn đó và lý tưởng của người thanh niên ngày đó và về sau là lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Việt Nam vẫn sáng mãi cùng non sông.

Bến Nhà Rồng là trụ sở thương cảng của Sài Gòn, nằm bên sông Sài Gòn; được xây dựng từ năm 1863, là một trong những công trình đầu tiên thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được đất này. Công trình có lối kiến trúc công sở phương tây với hành lang bao quanh và những vòm cuốn, nhưng lại có mái mang nét kiến trúc phương đông. Ðặc biệt, trên đỉnh mái có trang trí đôi rồng kiểu lưỡng long chầu nguyệt - một lối trang trí phổ biến trên các kiến trúc truyền thống Việt Nam. Và kiến trúc ấy được gọi là Nhà Rồng hay Bến Nhà Rồng. Sau khi người Pháp thất bại ở Ðông Dương năm 1954, Bến Nhà Rồng được chính quyền miền Nam Việt Nam quản lý, tu sửa lại và trang trí hình rồng trên đỉnh mái được thay đổi hướng ra ngoài.

 

Bến Nhà Rồng là một di tích đặc biệt của TP. Hồ Chí Minh, là nơi khởi đầu, gắn liền với con đường giải phóng dân tộc mà Bác đã đi.

Sau khi đất nước thống nhất, để ghi nhớ sự kiện ngày 5/6/1911, Bác Hồ ra đi từ Bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước; kiến trúc này được giữ lại làm di tích lịch sử, là khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngày 2/9/1979, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người, Nhà Rồng đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890 - 1945)”. Ngày 20/9/1982, UBND TP. Hồ Chí Minh ra quyết định chính thức chuyển “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh”. Bảo tàng sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tập trung nhấn mạnh vào sự kiện ra đi tìm đường cứu nước và thể hiện mối quan hệ tình cảm của Bác Hồ với đồng bào, nhân dân miền Nam.

Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh - chi nhánh TP. Hồ Chí Minh có hơn 11.000 tư liệu, hiện vật và 3.300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các hiện vật được tổ chức trưng bày theo các không gian: 5 phòng trưng bày chủ đề về sự nghiệp, con đường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Không gian trưng bày theo chuyên đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhà hoạt động quốc tế lỗi lạc, nhà hoạt động ngoại giao xuất sắc”. Nơi đây trưng bày những hình ảnh về Bác trong sự nghiệp hoạt động quốc tế, hoạt động ngoại giao; cùng rất nhiều những kỷ vật do bạn bè quốc tế khắp năm châu tặng. Không gian trưng bày theo chủ đề “Nhân dân Việt Nam thực hiện theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất hoàn toàn đất nước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới (1969 đến nay)”. Không gian trưng bày theo chủ đề “Nhân dân Việt Nam thực hiện theo di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất hoàn toàn đất nước, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng của nhân dân thế giới (1969 đến nay)”  Ngoài ra bảo tàng còn tổ chức các triển lãm trưng bày chuyên đề theo thời sự.

Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh của ngày hôm nay cũng là một địa chỉ với nhiều hoạt động văn hóa - chính trị có ý nghĩa, gắn liền với cuộc sống.

T.K (b/s)
Bình luận
Back To Top