Phim hoạt hình sử Việt: Người trẻ tìm hướng đi mới

15:26 - Thứ Năm, 17/05/2018 Lượt xem: 6683 In bài viết
Vẫn là mảnh đất chưa được khai phá xứng đáng với tiềm năng, phim hoạt hình Việt nói chung và phim hoạt hình lịch sử nói riêng hiện vẫn là vùng đất mở. Chạm vào lịch sử theo cách nào để thu hút khán giả, nhất là khán giả trẻ, chính là trăn trở của những ê kíp làm phim trẻ. 

Để lịch sử không còn khô khan

Đầu tháng 5, ê kíp Hạc Thần studio công bố thông tin đầu tiên của bộ phim Loa Thành rực lửa, nằm trong series phim du hành thời gian khám phá lịch sử Hạt Thóc và những chuyến du hành xuyên thời gian. Bộ phim kể về hành trình của nhóm bạn Hải Âu, Én Nhỏ, Điểu Đầu To với sự hỗ trợ của Cảnh sát Thời gian Hạc Thần, trở về Lịch sử để thu thập các mảnh Bản đồ Thời gian thất lạc, đồng thời tìm manh mối ông nội là một sử gia nổi tiếng đã mất tích.  

 

Nhóm Đuốc Mồi tỉ mỉ từng công đoạn sản xuất Việt sử kiêu hung.

Theo đại diện ê kíp sản xuất: “Kết hợp giữa chất liệu lịch sử và yếu tố kỳ ảo, chúng tôi hướng tới mục tiêu mang đến cho khán giả một bộ phim phiêu lưu, khám phá lịch sử có nội dung mới mẻ và hình ảnh mãn nhãn”. Đoạn trailer của Loa Thành rực lửa sau khi ra mắt nhận được nhiều đánh giá cao về mặt âm thanh, hình ảnh... Theo kế hoạch, tập đầu tiên của dự án sẽ được gửi tới khán giả vào mùa thu năm nay.   

Cùng thời điểm, nhóm Đuốc Mồi - đơn vị sản xuất của series phim hoạt hình lịch sử Việt sử kiêu hùng, cũng cho ra mắt trailer tập phim tiếp theo mang tên Huyết mạch Trần gia, 4 tháng sau khi Tử chiến thành Đa Bang - Hồi 1: Giấy được giới thiệu.  

“Có nhiều khác biệt trong sản phẩm của nhóm, bắt đầu từ phương pháp tiếp cận. Xưa nay, chúng ta thường chỉ nói về chiến công huy hoàng của lịch sử, nhưng lần này nhóm chọn một trận thua để thực hiện. Vì nhóm mình tin rằng, chúng ta không chỉ học hỏi từ thành công, mà còn học nhiều hơn từ những thất bại. Nếu nói lịch sử là bài học của tiền nhân, thì bài học chính là nằm ở đó” - Trần Minh Tuấn, người khởi xướng dự án, chia sẻ.    

Cũng bởi mục tiêu tiếp cận nhiều người trẻ hơn, hấp dẫn hơn và truyền cảm hứng hơn, nên nhóm đặc biệt chú ý thể nghiệm phong cách mỹ thuật mới. Phần lồng tiếng chuyên nghiệp và âm nhạc hùng tráng với sự giúp đỡ của chuyên gia lồng tiếng Đạt Phi, EpicMusicVN...

Trần Minh Tuấn cho biết thêm, bắt nguồn từ một chữ duyên: “Nhưng có lẽ bên trong người trẻ nào cũng có một khao khát thắp lại ngọn lửa tự hào lịch sử Việt Nam, nên khi có một cơ hội để thực hiện điều đó, mọi người đã đến với nhau và cùng nhau thực hiện”. 

Hai dự án nói trên đa phần do những người trẻ đam mê lịch sử thực hiện, đã cho thấy những cách tiếp cận đầy tươi mới. Trước đó không lâu, tháng 11-2017, dự án Con Rồng cháu Tiên do Hãng phim Trẻ sản xuất, với một câu chuyện lịch sử đã quá quen thuộc nhưng cũng được thổi vào một làn gió mới. Vẫn là chất liệu dân gian nhưng phim hé lộ thêm nhiều tuyến nhân vật phụ, những trường đoạn được đưa lên thành kịch tính để người xem cảm thấy thích thú và tò mò hơn truyền thuyết mà chúng ta thường nghe kể. Cho đến nay, phim đã thu hút hơn 9 triệu lượt xem trên YouTube và là một trong những phim hoạt hình Việt tạo được tiếng vang, dấu ấn đậm nét nhất thời gian gần đây.  

Đối với các dự án hoạt hình lịch sử Việt, sẽ thiếu sót nếu không kể đến loạt phim Hào khí ngàn năm đã phát sóng trên VTV và kéo dài hàng trăm tập, hay gần đây là series Khát vọng non sông (đang lên sóng trên VTV1 lúc 22 giờ 5 từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần). Đối với các ê kíp làm phim trẻ, Đại chiến Bạch Đằng (Khoa Mỹ thuật Công nghiệp, Đại học Quốc tế Hồng Bàng, TPHCM) cũng từng ghi dấu ấn mạnh mẽ.  

Khó khăn trăm bề

Theo các nhóm làm phim, khó khăn ban đầu mà bất cứ ai bước vào sản xuất phim hoạt hình lịch sử Việt cũng gặp phải là: Kinh nghiệm, kiến thức, tư liệu lịch sử, áp lực về thời gian, kỹ thuật... Đinh Kiều Anh Tuấn (Leo Đinh), đạo diễn Con Rồng cháu Tiên, cho biết: “Quyết định thực hiện bộ phim là những khó khăn chồng chất, bởi làm sao để khán giả hiểu về tổ tiên chỉ với tư liệu vẻn vẹn là 1,5 trang sách. Hơn 2 tháng tìm ý tưởng, nghiên cứu tư liệu, xây dựng nội dung để vừa nêu bật được giá trị truyền thống, yếu tố giáo dục, vừa thể hiện được sự mới mẻ mà vẫn đậm tính dân tộc. Đối với ê kíp, đó là bài toán cần có lời giải thỏa đáng”.  

Dù nhận được nhiều lời động viên, khích lệ nhưng đại diện Hạc Thần studio cũng rất thẳng thắn: “Chúng tôi là một nhóm làm phim nhỏ với lòng nhiệt thành và tinh thần cầu tiến, học hỏi. Mặc dù chúng tôi đã tích cực tìm kiếm tư liệu và tham vấn chuyên gia nhưng chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót về nội dung và hình ảnh”. 

Tuy nhiên, câu chuyện về kinh phí sản xuất mới thực sự là bài toán nan giải. Nếu Con Rồng cháu Tiên với kinh phí đến 2 tỷ đồng, được một thương hiệu Việt có tiếng tài trợ và nằm trong chiến dịch quảng bá dài hơi, bài bản thì hầu hết các nhóm làm phim khác đều tự thân vận động. “Mỗi tập hiện nay tốn khoảng 150 triệu đồng sản xuất (chỉ mới là chi phí ăn uống, hỗ trợ đi lại và máy móc cho các thành viên, chưa ai có lương). Có rất nhiều thứ phát sinh như máy móc hư hỏng, làm artbook để tri ân những người đóng góp...”, Trần Minh Tuấn cho hay. Hiện nhóm đang kêu gọi sự đóng góp của các mạnh thường quân, bán áo thun để gây quỹ cho dự án...  

Ông Phan Văn An, Giám đốc Hãng phim Trẻ, hy vọng, sau Con Rồng cháu Tiên sẽ có nhiều doanh nghiệp khác thấy đây là cách làm hay để làm tiền đề cho các dự án khác ra đời. Trần Minh Tuấn chia sẻ: “Nhờ còn trẻ và dám mạo hiểm, nên càng được mọi người ủng hộ nhiều hơn và tiếp nhận sản phẩm với một tâm thế ủng hộ hơn là ném đá”. Nhóm hy vọng, chuyến xe lịch sử mình đang gây dựng có thể đi xa hơn một chút nữa nếu được “tiếp nhiên liệu” kịp thời.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top