Đào tạo các ngành nghệ thuật truyền thống – Trăn trở, nhiều nỗi niềm

11:00 - Thứ Hai, 21/05/2018 Lượt xem: 8452 In bài viết
Hầu hết các đơn vị nghệ thuật truyền thống chuyên nghiệp trong cả nước đang rất cần lực lượng nghệ sĩ biểu diễn kế cận để khắc phục tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực và thay thế lớp nghệ sĩ đã lớn tuổi.

Nhân lực thiếu hụt trầm trọng

Hiện nay, tất cả các đơn vị nghệ thuật sân khấu truyền thống đang bị thiếu hụt nghệ sĩ, diễn viên và nhạc công. Nhiều đơn vị nghệ thuật truyền thống không có gương mặt nghệ sĩ trẻ, có tâm huyết và cả tài năng để dàn dựng tác phẩm. Tình trạng khan hiếm tài năng trẻ ngày càng trở nên trầm trọng, đội ngũ nghệ sỹ biểu diễn lành nghề hầu hết đã lớn tuổi.

 

Các loại hình nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương và dân ca kịch đang bị khủng hoảng nguồn nhân lực nên không giữ được vai trò, vị trí vốn có trong đời sống xã hội. Nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống mà các thế hệ đi trước đã dày công vun đắp qua chiều dài lịch sử đang có nguy cơ mai một, thất truyền. Quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng và sự bùng nổ các loại hình nghệ thuật giải trí cũng gây áp lực không nhỏ cho nghệ thuật sân khấu truyền thống.

Bên cạnh đó, ngay chính các cơ sở đào tạo cũng đã nhiều năm không tuyển đủ chỉ tiêu sinh viên các ngành nghệ thuật biểu diễn sân khấu truyền thống và nhạc công của khoa kịch hát dân tộc.

Đại diện một số trường văn hóa-nghệ thuật cho hay, đã nhiều năm nay tình trạng thí sinh dự thi vào các ngành nghệ thuật ngày càng có xu hướng giảm. Ví dụ với trường Đại học Sân khấu-Điện ảnh Hà Nội. Đây làcơ sở đào tạo chủ lực nguồn nhân lực cho các bộ môn chèo, tuồng, cải lương, rối, kịch hát dân tộc. Thế nhưng, nhiều năm nay, trường đã không còn tuyển sinh và đào tạo diễn viên tuồng, do không có thí sinh nào đăng ký dự thi. Với bộ môn chèo là ngành có vẻ thu hút được thí sinh nhưng có kỳ chỉ có vài thí sinh đăng ký. Thực trạng này đã gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ xóa sổ những bộ môn nghệ thuật sân khấu truyền thống, nếu chúng ta không gấp rút đào tạo được nguồn nhân lực kế cận.

Nhiều cơ chế ưu đãi hấp dẫn

Vụ trưởng Vụ Đào tạo (Bộ VHTT&DL) Lê Thị Thu Hiền cho biết Bộ VHTT&DL đang trực tiếp quản lý 16 cơ sở đào tạo văn hóa nghệ thuật, gồm 2 học viện, 7 trường đại học, 4 trường cao đẳng, 2 trường trung cấp và 1 viện nghiên cứu.

Các cơ sở đào tạo này có chung nhiều đặc thù. Đó là tuyển chọn năng khiếu khắt khe, quy mô đào tạo thấp, đầu tư cơ sở vật chất đắt đỏ, chi phí đào tạo lớn, yêu cầu dạy và học khác biệt, quá trình đào tạo kéo dài…

Trong khi đó, thời gian trước cơ chế chính sách ưu đãi cho học sinh, sinh viên các ngành đặc thù truyền thống dân tộc, dân tộc thiểu số chưa đủ để khuyến khích sinh viên dự tuyển, theo học trong một số ngành. Điều này dẫn đến tình trạng công tác tuyển sinh đối với một số ngành, chuyên ngành đặc biệt khó khăn.

Để khắc phục khó khăn, nâng cao chất lượng đào tạo, Bộ VHTT&DL đề xuất giao nhiệm vụ đào tạo gắn với giao kinh phí (hình thức đặt hàng) đối với các cơ sở đào tạo thuộc Bộ. Cụ thể, Nhà nước sẽ trả 100% chi phí đào tạo áp dụng cho đối tượng người học là học sinh, sinh viên thuộc một số chuyên ngành, lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật khó tuyển sinh, hiếm, truyền thống và dân tộc, người dân tộc thiểu số. Đây là những ngành mà nhu cầu xã hội không cao nhưng rất thiếu để đáp ứng yêu cầu bảo tồn văn hóa, phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, đặc biệt ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn.

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đặng Thị Bích Liên khẳng định công tác đào tạo nhân lực cho ngành VHTT&DL luôn được Chính phủ quan tâm. Chính phủ đã duyệt cho Bộ VHTT&DL ba đề án lớn, trong đó có đề án liên quan đến đào tạo tài năng, đào tạo bằng ngân sách Nhà nước với đỉnh cao nghệ thuật và đặc biệt Chính phủ cho phép Bộ được đặt hàng một số lĩnh vực trong đó có nghệ thuật truyền thống đối với một số cơ sở trực thuộc Bộ VHTT&DL. Trước mắt, công tác thu hút tuyển sinh tập trung vào một số lĩnh vực như: Sân khấu điện ảnh, âm nhạc, múa, xiếc, mỹ thuật… Đây là những ngành khó tuyển sinh trong nhiều năm, nằm ở các trường như ĐH Văn hoá Hà Nội, ĐH Văn hoá TPHCM, ĐH Sân khấu-Điện ảnh, Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Học viện Âm nhạc Huế, TPHCM, Cao đẳng Múa Việt Nam, ĐH Mỹ thuật Việt Nam, ĐH Mỹ thuật TPHCM.

Theo Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên, Chính phủ cũng yêu cầu Bộ VHTT&DL hướng dẫn về mặt chuyên môn, hướng dẫn các trường ở địa phương có những khoa, những ngành đào tạo các lĩnh vực truyền thống này để tuyển sinh, đào tạo nguồn. Bộ tiến tới sẽ đào tạo tài năng là chính, đào tạo đỉnh cao. Còn các trường ĐH có khoa về nghệ thuật sẽ tuyển sinh đào tạo theo chương trình chuẩn đã quy định của Bộ GD&ĐT.

Tất cả những định hướng này đã được triển khai từ năm 2017. Bộ VHTT&DL đã giao cho Phòng Đào tạo của các trường tiếp cận với các trường có truyền thống về đào tạo nghệ thuật đỉnh cao trên thế giới để ký kết hợp tác đào tạo. Với công tác tuyển sinh, năm 2018 đã hoàn thiện những tiêu chí, tiêu chuẩn, quy chuẩn, thẩm quyền để tuyển sinh. Tất cả các trường VHTT&DL trên cả nước tuyển sinh năm 2018 đều có tuyển sinh năng khiếu, tài năng.

Với những ngành đào tạo nghệ thuật truyền thống của Việt Nam cần được bảo tồn, trước mắt, Chính phủ phê duyệt 11 ngành nghệ thuật truyền thống, trong đó có những lĩnh vực chúng ta phải bảo tồn khẩn cấp.

Thứ trưởng hy vọng, với chủ trương được Đảng, Nhà nước quan tâm như vậy, 5-10 năm nữa, nguồn nhân lực của ngành VHTT&DL đạt được trình độ không những thu hút được khán giả trong nước mà còn ở tầm quốc tế.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top