Mai một văn hóa truyền thống dân tộc Xinh Mun

08:55 - Thứ Hai, 18/06/2018 Lượt xem: 9848 In bài viết
ĐBP - Trên địa bàn tỉnh người Xinh Mun tập trung sinh sống tại 9 bản thuộc xã Chiềng Sơ (huyện Ðiện Biên Ðông) với 441 hộ, hơn 2.000 nhân khẩu. Hiện nay, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Xinh Mun đang dần bị mai một và có nguy cơ biến mất.


Thay vì mặc trang phục truyền thống, người Xinh Mun ở xã Chiềng Sơ (huyện Ðiện Biên Ðông) mặc trang phục của dân tộc Thái hoặc dân tộc Kinh.

Tại xã Chiềng Sơ, các bản của người Xinh Mun sống xen kẽ cùng với bản người Thái. Rất khó có thể nhận biết người Xinh Mun qua ngôn ngữ, trang phục hoặc theo nếp nhà vì hiện nay họ đều nói tiếng, mặc trang phục và làm nhà giống người Thái. Tìm hiểu truyền thống văn hóa của người Xinh Mun, chúng tôi gặp ông Lò Văn Pháng, bản Nà Ly. Ông Pháng được người Xinh Mun nơi đây ví như cuốn “từ điển sống”. Ông cũng là một trong số ít người hiểu về tiếng nói, chữ viết cũng như các nghi lễ cưới xin, tang ma của người Xinh Mun hiện nay. Ông Pháng chia sẻ: Nhận thức được văn hóa dân tộc mình ngày càng mai một, nên từ khi là thanh niên tôi đã chủ động học chữ viết, nghi lễ, những bài cúng của dân tộc từ bố tôi là ông Lò Văn Pánh và thực hành đến nay đã được 42 năm. Trong sinh hoạt hàng ngày tôi luôn nhắc nhở các con phải sử dụng tiếng nói riêng của dân tộc. Những dịp lễ tết, họp mặt dòng họ tôi thường viết chữ viết của dân tộc để mọi người cùng học; thường xuyên kể lại cho con cháu nghe những câu truyện ngụ ngôn, những câu ca dao, tục ngữ của dân tộc mình; trực tiếp hướng dẫn dân bản tổ chức các nghi lễ cưới xin, sinh đẻ, tang ma theo tín ngưỡng dân tộc. Nói về lễ mừng cơm mới (trả pa me) của người Xinh Mun, ông Pháng cho biết: Ðây là nghi lễ cúng tế nhằm cảm ơn tổ tiên, thần thánh, trời đất đã phù hộ để mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, no đủ, tránh được dịch bệnh, con cháu khỏe mạnh. Lễ mừng cơm mới diễn ra trong 2 ngày, vào khoảng cuối tháng 8 đầu tháng 9 dương lịch - khi những bông lúa trên nương bắt đầu chuyển màu đỏ đuôi, báo hiệu một mùa thu hoạch đã tới và các gia đình chọn ngày đẹp để làm lễ mừng cơm mới...

Do là dân tộc ít người lại sống giao thoa lâu đời với dân tộc Thái nên nhiều nét sinh hoạt của người Xinh Mun bị ảnh hưởng bởi văn hóa Thái. Trong cuộc sống thường ngày người Xinh Mun sử dụng cả tiếng dân tộc mình và tiếng Thái, chủ yếu sử dụng ngôn ngữ Thái và hát theo làn điệu Khắp Thái. Hiện số người biết chữ viết dân tộc Xinh Mun rất ít và chủ yếu là người già. Trang phục truyền thống giờ chỉ còn trong ký ức của những người cao tuổi. Cả cộng đồng người Xinh Mun ở Chiềng Sơ không có một bộ trang phục truyền thống cũng không còn ai làm trang phục dân tộc. Từ người già đến người trẻ đều mặc trang phục của người Thái hoặc người Kinh…

Ông Nguyễn Trọng Dũng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðiện Biên Ðông, cho biết: Dân tộc Xinh Mun là dân tộc ít người ngày càng bị mai một văn hóa truyền thống. Thực hiện Nghị quyết 05 của Huyện ủy về bảo tồn văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện giai đoạn 2015 - 2020, Phòng đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người Xinh Mun biết và hiểu được tầm quan trọng của việc truyền giữ, phát huy nét đẹp văn hóa dân tộc. Tuy nhiên chưa thực hiện được những hoạt động, dự án bảo tồn, phục dựng lễ hội truyền thống đã mai một của người Xinh Mun vì không có kinh phí...

Vẫn biết văn hóa truyền thống là tài sản quý giá, là niềm tự hào của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Ðể giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc ít người nói chung và văn hóa truyền thống của dân tộc Xinh Mun không bị mai một mà vẫn “sống” được trong cộng đồng, các cơ quan chức năng, đặc biệt là ngành Văn hóa cần có giải pháp khuyến khích sử dụng và bảo tồn ngôn ngữ mẹ đẻ, trang phục và sử dụng nhạc cụ dân tộc; xây dựng các mô hình phục dựng, bảo tồn có hiệu quả những lễ hội có nguy cơ bị mai một…

Bài, ảnh: Anh Nguyễn
Bình luận
Back To Top