Bản văn hóa du lịch chưa phát huy hiệu quả

08:51 - Thứ Hai, 25/06/2018 Lượt xem: 6289 In bài viết
ĐBP - Những năm gần đây, du lịch cộng đồng đang phát triển mạnh tại nhiều địa phương. Loại hình này không những làm phong phú các dịch vụ du lịch mà còn góp phần bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc. Cơ sở quan trọng nhất của du lịch cộng đồng chính là các bản văn hóa du lịch. Ở tỉnh ta, từ nhiều năm nay vấn đề xây dựng các bản văn hóa du lịch cũng đã được quan tâm, chú trọng. Tuy nhiên, đến nay không những chưa phát huy hiệu quả mà các bản văn hóa du lịch còn đang dần mất đi các giá trị truyền thống vốn có...

Theo thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH,TT&DL), tính đến hết năm 2017, toàn tỉnh có 985/1.823 thôn, bản, tổ dân phố được công nhận danh hiệu thôn, bản, tổ dân phố văn hóa. Trong đó chỉ có 8 bản được hỗ trợ đầu tư để phát triển du lịch từ năm 2003, đó là: bản Him Lam 2, bản Phiêng Lơi, bản Noong Bua, bản Mển, bản Ten, bản Co Mỵ, bản Pe Luông và bản U Va. Tuy nhiên đến nay, tại một số bản mới dừng lại ở việc thành lập đội văn nghệ quần chúng và cung cấp dịch vụ ẩm thực khi khách có nhu cầu... Các nội dung khác, như: Hình thành các nhà nghỉ cộng đồng, homestay; tổ chức các hoạt động cho du khách tham quan, trải nghiệm; xây dựng không gian văn hóa hay việc kiến tạo cảnh quan, thiên nhiên để hấp dẫn du khách thì gần như chưa có.

 

Ðội văn nghệ bản Co Mỵ, xã Thanh Chăn (huyện Ðiện Biên) múa sạp.

Trong một lần chúng tôi cùng đoàn khảo sát của Công ty du lịch 4U Tour có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh tìm 1 bản còn giữ được những nét truyền thống. Mục đích là để lựa chọn 1 điểm đến, trải nghiệm, khám phá, một trong các hoạt động của đoàn du khách người Mỹ trong thời gian lưu lại Ðiện Biên. Dạo quanh một vài bản văn hóa du lịch ven thành phố nhưng không chọn được bản nào. Chị Tạ Thùy Trang, thành viên đoàn khảo sát bày tỏ mong muốn được đưa đến những bản chưa phải là bản văn hóa, vì tại các bản văn hóa du lịch mà chúng tôi vừa tham quan thì nhiều nét văn hóa truyền thống đã không còn giữ được. Ví dụ như: Cầu thang nhà sàn bằng gỗ của dân tộc Thái, hầu như đã được thay thế bằng chất liệu bê tông, vị trí và số bậc ở mỗi cầu thang theo truyền thống cũng không được duy trì. Hay rất nhiều những hạng mục kiến trúc của căn nhà truyền thống và các công trình phụ được thay thế bằng những chất liệu hiện đại; bê tông đã phủ kín phần lớn diện tích đất trong tổng thể công trình đó; là những lý do mà đoàn khảo sát không lựa chọn... Sau một ngày đi khảo sát tại hơn chục bản và quyết định cuối cùng mà cả đoàn lựa chọn để đưa du khách đến trong lịch trình là bản Che Căn, xã Mường Phăng và bản Na Sang 2, xã Núa Ngam (huyện Ðiện Biên). Ðó là 2 bản mà những nét văn hóa truyền thống vẫn còn được bảo tồn khá nguyên vẹn, từ trang phục dân tộc đến kiến trúc nhà ở và khung cảnh thiên nhiên...

Trao đổi về vấn đề này, ông Ðoàn Văn Chì, Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL cho biết: Ðể xây dựng các bản văn hóa du lịch thành công và phát huy hiệu quả thì quan trọng nhất là nhận thức của người dân trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với các hoạt động du lịch. Từ thực tế cho thấy, mặc dù trong 8 bản đã được hỗ trợ đầu tư từ năm 2003 nhưng với nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa tạo ra chuyển biến rõ nét. Mặt khác, khi thu hút được một lượng khách du lịch nhất định thì cũng chỉ có những gia đình cung cấp dịch vụ trực tiếp được hưởng lợi vì thế chưa khuyến khích và phát huy được vai trò của cộng đồng. Trong vấn đề bảo tồn các nghề truyền thống cũng gặp rất nhiều khó khăn vì sản phẩm làm ra không tìm được thị trường tiêu thụ, do vậy không đảm bảo thu nhập để duy trì bền vững... Ðược biết, vừa qua Sở VH,TT&DL cũng đã cử đoàn công tác và mời đại diện một số hộ dân tại các bản văn hóa du lịch, các hộ đang có mô hình làm du lịch cộng đồng đi tham quan, học tập tại các tỉnh (Sơn La, Lào Cai, Thái Nguyên...), từ đó rút kinh nghiệm để phổ biến cho người dân và tạo động lực phát huy hiệu quả.

Phát huy vai trò của các bản văn hóa để phát triển du lịch cộng đồng là hướng đi đúng và mang tính bền vững. Ðể làm được điều đó, mỗi người dân cần có nhận thức đúng đắn và nâng cao trách nhiệm trong việc gìn giữ văn hóa truyền thống của dân tộc mình; phát huy tinh thần đoàn kết để cùng phát triển vì lợi ích của cộng đồng và của chính mỗi gia đình. Bên cạnh đó, các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương cần có sự định hướng cụ thể, chi tiết và hỗ trợ về cơ chế, chính sách; tổ chức nhiều hơn nữa các hoạt động nhằm nâng cao nhận thức, kỹ năng cho người dân; hỗ trợ xúc tiến quảng bá để thu hút khách du lịch. Ðó là tiền đề tạo ra các điểm du lịch phụ cận đa dạng, hấp dẫn, góp phần vào sự phát triển của ngành Du lịch địa phương.

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top