Mở đường cho phim độc lập

10:27 - Thứ Hai, 25/06/2018 Lượt xem: 6504 In bài viết
Ngoài thành tích và dấu ấn trong các sự kiện quốc tế, dòng phim độc lập đang tạo một làn gió mới cho đời sống điện ảnh nước nhà. Say sưa với nghề, nỗ lực không ngừng để khẳng định mình, những người chọn con đường làm phim độc lập cần sự chào đón nhiều hơn từ giới nghề và khán giả để cất cánh.

Muôn trùng gian nan

Nếu như ở Mỹ người ta coi phim độc lập là những tác phẩm không phải do các “ông lớn” của Hollywood sản xuất thì ở Việt Nam, phim độc lập được hiểu là phim không được sản xuất bằng tiền đầu tư của Nhà nước hay hãng phim tư nhân nào đó. Đạo diễn tự bỏ tiền ra hoặc đi xin tài trợ của các quỹ điện ảnh. Đó là dòng phim mà đạo diễn được tự do thể hiện ý tưởng, tìm tòi, sáng tạo mà không bị chi phối bởi bất cứ điều gì. 

 

Đạo diễn Lương Đình Dũng (thứ 2 bên trái) chỉ đạo diễn xuất phim.

Nói đến dòng phim độc lập ở Việt Nam thì phải nhắc đến Phan Đăng Di với “Bi, đừng sợ!” (đoạt giải Dự án Châu Á nổi bật tại Liên hoan phim quốc tế Pusan 2007), Nguyễn Hoàng Điệp với “Đập cánh giữa không trung” (giải Phim hay nhất tại Tuần phê bình phim quốc tế Venice - Liên hoan phim Venice 2014), Lương Đình Dũng với “Cha cõng con” thắng giải Phim hay nhất Châu Á - Liên hoan phim quốc tế Iran 2018... Ngoài ra là một số phim của tác giả Việt kiều được biết đến rộng rãi như Tony Bùi với “Ba mùa”, Nguyễn Võ Nghiêm Minh với “Mùa len trâu”… Và, từ đầu tháng 6, khán giả Việt háo hức theo dõi bộ phim “Nhắm mắt thấy mùa hè” của đạo diễn trẻ Cao Thúy Nhi.

Thực tế, cộng đồng làm phim độc lập của Việt Nam khá lớn, trong đó có nhiều bạn trẻ. Điều này có thể thấy trong các “bữa tiệc” phim ngắn YxineFF hằng năm hay các khóa đào tạo của Trung tâm Hỗ trợ và phát triển tài năng điện ảnh TPD. Tuy nhiên, khả năng bứt phá của họ chưa nhiều.

Điều gian nan trước tiên mà các nhà làm phim độc lập phải đối mặt liên quan tới kinh phí sản xuất. Thường thì các tác giả tự viết ra một dự án phim tốt, thuyết phục nhà tài trợ hoặc quỹ điện ảnh đầu tư, sau đó mời diễn viên, thử vai, quay phim… Các trang thiết bị, đạo cụ, trang phục đều phải tự lo, muốn thuê được những thiết bị chuyên nghiệp thì phải bỏ ra khoản kinh phí lớn. Khó khăn là thế nên đa số phim độc lập ra mắt là phim ngắn, mà phim ngắn thì khó gây chú ý và tạo dấu ấn so với phim bình thường. Đạo diễn Phan Đăng Di và Nguyễn Hoàng Điệp thành công là nhờ tiếp cận được những quỹ điện ảnh thế giới, còn đạo diễn Lương Đình Dũng phải mất hơn 10 năm tích cóp mới có thể “làm một cuộc chơi lớn” với “Cha cõng con”.

Khó khăn tiếp theo của người làm phim độc lập là làm thế nào tìm được nơi phát hành. Phim thường được sản xuất với kinh phí thấp, cũng vì thế nên không có “sao”. Thêm nữa, nội dung phim thường đi sâu phản ánh thân phận con người, ít yếu tố hài hước, giải trí nên không có nhiều sức hút với đơn vị phát hành. Đạo diễn Lương Đình Dũng kể rằng phim của anh phải “đi đường vòng”, qua nhiều liên hoan phim quốc tế, có chút danh tiếng, giải thưởng rồi mới dám phát hành ở Việt Nam. Còn “Nhắm mắt thấy mùa hè” may mắn nhận được “cái gật đầu” của phía phát hành một cách dễ dàng bởi phim có nội dung nhẹ nhàng, lãng mạn, hợp thị hiếu khán giả.

Biết “đốt” thì đèn vẫn sang

Kỳ thực, ngay tên của dòng phim là “độc lập” đã cho thấy con đường của những người dấn thân, rằng họ phải tự mình vận động. Khó khăn, gian nan nhưng đạo diễn Lương Đình Dũng khẳng định “biết đốt thì đèn vẫn sáng”. Đạo diễn nói: “Ở nước ta, người làm phim độc lập có nhiều “đất”. Chỉ cần vài trăm nghìn, vài triệu hay vài trăm triệu đồng là có thể làm phim, miễn là khéo xoay xở. Tại các thị trường lớn như Mỹ, kinh phí thấp thì rất khó có cơ hội”.

Lấy ví dụ từ bản thân, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết mình bắt đầu từ phim “Đồng tiền” với 160.000 đồng trong tay, tự làm hết các khâu. Phim “Chuyện ông Mờ” sau đó được sản xuất với kinh phí 17 triệu đồng, “ẵm” giải xuất sắc tại Liên hoan phim video Tokyo với phần thưởng 100 triệu đồng. Dần dần, đạo diễn Lương Đình Dũng làm những dự án lớn hơn và nuôi ước mơ thực hiện phim truyện dài.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp cho biết, để tiết kiệm kinh phí, nhà làm phim độc lập nên tận dụng sự giúp đỡ của bạn bè, người thân và chịu khó chọn lựa, đào tạo diễn viên… Đạo diễn Đào Thanh Hưng, sau một thời gian làm phim tài liệu đang bắt đầu làm phim truyện. Theo đạo diễn, phim ít bối cảnh, không gian hẹp sẽ đỡ tốn kinh phí hơn. Tuy nhiên, điều này đồng nghĩa với việc phải đầu tư chiều sâu vào diễn viên.

Về đầu ra cho phim độc lập, các nhà làm phim cho rằng, “đi đường vòng” qua những liên hoan phim quốc tế là cơ hội để chứng minh chất lượng của phim. Khi phim đã được ghi nhận, có tiếng vang thì các đơn vị phát hành sẽ đồng ý phổ biến ở hệ thống rạp của họ.

Nhìn vào nền điện ảnh Việt Nam những năm gần đây, có thể thấy “dòng phim nhà nước” gần như vắng bóng. Phim tư nhân, phim thương mại đang chiếm lĩnh thị trường trong nước. Chính dòng phim độc lập đang đại diện cho “tiếng nói” của điện ảnh nước nhà trên trường quốc tế thông qua nỗ lực không mệt mỏi của các nhà làm phim. Các quốc gia như: Mỹ, Pháp, Hàn Quốc, Philippines… có hiệp hội các nhà làm phim độc lập, hệ thống rạp chiếu phim độc lập, các liên hoan phim độc lập được tổ chức thường niên để dòng phim này phát triển. Ở Việt Nam, có lẽ chúng ta nên nghĩ tới việc thành lập quỹ hỗ trợ điện ảnh dành cho phim độc lập để thêm nhiều nghệ sĩ có cơ hội phát huy tài năng. Trước mắt, theo gợi ý của đạo diễn Lương Đình Dũng, có thể thu xếp những phòng chiếu nhỏ dành cho phim độc lập đã được kiểm duyệt nội dung.

Khi được quan tâm và tạo điều kiện, dòng phim độc lập của Việt Nam chắc chắn sẽ tiến xa.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top