Làm việc bằng cái tâm

09:38 - Thứ Năm, 05/07/2018 Lượt xem: 9000 In bài viết
ĐBP - Sau khi ra trường được mấy năm thì tôi được bổ nhiệm làm trợ lý cho Tổng giám đốc. Gia đình bạn bè ai cũng mừng cho tôi được thăng tiến.

Riêng chỉ có ông nội tôi lại tỏ ra lo lắng. Thấy vậy tôi tò mò hỏi: Ông ơi! Ông sợ cháu còn nhỏ không gánh vác được việc lớn nên ông lo cho cháu phải không ạ!. Ông cười: Cháu của ông khá lắm dám đọc được cả suy nghĩ của ông. Ông nói thật nhé! Thấy cháu còn nhỏ mà gánh vác việc lớn như vậy ông không lo sao được. Khi cháu đã ngồi vào chiếc ghế đó rồi thì việc đầu tiên là cháu hãy nắm vững những nguyên tắc về pháp luật, để khi tham mưu cháu không bị sai phạm. Khi tham mưu cho giám đốc cần phải cẩn trọng, bởi những lời nói chân thật thường khó nghe nhưng đó là những điều cần làm. Những việc có lợi cho dân, cho nước thì cháu cứ thẳng thắn tham mưu cho lãnh đạo, việc nào cháu thấy sai với pháp luật thì tư vấn cho lãnh đạo không nên làm. Cho dù việc đó có thể làm cho giám đốc không hài lòng thì cháu cũng phải thuyết phục cho bằng được. Có như vậy cháu mới bảo toàn danh dự cho lãnh đạo. Cháu nên nhớ, cháu làm trợ lý cho giám đốc, kỳ thực không phải vì giám đốc, mà làm vì nước vì dân đó cháu ạ! Suy cho cùng là giám đốc có hoàn thành được trách nhiệm tất cả đều nhờ vào những người giúp việc cho ông ta. Người xưa có câu: “Thần thiêng nhờ bộ hạ” là vậy. Khi cháu tiếp xúc hay làm việc với bất cứ người nào, không nên có lòng coi thường, mà phải dùng tấm lòng chân thành mà đối nhân xử thế. Lời nói và việc làm của cháu, trước tiên, phải thường xuyên tuân theo đạo lý ở đời. Khi biết được người tài có đạo đức, thì nên đề xuất với cấp trên tiến cử họ. Nếu phát hiện kẻ nịnh bợ lừa trên dối dưới thì nên phân tích rõ ràng để cho giám đốc hiểu mà xem xét lại ý định của mình. Trong công việc đừng vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân mà quên đi việc lớn quốc gia đại sự. Ðừng nên ích kỷ hẹp hòi sợ người khác giỏi hơn mình mà đem lòng đố kỵ, ghen ghét. Trong công việc cần phải nhạy bén và cẩn thận ngay cả trong lời nói lẫn hành động. Khi đối xử với mọi người phải lấy cái tâm, cái đức mà hành sự. Mục đích không phải là đối xử với mọi người để họ khen tốt, để mọi người tâng bốc mình mà chính là để nâng cao trình độ nghiệp vụ, chuyên môn của chính bản thân. Làm cán bộ tham mưu chữ tín là vô cùng quan trọng, nó chính là phẩm chất, đạo đức mà người cán bộ phải luôn luôn có. Người làm cán bộ thông qua việc kiểm điểm bản thân mà có thể nhận thức được mức độ uy tín và khả năng hoàn thành nhiệm vụ của mình. Ðiều đáng quý nhất trong cuộc đời của mỗi người chính là những nghĩa cử tốt đẹp đối với người khác, những nghĩa cử tuy nhỏ bé, không tên như: Chỉ cần một cái ôm thật chặt, một sự im lặng cảm thông, một cái chạm tay thân thiện, một đôi tai biết lắng nghe là cháu có thể chia sẻ với tất cả mọi người. Lòng tốt, sự quan tâm chia sẻ, đồng cảm là ngôn ngữ đặc biệt mà bất cứ ai cũng có thể cảm nhận được. Ðó chính là những nghĩa cử sẽ hun đúc nên một sự nghiệp lớn đối với một cán bộ trẻ như cháu.

Ông tôi tuy không còn nữa nhưng những lời khuyên của ông đến nay vẫn còn thắp lửa trong trái tim tôi về phẩm chất tốt của một cán bộ công chức vì dân phục vụ.

Võ Nam
Bình luận
Back To Top