Người nặng lòng với cội nguồn dân tộc

09:23 - Thứ Năm, 12/07/2018 Lượt xem: 8692 In bài viết
ĐBP - Trong buổi sinh hoạt Câu lạc bộ Bảo tồn văn hóa văn nghệ dân gian (CLB BTVHVNDG) dân tộc Thái (Thuộc Trung tâm Văn hóa tỉnh Ðiện Biên) diễn ra mới đây, chúng tôi mới biết ông Lò Văn Thâng (72 tuổi, trú tại tổ 14, phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ), khi ông lên trình bày tham luận “Vấn đề về bảo tồn tiếng nói, chữ viết của người Thái Ðiện Biên ngày nay”.

 

Ông Lò Văn Thâng nghiên cứu tài liệu dạy chữ viết dân tộc Thái.

Sau buổi sinh hoạt, chúng tôi có dịp gặp riêng ông Thâng và được hiểu thêm những trăn trở của ông đối với vấn đề bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái tại tỉnh Ðiện Biên. Công tác trong ngành Giáo dục từ ngày nghỉ hưu, ông Thâng bắt đầu đi khắp các bản làng đồng bào dân tộc Thái trong và ngoài tỉnh để thu thập tài liệu, nghiên cứu về văn hóa dân tộc Thái. Qua đó, ông nhận thấy hiện nay văn hóa Thái, đặc biệt là tiếng nói và chữ viết đang dần bị mai một. “Người Thái ở Ðiện Biên chiếm 40% thành phần dân tộc. Những năm gần đây, đời sống của bà con đã khấm khá hơn, nhiều người Thái kết hôn với người dân tộc khác và không sinh hoạt theo phong tục của người Thái nữa, vì thế một số phong tục, tập quán dần bị mai một. Riêng tiếng nói và chữ viết của dân tộc Thái thì những người còn biết chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vì thế, tôi đã thu thập nhiều tài liệu nghiên cứu để phục vụ cho việc xuất bản sách về bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái” - Ông Thâng cho biết.

Theo ông Thâng, ở tỉnh Ðiện Biên hiện nay chỉ còn một số cộng đồng người Thái ở các bản như: Noong Chứn, Noong En (phường Nam Thanh, TP. Ðiện Biên Phủ); Him Lam 2 (phường Him Lam, TP. Ðiện Biên Phủ); Co Pao (xã Thanh Nưa, huyện Ðiện Biên) và một số cá nhân ở TX. Mường Lay, huyện Mường Ảng và huyện Tuần Giáo là có tài liệu nghiên cứu về tiếng nói, chữ viết của người dân tộc Thái, trong đó có các sách viết về chữ Thái cổ và chữ Thái cách tân (thịnh hành từ năm 1973).

Qua 10 năm thu thập tài liệu, ông Thâng đã lưu giữ hàng trăm tư liệu về văn hóa dân tộc Thái phục vụ cho việc xuất bản sách; trong đó, có nhiều tư liệu về tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái. Cho chúng tôi xem một cuốn sách tư liệu dạy tiếng nói và chữ viết của dân tộc Thái, ông Thâng phân tích thêm: Ðây là sách dạy chữ Thái cách tân, chữ viết được đổi mới từ chữ Thái cổ, nét viết rất rõ ràng, có dấu, tách câu nên rất dễ đọc và dễ nhớ. Tuy nhiên, hiện nay chữ Thái mới đã không được lớp trẻ biết đến, trong khi những người cao tuổi biết chữ thì dần quên lãng hoặc lần lượt qua đời, không ai truyền dạy lại cho lớp trẻ. Do không biết chữ, các thế hệ người Thái trẻ hiện nay dần biết ít hơn về văn hóa dân tộc và khả năng phát ngôn tiếng Thái cũng kém hơn. Ðây là điều vô cùng đáng tiếc đối với cộng đồng người Thái ở Ðiện Biên nói riêng và dân tộc Thái nói chung.

Ðã ở tuổi “thất thập cổ lai hi”, nhưng với tâm huyết xây dựng cuốn sách về bảo tồn tiếng nói, chữ viết của dân tộc Thái để truyền dạy cho thế hệ sau, nên ông Thâng đã dày công nghiên cứu và biên soạn thành công 3 cuốn sách tài liệu dạy tiếng và chữ Thái tập 1, 2 và 3 cho Sở Giáo dục & Ðào tạo tỉnh Ðiện Biên (năm 2010); đồng thời, ông tham gia nhóm nghiên cứu biên soạn, chỉnh sửa thống nhất chữ, bộ vần âm, một số điểm kết cấu theo hệ ngữ âm của dân tộc Thái cùng các thành viên trong CLB BTVHVNDG dân tộc Thái Ðiện Biên.

Những năm gần đây, đều đặn mỗi tuần 3 buổi sáng, tối, ông Thâng vẫn tham gia dạy học tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái cho cán bộ, công chức lớp tiếng Thái do Trung tâm Tin học - Ngoại ngữ tỉnh, Trường Cao đẳng Sư phạm và Công an tỉnh mời. Nhiều thế hệ học sinh đã được ông Thâng dạy tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái một cách bài bản, công phu và nói, viết tiếng Thái một cách chuẩn xác.

Nói về tâm huyết của ông Thâng đối với việc bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái, bà Lò Thị Kim, Chủ nhiệm CLB BTVHVNDG dân tộc Thái Ðiện Biên, cho biết: Ðề tài tham luận của ông Thâng đã nhận được nhiều sự hưởng ứng của các thành viên trong câu lạc bộ; đồng thời, khi nghe tham luận của ông Thâng, đồng chí Lò Văn Muôn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HÐND tỉnh cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc bảo tồn văn hóa dân tộc Thái, trong đó có tiếng nói và chữ viết. Dự kiến trong thời gian tới, câu lạc bộ sẽ xây dựng Ðề án Bảo tồn tiếng nói, chữ viết dân tộc Thái Ðiện Biên để trình các cấp thẩm quyền phê duyệt, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa, văn nghệ dân gian của dân tộc Thái ở Ðiện Biên.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top