Sự trở lại của văn học chiến tranh

10:20 - Thứ Năm, 16/08/2018 Lượt xem: 6576 In bài viết
Sau một thời gian bị đứt gãy, gần đây các tác phẩm văn học viết về đề tài chiến tranh đang có sự trở lại mạnh mẽ, dưới những cách nhìn rất mới của các tác giả, những người từng trải qua cuộc chiến và cả những người chưa từng. Và cái nhìn về cuộc chiến dưới thời bình, đã chuyển nhiều hơn sang khía cạnh con người.

Các tác phẩm văn học về đề tài chiến tranh được viết sau khi cuộc chiến đã đi qua, gần đây được xuất bản khá nhiều. Chiến tranh luôn là đề tài mang tính trăn trở đối với nhiều người viết, đặc biệt là những cây bút từng đi qua chiến tranh. “Tàn đen đốm đỏ” của nhà văn Phạm Ngọc Tiến là một thí dụ. Khi ra mắt cuốn sách, anh chia sẻ rằng, văn học chiến tranh tạo ấn tượng khủng khiếp, gieo vào người đọc nỗi ám ảnh. Nhà văn đã từng khoác áo lính thường phải có nghĩa vụ, trách nhiệm viết về điều đó.

 

Hai tác phẩm văn học chiến tranh "Tàn đen đốm đỏ" và "Quảng Trị 1972" trong buổi ra mắt.

Cuốn sách “Tàn đen đốm đỏ” anh viết rất nhanh, chỉ trong vòng một tháng. “Cái gì đã là hồi ức, máu thịt của mình, thường được viết ra rất nhanh. Tôi hoàn toàn không phải suy nghĩ nhiều cho cuốn sách” – anh chia sẻ.

Nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng, văn học chiến tranh đã có một thời gian bị đứt gãy, khoảng từ năm 1995-2005. Sự trở lại rầm rộ và mạnh mẽ của văn học chiến tranh thời gian gần đây chứng tỏ sự quan tâm của độc giả đối với đề tài này. “Gia đình tôi có bốn người anh thì cả bốn người đều tham gia quân đội, và một anh là liệt sĩ. Bạn bè 15 người ra chiến trường thì chỉ có năm người trở về” – nhà phê bình chia sẻ.

Ông cũng cho rằng, con người trong cuộc sống hiện tại đang rất lúng túng trong ứng xử, thì sự trở lại của văn chương chiến tranh cho chúng ta một chiếc chìa khóa để ứng xử hôm nay. Về những tác phẩm chiến tranh được viết sau năm 1975, nhà phê bình Bùi Việt Thắng cho rằng có khoảng mười cuốn tiểu thuyết về chiến tranh viết hay, như “Nỗi buồn chiến tranh” của Bảo Ninh, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Ăn mày dĩ vẵng” của Chu Lai, “Lạc rừng” của Trung Trung Đỉnh, “Mùa hè giá buốt” của Văn Lê, “Tàn đen đốm đỏ” của Phạm Ngọc Tiến, “Chim én bay” của Nguyễn Trí Huân, “Đỉnh cao hoang vắng” của Khuất Quang Thụy, “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương, “Miền hoang” của Sương Nguyệt Minh.

Nhà phê bình Phạm Xuân Thạch chia sẻ: “Tàn đen đốm đỏ” và “Quảng Trị 1972” ám ảnh tôi và đôi khi trộn vào nhau. Cả hai cuốn đều viết về cuộc chiến ở Quảng Trị và đều giàu chi tiết, trong đó có những chi tiết rất ám ảnh như người lính thèm có một khẩu súng, điều này cho thấy một xứ sở thiếu thốn đã phải đi qua chiến tranh như thế nào”.

Phạm Xuân Thạch phân tích, ở những cuốn tiểu thuyết chiến tranh thời hậu chiến, người lính phải vật lộn với chiến tranh, và người viết cũng phải vật lộn với những hồi ức chiến tranh. Ở “Tàn đen đốm đỏ”, Phạm Ngọc Tiến vật lộn với tác phẩm chiến tranh đã có và cuối cùng đã tìm ra cách viết. Ngay cả cách đặt tên sách cũng rất hay: Mỗi người lính đi vào cuộc chiến đó bé nhỏ như một đốm đỏ. Người lính chết một cách phi lý vì chiến tranh, họ ở lại mãi với thời gian cũng giống như một tàn den mãi không chịu tan.

Nhà phê bình cho rằng, văn học chiến tranh của chúng ta đã bước sang một chặng đường rất mới. Chúng ta đã tái hiện những con người, khoảnh khắc của cuộc chiến đó rất con người. Có cái xấu, có cái tốt, có con người vĩ đại, nhưng cũng có con người tầm thường, hèn nhát, đúng như chúng ta đang sống. Hiện nay chúng ta có rất nhiều tác phẩm viết về chiến tranh đáng để đọc như “Mùa chinh chiến ấy” của Đoàn Tuấn, “Tàn đen đốm đỏ”. Đây là những cách nhìn rất mới, rất khác của các nhà văn về đề tài chiến tranh.

Nhà văn Văn Giá lại cho rằng, văn học chiến tranh của chúng ta đi qua ba giai đoạn. Giai đoạn đầu mang tính sử thi, hùng tráng. Giai đoạn thứ hai, văn học miêu tả chiến tranh khốc liệt nhất, bi tráng nhất, thí dụ như “Đất trắng” của Vũ Trọng Oánh, dám nhìn thẳng vào hiện thực, đau thương, mặt trái của chiến tranh. Giai đoạn thứ ba, tính nhân bản đã cao hơn, văn học quan tâm đến những phận người trong một cuộc chiến khốc liệt như vậy.

Ông cũng chia sẻ sự quan tâm của mình đến những con người “không đi ra nổi khỏi cuộc chiến khi chiến tranh đã kết thúc”. “Có những người chỉ khi biết cái chết mới ra khỏi được chiến tranh. Tôi quan tâm đến những thân phận con người như vậy, họ nỗ lực để tồn tại trong một cuộc sống không có chiến tranh. Họ là những người “bị cầm tù” vĩnh viễn trong chiến tranh. Cuộc chiến đã kết thúc, nhưng họ bị ám ảnh, những vết thương trong tâm hồn không lành sẹo mà mãi rỉ máu”.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top