Phát lộ nhiều hiện vật giá trị tại Di tích Chăm Phong Lệ

14:36 - Thứ Năm, 23/08/2018 Lượt xem: 6823 In bài viết
Qua hơn hai tháng khai quật tại Di tích Chăm Phong Lệ (thuộc tổ 4, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP Đà Nẵng), các nhà khảo cổ học đã phát hiện thêm rất nhiều hiện vật, di vật có giá trị. Đây là nguồn hiện vật quý giá phục vụ cho công tác nghiên cứu, trưng bày.

Ngày 21-8, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng phối hợp đoàn khảo cổ Khoa Lịch sử, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức công bố kết quả đợt khai quật thứ ba tại Di tích Chăm Phong Lệ.

 

Nhiều hiện vật có giá trị được phát lộ trong đợt khai quật thứ ba tại Di tích Chăm Phong Lệ.

Khu di tích Chăm Phong Lệ nằm ở tọa độ 16000’08” Vĩ Bắc và 108011’55” Kinh Đông, vị trí khai quật thuộc khu vực phía bắc của hai dấu tích kiến trúc đã xuất lộ trong đợt khai quật năm 2011-2012. Thời gian khai quật lần này từ ngày 10-6 đến 10-9-2018 với mục đích phát lộ toàn bộ nền móng của kiến trúc phía đông để nhận diện kích thước, kết cấu, chức năng và mối quan hệ giữa kiến trúc phía đông với ngôi tháp chính và các khu vực khác của di tích; nghiên cứu khoa học phục vụ cho việc trùng tu, bảo quản, phát huy giá trị di tích khảo cổ Phong Lệ.

 

Tượng Sư tử Sinha chất liệu bằng đá còn tương đối nguyên vẹn.

Qua khai quật trên diện tích 327 m2, các nhà khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật đá, di vật có giá trị như các loại gạch ngói và trang trí kiến trúc bằng đá cát của người Chămpa, gốm thô Chămpa, gốm sứ thời Tống của Trung Quốc và phát hiện 23 dị vật đá, trong đó chủ yếu là tượng động vật như tượng sư tử Sinha chất liệu bằng đá tương đối còn nguyên vẹn, với chiều dài 0,44m, rộng 0,45m, cao 1,09m; Bệ trụ điêu khắc voi không còn nguyên vẹn với chiều dài 0,8m, rộng 0,5m, cao 0,34m; chóp đền tháp với bốn tiêu bản; Rắn thần bằng đá thạch anh có màu xám…

Theo các nhà khảo cổ, đây là những hiện vật nằm trên địa tầng và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Việc phát lộ nhiều hiện vật đã làm phong phú thêm cho bộ sưu tập hiện vật trưng bày, phục vụ công tác nghiên cứu của Bảo tàng Điêu khắc Chăm. Đây là một phần kiến trúc tổng thể đền tháp với những đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật điêu khắc, tín ngưỡng của người Chămpa. Tất cả các hiện vật này có niên đại ít nhất từ thế kỷ 9, 10, 12.

 

Bệ trụ điêu khắc.

TS Đặng Hồng Sơn, Phó Chủ nhiệm khoa Lịch sử, Phó Chủ nhiệm bộ môn Khảo cổ học, Trường Đại học Khoa học - Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội đề nghị, cần tiếp tục khai quật mở rộng khu vực phía nam của Khu di tích Chăm Phong Lệ để làm rõ mặt bằng, tính chất kiến trúc, dựa trên các hiện vật đã được phát lộ để mở một số hố thăm dò ở các phía bắc, nam, tây nhằm nghiên cứu sâu về di tích.

Giám đốc Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng Hồ Tấn Tuấn cho hay, thời gian qua, công tác bảo tồn hiện vật quý được bảo tàng đặc biệt chú trọng. Hiện Bảo tàng điêu khắc Chăm đã có không gian trưng bày hiện vật Chăm và sẽ xây dựng khu trưng bày dành riêng cho di tích Chăm Phong Lệ. Bên cạnh đó, đề nghị xây dựng hồ sơ công nhận Di tích Chăm Phong Lệ là di tích cấp thành phố để có kế hoạch bảo vệ, phát huy giá trị di tích trong tương lai.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top