"Thương nhớ thời bao cấp"

11:03 - Thứ Sáu, 24/08/2018 Lượt xem: 6385 In bài viết
Ấp ủ vài năm, “Thương nhớ thời bao cấp” mới ra đời mang theo nhiều ký ức của những người từng trải qua thời gian khó của thập niên 80-90, khi cuộc sống còn vô vàn khó khăn nhưng con người thì giàu tình cảm và sự trắc ẩn. Những kỷ niệm đó đã được nhiều người chia sẻ lại trong buổi tọa đàm chung quanh cuốn sách tranh “Thương nhớ thời bao cấp” của Nhã Nam vừa ấn hành, với sự tham gia của GS Nguyễn Minh Thuyết, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan và họa sĩ Nguyễn Thành Phong, người tham gia thực hiện cuốn sách cùng họa sĩ Hữu Khoa.

 

Các chuyên gia chia sẻ về những câu chuyện thời bao cấp.

GS Nguyễn Minh Thuyết nhận xét rằng, cuốn sách là một ý tưởng hay, ngoài yếu tố giải trí thì còn có khá nhiều điều thú vị, là cơ hội cho bạn đọc trẻ hiểu thêm về cuộc sống của ông bà cha mẹ mình, và cũng là cơ hội cho những người lớn tuổi quay lại với một thời quá khứ gian khổ.

Nói chung về cuộc sống của người dân thời kỳ đó, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ: Khi đó, đất nước vừa ra khỏi chiến tranh, miền bắc trước đó là hậu phương của chiến trường, tất cả mọi nguồn lực đều dành hết cho chiến trường miền nam. Tất cả mọi thứ đều thiếu thốn, không đủ cho nhu cầu tối thiểu của mỗi người. Sổ gạo là thứ quan trọng nhất trong gia đình, cùng với hộ khẩu, bảo vệ sổ gạo có khi còn hơn cả tính mạng, vì mất sổ gạo là cả nhà mất ăn cả tháng. Nên mới có câu “Mặt rầu rĩ như mất sổ gạo”.

GS Nguyễn Minh Thuyết cũng chia sẻ: “Gạo chỉ có Nhà nước cung cấp, anh nào có quê thì còn ghé về quê mua được mớ rau, con cá, củ khoai mang lên ăn kèm, chứ gạo mà mất sổ thì coi như nghỉ ăn cơm cả tháng, không có gì thay thế. Cũng vì thế mà có cụm từ “ăn vã” dành cho trẻ con, thức ăn là phải kèm cơm, ăn thức ăn không là ăn vã, hoang phí, thế nào cũng bị mắng. Hộ khẩu cũng vậy, nếu bị cắt là không còn gì, toàn bộ nhu yếu phẩm bị cắt hết”.

 

Nhiều khán giả cao tuổi đến dự buổi tọa đàm.

“Đặt cục gạch” cũng là cụm từ phổ biến thời bao cấp, và còn tồn tại cho đến tận ngày nay. Bà Phạm Chi Lan kể: “Hồi đó không phải lúc nào cũng mua được hàng nhu yếu phẩm. Một loạt cửa hàng gạo, dầu, mắm, muối, thịt… chỗ nào cũng phải xếp hàng, thành ra người nội trợ phải xoay sở bằng cách đem cục gạch, cái nón, cái xô rách hoặc bất cứ cái gì ra đặt chỗ xếp hàng, và quan trọng nhất là phải dặn được người đứng trước hoặc đứng sau đẩy hộ lên, để có thể rảnh tay chạy đi mua hàng khác”. Thời đó nghèo, nhưng mọi người rất tuân thủ quy định xếp hàng, không ai chen lấn, nếu có người chen ngang sẽ bị nhiều người khác phản ứng lại.

GS Nguyễn Minh Thuyết kể lại kỷ niệm ở cơ quan ông hồi đó còn có người cả tháng không cắt được nổi ô tem phiếu nào, vì cửa hàng thực phẩm chỉ có cám, không có gạo mà bán. Những cảnh ăn độn bo bo, bột mì, gạo hẩm, gạo mọt khá phổ biến. “Chỉ cần nhúng rá gạo vào nước là mọt nổi lên cả mớ” – ông nói vui.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chia sẻ câu chuyện hồi bà còn trẻ: “Khu nhà tôi có một bà chuyên cung cấp đồ ăn cho các nhà bị thiếu thực phẩm, xếp hàng dài dằng dặc mà đến lượt thì hết hàng. Bà ấy chỉ bán cho một vài gia đình quen, cũng chỉ rất ít, thường là một cái túi nhỏ có khoảng 2kg thịt. Cả khu tôi biết ơn bà ấy vì nhờ có nguồn thực phẩm ít ỏi của bà ấy cung cấp thêm mà mọi người bớt đi được cái đói, nhà nào có người ốm bệnh thì có thêm chút ít bồi dưỡng sức khỏe”.

Những câu chuyện khó khăn thời bao cấp này chưa bao giờ bị quên lãng, chỉ nằm im trong ký ức của mỗi người. Họa sĩ Nguyễn Thành Phong cho biết, khi nhận lời làm cuốn sách, anh đã rất thích vì đây là cơ hội để tìm hiểu cuộc sống của cha mẹ, ông bà mình. Một số câu anh thường được nghe mọi người trong gia đình nói, nhưng một số câu anh cũng chưa nghe bao giờ, chúng chỉ tồn tại trong một khoảng thời gian nào đó, ở trong một nhóm người nhất định. Có những câu vừa đọc lên, anh đã hình dung ra sẽ vẽ những gì, nhưng cũng có những câu khó, phải hỏi lại bố mẹ, những người trong gia đình, xem thuộc ngữ cảnh nào, từ đó mới có tứ để vẽ.

Trong thời buổi khó khăn này, con người vẫn tìm được cho mình những thú vui, những giải trí tinh thần giá trị. Một bạn đọc có mặt tại đó kể lại: “Có những buổi chiều cuối tuần, người ta tụ tập rất đông phía bên ngoài Hiệu sách Quốc văn ở phố Tràng Tiền. Ban đầu không ai hiểu có chuyện gì, sau mới vỡ lẽ ra là họ đứng chờ nghe nhạc phát ra từ máy quay đĩa của Hiệu sách. Thời đó chỉ mỗi các hiệu sách là có máy quay đĩa, rất hiếm. Cho nên thú vui nghe nhạc của nhiều người được thỏa mãn từ những buổi chiều cuối tuần như vậy”. Sách văn học của Nga, Pháp, Anh được dịch kỹ lưỡng và nhiều, mang tính nhân văn cao, dạy cách làm người và nhờ đó người ta có tinh thần nhân văn, vượt qua được nhiều khó khăn. GS Nguyễn Minh Thuyết nói thêm: “Những tác phẩm văn học hay nhất mà chúng tôi đọc được là vào thời này, có những cuốn sách dịch từ văn học châu Âu rất quý, ai có thẻ nghiên cứu mới được mua. Hồi còn sinh viên, chúng tôi đã từng mượn sách của GS Phan Cự Đệ đọc chung cho nhau nghe trong hai ngày để trả GS cho kịp”.

Cái được của thời bao cấp, là con người sống với nhau bằng tình cảm, sự chia sẻ, nhân ái. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nói, bà vẫn nhớ thời đó con người được nuôi dưỡng tâm hồn bằng những cuốn sách, và giữ vững tinh thần, vượt qua rất nhiều khó khăn.
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top