Yêu cầu quản lý di sản ngày càng cấp thiết

09:35 - Thứ Tư, 29/08/2018 Lượt xem: 6236 In bài viết

Yêu cầu quản lý sẽ ngày càng trở nên cấp thiết bởi sức hút và động lực của di sản đối với ngành du lịch ngày một gia tăng. Chính vì vậy, việc quản lý hợp tác công-tư xung quanh các Khu Di sản thế giới phải mang tính chiến lược, chủ động với một tầm nhìn dài hạn.

 

Khu Di tích Chăm Mỹ Sơn là Di sản văn hóa thế giới.

Việt Nam hiện đang có hơn 40.000 di tích trong đó có gần 3.300 di tích đã được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt (13 di tích). Việt Nam cũng đã có 25 di sản thế giới được UNESCO công nhận. Với sự nỗ lực của nhà nước, chính quyền địa phương và người dân, nhiều di tích đã được bảo tồn và phát huy giá trị. Tuy nhiên công tác bảo tồn và phát huy di tích hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề bất cập.

Theo báo cáo của UNESCO, Việt Nam là quốc gia được đánh giá cao trong quá trình bảo vệ di sản cả vật thể và phi vật thể, cũng như tham gia rất tích cực vào việc xây dựng chính sách UNESCO về di sản thế giới và phát triển bền vững. Đồng hành cùng Việt Nam trong việc bảo tồn di sản, ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội đã có những đề xuất nhằm tìm hướng đi cho sự phát triển bền vững của di sản văn hóa tại Việt Nam. 

Theo ông Michael Croft, cần đặt các di sản thế giới đã được công nhận vào trọng tâm của khuôn khổ mọi kế hoạch phát triển bền vững. Nguyên tắc quan trọng trong phát triển bền vững là cách tiếp cận dựa trên quan hệ đối tác. Việc quản lý di sản thế giới liên quan tới nhiều đối tác không chỉ giới hạn trong lĩnh vực văn hóa.

Cần có biện pháp thúc đẩy sự tham gia của các cơ quan quản lý và đối tác ngoài ngành văn hóa để nhìn nhận đúng vai trò ngày càng tăng của công tác bảo tồn di sản, xét trên cả phương diện kinh tế và chính trị. Đồng thời, giúp cho những đối tác này có thể đóng góp một cách hiệu quả trong trong việc bảo tồn di sản.

 

Ông Michael Croft - Trưởng đại diện Văn phòng UNESCO Hà Nội.

Ông Michael Croft cho rằng công tác ra quyết định về bảo tồn và phát huy giá trị di sản muốn đạt hiệu quả thì không nên xé lẻ tùy thuộc thời điểm hay địa điểm. Bảo tồn di sản chỉ thực sự có hiệu quả nếu như mối quan tâm của các bên liên quan được đặt trên cùng một bàn đối thoại với mục tiêu phát triển bền vững.

Bên cạnh đó, theo ông Michael Croft, cần thống nhất quản lý nhà nước về di sản ở cả cấp trung ương và địa phương. Cần tăng cường quyền lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực quản lý di sản thế giới thông qua việc loại bỏ sự chồng chéo trong các quy định pháp luật. Những sự chồng chéo trong các quy định tạo rào cản cho sự thống nhất quản lý, tạo kẽ hở cho quy trình thực thi và cản trở những hoạt động đầu tư, tu bổ dài hạn, có chất lượng cho các di sản.

Ông Michael Croft cho rằng, việc thống nhất quản lý nhà nước về di sản thế giới nên được trao cho một cơ quan duy nhất thuộc Chính phủ, trong trường hợp này là Bộ VHTT&DL.

Ở địa phương, cơ quan đại diện quản lý nhà nước đối với các khu di sản thế giới cần nhất quán với các hồ sơ đề cử ban đầu đã chuyển cho UNESCO. Các tỉnh, thành phố phải có trách nhiệm chỉ đạo và giám sát chặt chẽ các ban quản lý di sản thế giới ở mỗi địa phương. Ông Michael Croft  khuyến nghị cần thiết lập một cơ chế giúp tăng cường sự chỉ đạo và phối hợp giữa chính quyền cấp tỉnh, thành phố và ban quản lý khu di sản thế giới trên địa bàn.

Để tăng cường trao đổi học thuật và chia sẻ kinh nghiệm về quản lý di sản trong khu vực và quốc tế, Việt Nam nên sớm thiết lập Ủy ban ICOMOS (Hội đồng di tích và di chỉ) Việt Nam. Ủy ban này sẽ giúp cho Việt Nam có thể đóng góp tiếng nói của mình tại một cơ quan cố vấn chuyên môn về các vấn đề di sản văn hóa thế giới. Đây sẽ là nơi quy tụ các học giả hàng đầu có thể kịp thời tham mưu và tư vấn cho Chính phủ và Thủ tướng về chiến lược và các quyết định dựa trên cơ sở khoa học trong lĩnh vực di sản.

Bộ VHTT&DL vừa đặt chỉ tiêu phấn đấu đến 2025 có thêm ít nhất 5 di sản thế giới mới, trong đó dự kiến gồm 2 di sản vật thể và 3 di sản văn hóa phi vật thể.

Chính vì vậy, yêu cầu quản lý sẽ ngày càng trở nên cấp thiết bởi sức hút và động lực của di sản đối với ngành du lịch ngày một gia tăng. Theo ông Michael Croft, việc quản lý hợp tác công-tư xung quanh các khu di sản thế giới phải mang tính chiến lược, chủ động với một tầm nhìn dài hạn. Hiện nay, một số dự án phát triển đều đang bị đổ dồn vào trong hoặc quá gần khu vực vùng lõi hoặc chỉ có sự đầu tư ngắn hạn. Điều này mang tới nhiều rủi ro trong công tác bảo tồn. Thậm chí còn mang tới sự mai một của truyền thống văn hóa địa phương.

Cuối cùng, ông Michael Croft cho rằng để gìn giữ di sản, cũng như phát triển du lịch bền vững cần quan tâm tới những sáng kiến về di sản có chất lượng cao mà ít gây tác động tiêu cực vào di sản. Chính vì vậy, các cấp quản lý cần có những quy định về phương châm quản lý di sản bền vững, đủ hiệu lực sức mạnh để hướng dẫn Ban quản lý các cấp triển khai và thu hút các hoạt động đầu tư đi đúng hướng.

P.V (Theo Chinhphu)
Bình luận
Back To Top