Ðộc đáo Lễ cấp sắc của dân tộc Dao đỏ

08:41 - Thứ Năm, 06/09/2018 Lượt xem: 8970 In bài viết

ĐBP - Mới đây, trong chuyến công tác vùng cao huyện Nậm Pồ, chúng tôi được tham gia Lễ cấp sắc của dân tộc Dao đỏ tại bản Sín Chải 1, xã Nà Hỳ. Ðây là nghi lễ truyền thống bắt buộc của dân tộc Dao đỏ ở nơi này nói riêng, được thực hiện đối với nam giới trong bản theo quan niệm: Nam giới trải qua Lễ cấp sắc mới được công nhận là người trưởng thành.

 

Nam giới trong bản Sín Chải 1, xã Nà Hỳ mặc trang phục truyền thống trong Lễ cấp sắc.

Trước giờ thụ lễ, ông Tẩn Kim Sơn, Trưởng bản Sín Chải 1 chia sẻ với chúng tôi: “Nam giới trong bản dù ít hay nhiều tuổi, phải trải qua Lễ cấp sắc thì mới được coi là đàn ông và được tham gia vào các công việc quan trọng của bản, như: bàn bạc việc chung, giúp việc cho thầy cúng, cúng bái mùa màng... hoặc việc lớn của gia đình, như: dựng nhà, cưới vợ, gả con... Ðây là nghi thức tôn giáo bao đời nay người Dao đỏ bản tôi vẫn giữ gìn và thực hiện trước sự chứng kiến của tổ tiên cũng như bà con trong bản. Chính vì vậy, Lễ cấp sắc thường được tổ chức mỗi năm một lần cho các nam giới trong độ tuổi từ 15 - 30”.

Tại Lễ cấp sắc hôm nay, bản Sín Chải 1 có 3 nam giới sẽ được thụ lễ. Vào sáng sớm trước khi lễ diễn ra, gia đình các nam thanh niên đã mang các lễ vật tới nhà trưởng họ để chờ giờ đẹp, thầy cúng bản sẽ đến thực hiện nghi lễ. Lễ vật là các món ăn truyền thống làm từ thịt lợn, thịt gà, xôi, một bát gạo, bát muối và chai rượu. Ngoài ra, còn nhiều thực phẩm khác, như: bánh kẹo, hoa quả... những thứ này sau khi thụ lễ sẽ được chia cho người thân và bà con trong bản đến cùng thưởng thức.

Hôm nay, gia đình ông Chảo A Sếnh có con trai là Chảo A Lềnh sẽ được thụ lễ, vì thế cả gia đình đều sửa soạn từ rất sớm, ai cũng mặc trang phục truyền thống của dân tộc Dao đỏ. Nam giới thì mặc quần áo vải đen, đội mũ trên đầu; phụ nữ thì mặc váy truyền thống và đeo nhiều trang sức bằng bạc, đồng sặc sỡ. Riêng người được thụ lễ phải tắm rửa sạch sẽ, ăn mặc chỉnh tề theo trang phục truyền thống và hạn chế đi lại, nói năng trước giờ bắt đầu thụ lễ. Ông Chảo A Sếnh cho biết: Lễ cấp sắc đối với mỗi gia đình hết sức quan trọng, nếu trong nhà nào có người được thụ lễ sẽ giúp cuộc sống gia đình bền chặt, vững chắc hơn; đồng thời, nam giới sau thụ lễ sẽ tăng thêm trọng trách với gia đình và trách nhiệm với bản thân. Chính vì thế, những người thân trong gia đình ông Sếnh ở các bản lân cận cũng đều có mặt và háo hức chờ đợi dự Lễ cấp sắc cho anh Chảo A Lềnh.

Khi tới giờ đẹp, thầy cúng (bắt buộc là nam giới) trong bộ trang phục truyền thống sặc sỡ sắc màu, sẽ tới từng nhà trưởng họ của người được thụ lễ để làm lễ. Tại nhà của ông Chảo A Sếnh (đồng thời là trưởng họ Chảo), thầy cúng đứng trước bàn thờ, bắt đầu múa, đọc lời cúng bằng tiếng dân tộc Dao, mời gọi thần linh, tổ tiên về chứng kiến nghi lễ; còn anh Chảo A Lềnh đứng sau thầy cúng, trên tay cầm ống tre đặt một ngọn nến đang cháy. Người Dao đỏ cúng bằng giấy chứ không bằng hương như một số dân tộc khác; khi cúng, thầy cúng cầm tờ giấy đọc tên, tuổi nam giới được thụ lễ, kính cẩn vái lạy và đặt lên bàn thờ; sau đó phát cho người thụ lễ một tờ giấy gọi là đạo sắc. Kết thúc nghi lễ, thầy cúng dâng rượu, lễ vật tạ ơn thần linh, tổ tiên và mời mọi người xung quanh cùng uống rượu, thưởng thức các món ăn.

Lúc này, những người trong gia đình anh Chảo A Lềnh và bà con trong bản chứng kiến nghi lễ cùng nhau ăn uống, hát mừng vui vẻ để chúc mừng gia chủ vừa có người được thụ lễ. Trưởng bản Tẩn Kim Sơn chia sẻ thêm: Những năm gần đây, đời sống của người dân trong bản Sín Chải 1 đã khấm khá hơn, bà con đã thoát đói nghèo, yên tâm xây dựng kinh tế gia đình và chung tay xây dựng nông thôn mới. Tuy nhiên, bản sắc văn hóa truyền thống, đặc biệt là các nghi lễ như Lễ cấp sắc chưa bao giờ bị mai một. Bà con vẫn tổ chức nguyên vẹn nghi lễ này hàng năm, như để giữ bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Dao đỏ và răn dạy con cháu thế hệ sau luôn ghi nhớ về cội nguồn.

Phương Liên
Bình luận
Back To Top