Hàng rào đá

Nét văn hóa đặc sắc của người Mông

09:05 - Thứ Năm, 13/09/2018 Lượt xem: 8616 In bài viết

ĐBP - Tủa Chùa với trên 70% diện tích tự nhiên là núi đá, đó là một trong những nguyên nhân khó khăn trong phát triển kinh tế, đặc biệt là kinh tế nông nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh đó thì thiên nhiên cũng rất ưu ái ban tặng cho vùng đất này những tiềm năng về du lịch mà ít nơi có được. 

 

Một hàng rào đá ở xã Tả Sìn Thàng.

Bãi đá cổ Tả Phìn hay Thành Vàng Lồng được xây dựng hoàn toàn bằng những viên đá sắc nhọn mà không cần đến bất kỳ một chất kết dính nào. Ðược coi là những phiên bản thu nhỏ của Thành Vàng Lồng là những hàng rào đá, với kết cấu độc đáo vững chắc từ những viên đá đủ kích cỡ đã tạo nên một nét văn hóa đặc sắc của người Mông nơi đây. Theo người già trong xã kể lại, khi vẫn còn nguyên vẹn, công trình Thành Vàng Lồng có chu vi khoảng trên 400m, với 2 cửa ở hướng Bắc và hướng Ðông. Thành cấu tạo theo hình vòng tròn, tường thành có đường nét uốn lượn theo địa hình đồi núi, cao trung bình 2m, mặt tường rộng hơn 1m. Nguyên liệu xây dựng thành chủ yếu là đá, với phương thức xếp thủ công, sử dụng kỹ thuật ghép đá tinh xảo, từ phiến đá to đến viên đá nhỏ xếp chồng lên nhau, tạo thành bức tường đá chắc chắn, bề mặt bằng phẳng, người và ngựa có thể đi lại trên mặt thành.

Ngày nay, những dấu tích của Thành Vàng Lồng còn lại 2 đoạn tường thành khá nguyên vẹn đang được bảo tồn để phục vụ du khách tham quan. Thế nhưng không biết từ khi nào, những hàng rào đá được coi là các “phiên bản” thu nhỏ của Thành Vàng Lồng thì vẫn đang xuất hiện ở khắp nơi. Từ những bức tường bao quanh nhà, quanh vườn và thậm chí cả ở ven đường, bờ ruộng… Cái hồn của mỗi ngôi nhà người Mông được tạo nên từ những hàng rào đá như thế. Những hàng rào đá rêu phong hòa quyện với thiên nhiên đã trở thành một điểm nhấn không thể thiếu trong không gian văn hóa của người Mông nơi đây. Hàng rào đá của người Mông được kết cấu từ những viên đá to nhỏ hình thù khác nhau, chúng được xếp theo một quy luật nào đó mà không ai có thể diễn giải rõ ràng cụ thể. Chỉ biết rằng việc quan trọng đầu tiên của người Mông sau khi hoàn thiện một ngôi nhà mới là xếp hàng rào đá để bảo vệ ngôi nhà và giúp ngôi nhà thêm ấm cúng, kín đáo và đẹp mắt. Những viên đá gối vào nhau chắc chắn, vững chãi và hiên ngang tồn tại ở nơi cao nguyên nhiều khắc nghiệt. Cứ người già dạy người trẻ, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau nên những hàng rào đá cũng được duy trì theo năm tháng và tạo nên một nét văn hóa rất riêng của người Mông nơi đây, để lại ấn tượng thích thú đối với những du khách đã một lần đến với mảnh đất này.

Nhận thức được giá trị của của nét văn hóa độc đáo này, thời gian qua các địa phương đã tích cực tuyên truyền, phổ biến để người dân nâng cao ý thức gìn giữ và phát huy những giá trị ấy, góp phần làm phong phú thêm những tiềm năng du lịch của địa phương. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền, đoàn thể cũng tích cực tuyên truyền để người dân không lấy đá từ các công trình kiến trúc để dùng vào việc khác, không đập những chóp đá nhọn ở các bãi đá cổ để làm hàng rào của gia đình. Bảo tồn và phát huy giá trị của hàng rào đá nhưng không làm mất đi những giá trị khác nằm trong tổng thể của một vùng di sản.

Xác định phát triển du lịch là hướng đi lâu dài, từ đầu năm đến nay, Ban Chấp hành Ðảng bộ huyện Tủa Chùa đã xây dựng Nghị quyết chuyên đề về “Phát triển du lịch Tủa Chùa, giai đoạn 2018 - 2025 và định hướng đến 2030”. Trong đó khẳng định phát triển du lịch là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở, vì lợi ích của nhân dân và các mục tiêu phát triển con người, phát triển du lịch dựa trên các tiềm năng, lợi thế về du lịch văn hóa và sinh thái; gắn phát triển du lịch với chuyển dịch cơ cấu kinh tế của huyện. Mặt khác, huyện cũng xác định, phát triển du lịch phải phát triển bền vững và hài hòa trên cơ sở bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; khai thác, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc trên địa bàn huyện; bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tủa Chùa cho biết:  Ðể thực hiện có hiệu quả mục tiêu phát triển về du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, các cấp lãnh đạo từ huyện đến cơ sở đã và đang từng bước có sự đổi mới tư duy về phát triển du lịch. Trong chương trình hành động về phát triển du lịch của huyện cũng xác định phát triển du lịch phải dựa trên các tiềm năng, lợi thế về văn hóa. Trong đó gìn giữ, nhân rộng và phát huy giá trị độc đáo của hàng rào đá cũng là một trong những mục tiêu được chú trọng.
Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top