Văn hóa các dân tộc trong nỗ lực bảo tồn

09:06 - Thứ Năm, 13/09/2018 Lượt xem: 7541 In bài viết

ĐBP - Trong toàn bộ hệ thống thiết chế văn hóa của một quốc gia nói chung và địa phương (tỉnh, thành phố trực thuộc) nói riêng, văn hóa dân gian có vai trò hết sức quan trọng để không chỉ làm nên bản ngã mà còn tạo sự đa dạng, phong phú. Tại đó, văn hóa lễ hội nếu tổ chức bài bản được xem là những nét khu biệt giữa địa phương này với địa phương kia, giữa tộc người này với tộc người kia...

 

Phục dựng Lễ Xên bản, Thanh Chăn.

Ðể có được những kiến thức chuyên sâu, một lần nữa chúng tôi tìm tới Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Dù sự có mặt của chúng tôi hơi đường đột, nhưng may thay người chúng tôi cần gặp hôm nay đang có mặt tại nhiệm sở - đó là bà Dương Thị Chung, nguyên Phó Phòng Di sản Văn hóa và hiện là Phó trưởng phòng phụ trách, Phòng Nghiệp vụ Văn hóa (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch). Trả lời câu hỏi của chúng tôi, bà Dương Thị Chung cho biết: Một khi đề cập những giá trị văn hóa phi vật thể, là nói tới những tinh hoa văn hóa truyền thống được lưu truyền từ nhiều thế hệ trước, thậm chí từ nhiều thời đại trước. Ðó là những sản phẩm tinh thần, do con người sáng tạo nên từ trong cuộc sống, sinh hoạt và lao động, với những hình thái căn bản: Các lễ hội, các nghi thức trong ma chay, cưới hỏi... nghệ thuật trình diễn ca, múa, nhạc trên sân khấu và cả hát giao duyên trong sinh hoạt cộng đồng giản đơn, hoặc chỉ một số người tham gia. Ngoài ra, văn hóa phi vật thể còn bao gồm những tri thức dân gian về ẩm thực, các bài thuốc gia truyền, phong tục tập quán, những hiểu biết về tự nhiên để áp dụng trong săn bắn, mùa màng... các bài cúng tế, văn bia, hương ước làng bản, truyền thuyết, ca dao, tục ngữ, câu đố..

Theo thống kê do bà Dương Thị Chung cung cấp: Tại thời điểm này tỉnh Ðiện Biên có gần 40 lễ hội (chính xác là 37 lễ hội) còn lưu giữ được; trong đó, 22 lễ hội được tổ chức thường xuyên. Ðây là loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian độc đáo và không thể thiếu trong đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh. Về tên gọi của các lễ hội, hầu hết được gọi theo ngôn ngữ của các dân tộc - chủ thể của di sản lễ hội đó. Tên gọi thường phản ánh nội dung, mục đích, ý nghĩa của lễ (hoặc lễ hội) như: Xên bản (cúng bản) của người Thái, Ua Nếnh (cúng bản) của người Mông, Sê Sừ Ba Hư Chà (lễ mừng cơm mới) của người Si La, Uých bích giác (uống rượu măng) của người Khơ Mú... Về loại hình, các lễ hội ở tỉnh Ðiện Biên chủ yếu thuộc lễ hội lịch sử như Lễ hội đền Hoàng Công Chất và lễ hội truyền thống. Với lễ hội truyền thống lại chia thành các nhóm, như: Lễ hội gắn với tín ngưỡng tôn giáo (lễ cúng bàn vương của người Dao, Gạ Ma Thố (cúng gốc cây to) của người Si La, Lau Pỉnh Phù (cúng rừng) của Phù Lá, lễ cúng bản của dân tộc Thái, Lào, Khơ Mú… lễ hội gắn với lao động sản xuất: Lễ cầu mùa (dân tộc Khơ Mú, Khơ Mú, Xạ Phang, Si La, Sán Chay), Lễ cầu mưa (dân tộc Khơ Mú và dân tộc Thái), Lễ mừng cơm mới (dân tộc Thái, Hà Nhì, Xinh Mun, Kháng)... Các lễ hội gắn với dòng tộc như: Tù Su, Giù Su, Dù Tàu của người Mông; các lễ hội mang tính giải trí như Nọ Pay Chiều (có người dịch là Náo Pê Chầu) của người Mông, Kin Chiêng (ăn tết) của người Thái...

Về quy mô, lễ hội các dân tộc tỉnh Ðiện Biên chủ yếu có quy mô vừa và nhỏ, diễn ra trong không gian làng, bản hoặc trong nội bộ dòng tộc, họ hàng. Mỗi bản, làng tự tổ chức theo cách riêng, phù hợp với điều kiện của làng bản, dòng tộc đó như cúng bản, tù su, cúng cầu mùa... Riêng Lễ hội đền Hoàng Công Chất là lễ hội duy nhất được tổ chức với quy mô cấp tỉnh và cấp huyện (tùy từng năm). Một số lễ hội tổ chức với quy mô vừa như: Xên bản của người Thái, Lễ cầu mưa của dân tộc Khơ Mú, hội Gầu Tào của dân tộc Mông... Ðây là đều là những lễ hội được tổ chức tại bản, thu hút đông đảo bà con trong bản, dòng họ tham gia ví dụ như Lễ Xên bản là lễ hội được duy trì phổ biến nhất, thường được tổ chức vào tháng 2, tháng 3 âm lịch (hàng năm) nhằm dâng lễ cho chủ đất, chủ nước cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh. Tất cả người dân trong bản đều tham gia công tác chuẩn bị cũng như tiến trình của lễ hội. Các lễ hội tổ chức với quy mô nhỏ như lễ hội Tù Su, Giù Su, Xên Pang ả... Con cháu của các dòng họ sinh sôi, phát triển rồi di cư đi các vùng khác nhau sinh sống, cư trú nhưng đến dịp cúng giỗ dòng họ thì họ tập trung về nhà trưởng họ để cùng nhau đóng góp, chuẩn bị các lễ vật dâng lên tổ tiên và cùng tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí.

Lễ hội truyền thống các dân tộc tỉnh Ðiện Biên là một loại hình di sản văn hóa phi vật thể độc đáo, có giá trị to lớn, ý nghĩa thiết thực và vô cùng cần thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc tỉnh Ðiện Biên. Lễ hội truyền thống là nơi các đồng bào các dân tộc thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây đồng thời mong muốn về cuộc sống ấm no, hạnh phúc, lễ hội truyền thống là môi trường tồn tại, nuôi dưỡng, nơi thỏa mãn như cầu tín ngưỡng lành mạnh của người dân: các tín ngưỡng về thiên nhiên, phồn thực, tín ngưỡng vạn vật hữu linh… được biểu hiện thông qua các nghi lễ cầu cúng, hoạt động vui hội, trò chơi văn nghệ, ẩm thực… Ngoài ra, lễ hội truyền thống là môi trường thỏa mãn các nhu cầu vui chơi, giải trí, thưởng thức văn hóa, văn nghệ của người dân: đến với các lễ hội người dân được sáng tạo và thưởng thức các loại hình văn hóa nghệ thuật đặc sắc: mỗi lễ hội là một hình thức sinh hoạt tín ngưỡng - văn hoá cộng đồng của nhân dân các dân tộc tỉnh Ðiện Biên. Ðặc biệt lễ hội truyền thống là môi trường bảo lưu văn hóa truyền thống: là một hình thức sinh hoạt dân gian nguyên hợp, lễ hội truyền thống các dân tộc tỉnh Ðiện Biên bao gồm nhiều thành phần khác nhau như tín ngưỡng, văn học dân gian (các truyền thuyết, truyện cổ), trang phục cổ truyền, ẩm thực dân tộc, văn nghệ dân gian, diễn xướng (dân ca, dân vũ), trò chơi, tri thức dân gian... các thành phần này có mối quan hệ mật thiết, hữu cơ với nhau, cùng hỗ trợ nhau để tồn tại.

Tuy nhiên, cũng còn nhiều khó khăn, bất cập trong công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Theo ông Nguyễn Ðăng Quang, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - về lý thuyết, phần lớn các loại hình di sản văn hóa phi vật thể vẫn tồn tại trong đời sống nhân dân, những nghệ nhân am hiểu các loại hình di sản trên chủ yếu là người già, còn lại tầng lớp thanh, thiếu niên ít tiếp cận và sự hiểu biết về các loại hình di sản trên còn hạn chế. Mặt khác, trong những năm gần đây do tác động của nền kinh tế thị trường đã có ảnh hưởng lớn tới phong tục tập quán của các dân tộc. Nhiều loại hình di sản văn hóa trên địa bàn đã và đang có nguy cơ bị mai một, pha tạp và thậm chí thất truyền. Về 8 loại hình di sản văn hóa phi vật thể, chẳng hạn như tiếng nói, chữ viết, hiện nay các dân tộc trên địa bàn tỉnh còn sử dụng rất phổ biến, đây là phương tiện giao tiếp hàng ngày và gắn với đời sống sinh hoạt của mỗi người dân. Do dân tộc Thái chiếm đa số nên một số dân tộc khác vô thức hoặc ý thức, đã ảnh hưởng, giao thoa pha lẫn nhiều tiếng Thái trong ngôn ngữ của mình, như: dân tộc Khơ Mú, Kháng, Lào, Phù Lá... Thậm chí, dân tộc Khơ Mú còn lấy họ của người Thái như họ Lường, Quàng. Hiện tượng mất dần tiếng nói mẹ đẻ có nguy cơ diễn ra ở một số dân tộc ít người sống xen kẽ với dân tộc Thái, Mông như các dân tộc Kháng, Phù Lá, Khơ Mú... Tuy nhiên, chữ viết của đồng bào các dân tộc thiểu số được sử dụng hiện còn rất ít, chủ yếu còn với chữ Thái, chữ Dao và chữ Mông, được lưu giữ bởi những người già trong một số làng bản hoặc những nghệ nhân, thầy mo, thầy cúng. Mặt khác, nghịch lý ở chỗ một số người tuy biết đọc nhưng lại không biết viết. Vì thế, hiện nay, chữ viết của nhiều dân tộc đã và đang là nguy cơ đáng “báo động” nhất, trước hiện tượng mai một.

Như vậy có thể thấy, với sự phát hiện của xã hội hiện nay, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống đang đứng trước nguy cơ mai một thì lễ hội là môi trường đã sinh ra, nuôi dưỡng và giữ gìn các phong tục tập quán hay loại hình văn hóa truyền thống. Nó giúp người dân lấy lại sự ổn định về mặt tâm lý, đời sống tinh thần phong phú lành mạnh, phát huy truyền thống văn hóa của các dân tộc, xây dựng cuộc sống ngày một tốt đẹp hơn. Mặt khác lễ hội giúp điều hòa các quan hệ xã hội, xây dựng tình đoàn kết thân ái giữa những con người trong dòng tộc, trong cộng đồng xã hội, góp phần giữ vững an ninh chính trị địa phượng, phát triển văn hóa, kinh tế - xã hội...
Thu Loan
Bình luận
Back To Top