Bảo tồn chợ phiên ở Tủa Chùa

Nặng về kiên cố hóa, nhẹ bản sắc văn hóa

08:36 - Thứ Năm, 20/09/2018 Lượt xem: 7287 In bài viết
ĐBP - Chợ phiên từ lâu đã được coi là điểm nhấn quan trọng trong bức tranh toàn cảnh về du lịch ở vùng cao. Ở mỗi địa phương, chợ phiên mang những nét đặc trưng riêng. Chợ phiên còn được ví như những “bảo tàng sống” thể hiện sinh động nhất những nét đặc sắc về văn hóa, phong tục, tập quán; sự đa dạng, phong phú về đặc sản của mỗi vùng... Thế nhưng, những năm gần đây dưới ảnh hưởng của cơ chế thị trường và việc thiếu định hướng của chính quyền địa phương nên chợ phiên ở Tủa Chùa đang có nguy cơ mất đi bản sắc nếu không được bảo tồn đúng hướng!

 

Một góc chợ phiên Tả Sìn Thàng.

Tủa Chùa hiện có 3 chợ phiên được nhiều người biết đến, đó là chợ phiên Tả Sìn Thàng họp vào các ngày Tý và Ngọ; chợ phiên Xá Nhè họp vào các ngày Mão và Dậu (theo âm Lịch). Ngoài ra còn có chợ trung tâm huyện (còn gọi là chợ phiên thị trấn Tủa Chùa) họp phiên chính vào chủ nhật hàng tuần. Từ năm 2015 đến nay, chợ phiên Tả Sìn Thàng và chợ trung tâm huyện đã được đầu tư, nâng cấp; chợ phiên Xá Nhè cũng đã được quy hoạch và đang trong giai đoạn triển khai ở vị trí mới thuộc khu vực gần 2 di tích cấp quốc gia là hang động Khó Chua La và hang động Xá Nhè. Việc đầu tư, nâng cấp và xây dựng là yêu cầu cần thiết, phù hợp với định hướng phát triển kinh - tế xã hội của địa phương, đặc biệt là gắn với chiến lược phát triển du lịch của huyện. Tuy nhiên, để đảm bảo tính bền vững, đáp ứng nhu cầu giao thương của người dân lại không mất đi những giá trị văn hóa mang tính đặc sắc của chợ phiên thì huyện Tủa Chùa đã và đang đề cao mục đích kiên cố hóa mà quên đi yếu tố văn hóa chợ phiên! 

Chợ phiên Tả Sìn Thàng vốn được đánh giá là mang nhiều giá trị văn hóa đặc sắc nhất. Ðây là nơi giao lưu, gặp gỡ, mua bán, trao đổi hàng hóa nông sản của đồng bào các dân tộc thuộc 5 xã phía bắc huyện Tủa Chùa (Sín Chải, Tả Sìn Thàng, Lao Xả Phình, Trung Thu, Sính Phình). Tuy nhiên, sau khi được xây dựng và đầu tư nâng cấp thì đã nảy sinh khá nhiều bất cập. Nhìn tổng thể thì chợ phiên Tả Sìn Thàng được xây dựng giống như những chợ ở các địa phương khác mà không hề có nét riêng của một chợ phiên vùng cao. Ðó là những dãy nhà xây kiên cố, lợp tôn xanh, đỏ; xung quanh chợ được bao bọc bởi những bức tường bê tông... Bên cạnh đó là những tấm bạt đủ màu sắc được căng ngang, dọc khắp mọi nơi. Phía bên trong chợ, những ki ốt, gian hàng ở vị trí đắc địa nhất chủ yếu là những sạp hàng mang yếu tố thương mại thuần túy như: đồ điện tử, đồ gia dụng, quần áo may sẵn, bánh kẹo và cả những ki ốt bán thuốc bảo vệ thực vật... Những mặt hàng thủ công truyền thống hoặc nông sản của đồng bào địa phương chủ yếu được bán ở ngoài hành lang đường và những nơi không có mái che.

Chợ phiên Xá Nhè có quy mô nhỏ hơn, chủ yếu phục vụ người dân các xã: Xá Nhè, Mường Ðun, Tủa Thàng và Mường Báng... Do trước đây chưa được quy hoạch nên người dân chủ yếu họp ở khu vực ngã ba trung tâm xã và 2 bên vệ đường. Cũng giống như chợ phiên Tả Sìn Thàng, ở đây các mặt hàng mang tính thương mại thuần túy chiếm đa số, còn lại là một số sản vật của bà con, các mặt hàng thủ công truyền thống chiếm rất ít. Thậm chí những bộ trang phục dân tộc và đồ trang sức truyền thống vốn được coi là cái riêng, là nét đặc sắc của mỗi dân tộc cũng được các chủ sạp hàng nhập từ dưới xuôi lên bán... Hiện nay, chợ phiên Xá Nhè đang được xây dựng tại khu đất mới rộng rãi hơn. Tuy nhiên, nhìn những hạng mục đã hoàn thiện là những nền móng được xây, trát bê tông vuông vức với những thân cột được chia đều đặn, một cán bộ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đi cùng chúng tôi phải thốt lên rằng: Hỏng rồi! Xây chợ phiên kiểu này là hỏng rồi...

Chợ trung tâm huyện có quy mô lớn nhất, họp vào tất cả các ngày trong tuần, phiên chợ chính là ngày chủ nhật nên người dân các nơi đổ về rất đông. Do ở vị trí trung tâm huyện nên chợ có yếu tố thương mại rất rõ nét, đủ loại mặt hàng, trong đó có nhiều mặt hàng mang yếu tố đặc trưng của đồng bào các dân tộc địa phương. Có lẽ vì những lý do ấy mà chợ trung tâm huyện thu hút được sự quan tâm của nhiều khách du lịch hơn các chợ phiên còn lại. Tuy nhiên, với tính thương mại hóa thì ấn tượng để lại trong lòng du khách chưa nhiều... Như vậy có thể thấy, việc quy hoạch và xây dựng chợ phiên của huyện Tủa Chùa đang thiên về xu hướng tiện ích và thương mại. Các yếu tố văn hóa mang tính đặc sắc chưa được chú trọng đang khiến cho các giá trị truyền thống của phiên chợ vùng cao bị mai một.

Hiện đại hóa, kiên cố hóa là xu thế tất yếu của sự phát triển. Tuy nhiên, khi xây dựng phương án đầu tư cơ sở hạ tầng cần phải gắn với mục tiêu bảo tồn văn hóa và phát triển du lịch của địa phương. Ðể phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn như mục tiêu mà huyện đề ra, cần phải xây dựng một kế hoạch chi tiết, cụ thể trong việc bảo tồn cái gì, thay đổi cái gì và thay đổi như thế nào!

Bài, ảnh: Văn Thành Chương
Bình luận
Back To Top