Âm nhạc Việt đang phát triển mất cân đối

14:25 - Thứ Sáu, 28/09/2018 Lượt xem: 6690 In bài viết
Lâu nay, sự mất cân đối giữa thanh nhạc và khí nhạc cả trong lĩnh vực sáng tác và biểu diễn luôn là vấn đề khiến những người yêu âm nhạc cảm thấy day dứt. Ví von về sự phát triển của 2 dòng âm nhạc này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam, phải thốt lên rằng, thanh nhạc và khí nhạc đang phát triển giống như “chân tươi, chân héo”.

Nhiều tác phẩm khí nhạc chỉ để làm bài tốt nghiệp

Thực tế cho thấy, trong Liên hoan Âm nhạc toàn quốc đợt 1 khu vực phía Bắc do chính Hội Nhạc sĩ Việt Nam tổ chức, chỉ có 3/43 tác phẩm tham dự thuộc thể loại khí nhạc.

 

Khí nhạc Việt Nam vẫn đang chờ những cuộc tiếp sức mới.

Chia sẻ về điều này, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân thừa nhận, mặc dù đã rất nỗ lực khuyến khích và ưu ái khí nhạc nhưng những tác phẩm mới được sáng tác vẫn cực kỳ hiếm hoi. Ông nói: “Trong âm nhạc, thể loại nhạc này là cực kỳ quan trọng, giá trị cao về nghệ thuật, chuyển tải nhiều nội dung về triết lý, lịch sử nhưng lại không có điều kiện cho khán giả được tiếp cận nhiều. Vì thế, người nghe đã ít lại càng ít hơn. Người viết cũng vì thế mà nản, không mấy ai giữ được tâm huyết với thể loại nhạc này...”.

Vị này dẫn chứng, như GS - nhạc sĩ Nguyễn Văn An chẳng hạn, ông có 9 giao hưởng viết cho Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, đây có thể coi là kỷ lục mà ít nhạc sĩ đương đại nào có thể chạm tới được, nhưng rất ít người biết đến các tác phẩm cũng như tên tuổi của ông.

Với kinh nghiệm hơn 30 năm giảng dạy ở Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho biết, rất nhiều lứa nhạc sĩ ra trường bài tốt nghiệp phải là một tác phẩm khí nhạc, nhưng tiếc thay, nhiều tác phẩm trong số đó chỉ sử dụng một lần duy nhất với sứ mệnh làm bài tốt nghiệp.

Là một trong những nhạc sĩ được coi là lứa trẻ tâm huyết với khí nhạc, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng chia sẻ: “Thế hệ đi trước, các bậc thầy gặp nhiều khó khăn, đến giờ kinh tế đã khá hơn, hoạt động âm nhạc cũng vì thế thay đổi. Nếu khán giả hướng tới thưởng thức nghệ thuật chuyên nghiệp hơn, cao cấp hơn thì những người viết nhạc giao hưởng như tôi cũng sẽ có nhiều hơn những cơ hội”.

Đau đáu với sự phát triển của khí nhạc, nhiều thầy cô đang giảng dạy cũng cho rằng chính sự đi xuống của khí nhạc khiến cho âm nhạc chuyên nghiệp đang dần bị nghiệp dư hóa.

Nghịch lý là khi mà phong trào “phổ cập” âm nhạc đang lên mạnh theo kiểu người người, nhà nhà cho con đi học nhạc, thì trong một cuộc thi âm nhạc lớn vừa kết thúc đầu tuần qua ngay tại Hà Nội, các thí sinh Việt Nam lại không được xướng tên trên bảng vàng. Nguyên nhân được các chuyên gia lý giải rằng, nhiều thí sinh Việt Nam đang học tập tại nước ngoài không kịp về nước tham dự.

Điều đó cũng phản ánh tính đào thải của âm nhạc đỉnh cao. “Càng lên cao càng nhiều khó khăn, gian khổ. Những người trụ với nghề và sống với nghề đòi hỏi sự phấn đấu, khổ luyện không ngừng”, PGS-TS Lê Anh Tuấn, Giám đốc Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, phân tích.

Nuôi dưỡng mầm non âm nhạc

Chia sẻ những kinh nghiệm, GS Jean Sauniel, giảng viên Đại học Montréal (Canada), cho rằng, mặc dù Việt Nam có nhiều tài năng trẻ, ấn tượng nhưng để phát triển âm nhạc đỉnh cao cũng như đào tạo các nghệ sĩ âm nhạc đỉnh cao thì còn có nhiều việc cần làm.

Bên cạnh việc thu hút các thế hệ tài năng trẻ về nước giảng dạy cũng cần sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa để nuôi dưỡng mầm non âm nhạc trẻ trong nước.

Từ thực tiễn của người làm âm nhạc, nhạc sĩ Trần Mạnh Hùng cho biết: “Đúng là bây giờ có điều kiện rất tốt để học và theo đuổi chuyên ngành này. Nhiều bạn không giữ vững được cái tôi nghệ sĩ, chạy theo thị hiếu số đông công chúng.

Đối với người nghệ sĩ nhạc giao hưởng, thính phòng, yếu tố bản sắc, cá tính đòi hỏi khá khắt khe”. Cũng theo nhạc sĩ trẻ này, sáng tác khí nhạc ở Việt Nam hiện nay ngày càng trở nên khó khăn. Có nhiều lý do, trong đó có những lý do chính như người học hạn chế về năng khiếu, người dạy hạn chế về sư phạm, hoặc bởi chưa đủ đam mê… Sự khó khăn còn xuất phát từ việc người Việt Nam không thích nghe nhạc không lời, Nhà nước đầu tư ít hoặc đầu tư không tới...

Tuy nhiên, PGS-TS Lê Anh Tuấn lại có cái nhìn lạc quan hơn khi Đề án đào tạo tài năng trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn đến 2030 và đào tạo, bồi dưỡng nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài đến năm 2030 đã được phê duyệt và triển khai.

Ông cho biết, hiện đã có một số sinh viên thuộc các ngành tại Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam được đi đào tạo tại nước ngoài theo đề án. Đó cũng sẽ là một trong những nguồn lực tiếp sức cho khí nhạc trên con đường dài phía trước.

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top