Cách làm hay để giữ gìn văn hóa dân tộc

09:39 - Thứ Năm, 04/10/2018 Lượt xem: 6617 In bài viết

ĐBP - TX. Mường Lay có trên 70% dân số là người Thái trắng. Tuy người dân vẫn sử dụng tiếng Thái trong giao tiếp hàng ngày nhưng còn rất ít người biết viết, đọc chữ Thái. Nhằm góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, những năm qua, TX. Mường Lay thường xuyên duy trì, tổ chức các lớp truyền dạy chữ Thái tại các phường, xã và triển khai dạy chữ Thái tại cấp tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn.

 

Một buổi học chữ Thái tại bản Na Nát, phường Na Lay.

Hai năm trở lại đây, các lớp truyền dạy chữ Thái là một trong những hoạt động thiết thực, thu hút nhiều người dân phường Na Lay - nơi có cộng đồng bản địa là người dân tộc Thái trắng sinh sống tập trung, tham gia. Việc học chữ Thái đang dần trở thành nhu cầu của nhân dân trên địa bàn; UBND phường Na Lay cũng không thụ động chờ nguồn kinh phí của cấp trên hay từ các đề án bảo tồn của Nhà nước mà cân đối kinh phí hoạt động được cấp hàng năm để tổ chức các lớp truyền dạy chữ Thái. Năm 2017, phường Na Lay tổ chức được 2 lớp cho cán bộ và nhân dân bản Na Nát với trên 70 học viên ở nhiều độ tuổi khác nhau, người trẻ nhất là học sinh trường THCS, người cao tuổi nhất đã gần 70. Người truyền dạy chữ Thái cho học viên là ông Khoàng Văn Phanh, dân tộc Thái trắng. Ông Phanh học chữ Thái từ năm 12 tuổi, có trình độ học vấn, khả năng truyền dạy và là người tâm huyết với việc bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống. Trong hơn 1 tháng, dù mưa to gió lớn, bận bịu công việc, các học viên đều thu xếp thời gian đến lớp vào mỗi buổi tối để học chữ viết của dân tộc mình.

Ông Mào Văn Chiến, Bí thư Chi bộ bản Na Nát, học viên lớp truyền dạy chữ Thái cho biết: Tuy vẫn sử dụng tiếng “mẹ đẻ” trong giao tiếp hàng ngày nhưng rất ít người trong bản biết đọc, biết viết, chữ viết của dân tộc mình. Cả bản có gần 100 hộ dân nhưng chỉ vài người biết chữ Thái. Vì vậy, khi UBND phường tổ chức khảo sát nhu cầu học chữ Thái, tôi và nhiều người đã đăng ký tham gia. Việc học, đọc và viết chữ dân tộc giống như tìm lại một phần “gốc” của mình. Sau các lớp học, mỗi học viên mang trên mình một sứ mệnh truyền dạy, giáo dục cho con cháu về ngôn ngữ, góp phần gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc.

Ông Chu Văn Hoành, Phó Chủ tịch UBND phường, Giám đốc Trung tâm học tập cộng đồng phường Na Lay cho biết: Qua khảo sát, nhu cầu học chữ Thái của người dân trên địa bàn phường là rất lớn. Song do nguồn kinh phí hạn hẹp nên phường chỉ tổ chức được 1 - 2 lớp/năm. Tháng 10, phường dự kiến tiếp tục mở 1 lớp truyền dạy chữ Thái người cho dân bản Con Kiêng. Ngoài các lớp truyền dạy chữ Thái, phường Na Lay đang xem xét việc tổ chức các lớp học về phong tục tập quán, văn hóa ẩm thực, đáp ứng nguyện vọng của người dân trên địa bàn, góp phần gìn giữ, lưu truyền bản sắc dân tộc Thái.

Không chỉ truyền dạy cho người dân, nhiều năm nay, việc truyền dạy chữ Thái đã được TX. Mường Lay triển khai tại các trường tiểu học trên địa bàn. Bà Trần Thị Hiếu, Trưởng phòng Giáo dục và Ðào tạo TX. Mường Lay cho biết: Triển khai thực hiện “Ðề án Dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS tỉnh Ðiện Biên giai đoạn 2011 - 2015, định hướng đến năm 2020”, từ năm 2012, Phòng Giáo dục và Ðào tạo TX. đã đưa chương trình dạy chữ Thái vào dạy tại các trường tiểu học có học sinh dân tộc Thái, ban đầu là 2 trường: Tiểu học bản Mo và Tiểu học Lay Nưa. Năm học 2018 - 2019, Phòng tiếp tục mở rộng chương trình tại cấp học THCS, đó là trường THCS Lay Nưa. Chương trình dạy học theo sách giáo khoa dân tộc thiểu số do Bộ GD&ÐT ban hành trên cơ sở đáp ứng yêu cầu thực tế, Phòng GD&ÐT thị xã cũng đã xây dựng kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo giáo viên dạy chữ Thái. Hiện nay, 100% giáo viên dạy chữ Thái tại các trường đều có chứng chỉ giảng dạy do Trường Cao đẳng Sư phạm Ðiện Biên cấp.

Năm học 2018 - 2019, Trường Tiểu học Lay Nưa có 4 lớp học tiếng Thái thuộc các khối 3, 4, 5 với 144 học sinh. Thầy giáo Giàng Trung Thành phụ trách giảng dạy tiếng Thái chia sẻ: Hơn 6 năm qua, điều làm tôi cảm thấy hạnh phúc nhất là mỗi lần lên lớp được chứng kiến niềm vui, sự háo hức của các em khi học chữ Thái, nhất là học sinh dân tộc Thái. Chính sự đam mê, thích thú tìm hiểu, học chữ viết dân tộc của các em là động lực để tôi thêm yêu nghề, cố gắng tìm hiểu sâu thêm về chữ viết, ngữ pháp của tiếng Thái để truyền dạy cho các em. Học sinh khối lớp 3 khi mới tiếp cận còn có đôi chút khó khăn nhưng sau 3 - 4 tiết học làm quen thì các em đều thích học.

Khác với cấp học tiểu học, tại Trường THCS Lay Nưa, bên cạnh việc ôn luyện viết, đọc chữ Thái, học sinh chủ yếu được thầy, cô giáo giảng dạy về các phong tục, tập quán văn hóa, lễ hội, ẩm thực của người dân tộc Thái trắng Mường Lay. Thầy giáo Lò Văn Phanh, Hiệu trưởng Trường THCS Lay Nưa cho biết: Năm học 2018 - 2019 là năm đầu tiên Trường đưa chương trình dạy tiếng Thái vào giảng dạy ở 2 khối 6 và 7. Tại cấp tiểu học các em đã cơ bản đọc, viết được tiếng Thái nên vào cấp THCS, Trường tập trung dạy các em về truyền thống của dân tộc Thái gắn với các hoạt động thực tế tại địa phương. Từ đó, giúp các em bổ sung đa dạng thông tin, kiến thức phong phú về dân tộc mình.

Hiện nay, xu hướng hội nhập đang làm nảy sinh nguy cơ suy giảm ngôn ngữ của nhiều dân tộc thiểu số. Việc bảo tồn và phát huy tiếng nói, chữ viết các dân tộc thiểu số là cấp thiết để giữ gìn bản sắc văn hóa, thực hiện quyền bình đẳng giữa các dân tộc. Cách làm của TX. Mường Lay là giải pháp tốt nhằm duy trì, bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Thái trắng trên địa bàn.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top