Khoảng trống trong bảo tồn mộc bản cổ

15:34 - Thứ Hai, 15/10/2018 Lượt xem: 6659 In bài viết

Dẫn đầu cả nước về số lượng di tích lịch sử - văn hóa, Hà Nội đồng thời là nơi sở hữu nguồn tư liệu hiện vật phong phú, đa dạng mà nổi bật là di sản mộc bản. Tuy nhiên, đây cũng là loại hình di sản chưa được chú trọng khai thác, phát huy xứng tầm với giá trị. Nhiều di sản mộc bản còn nằm rải rác, chưa được kiểm kê, bảo quản cẩn thận, tạo nên khoảng trống trong công tác bảo tồn…

 

Mộc bản kinh Phật tại chùa Vĩnh Nghiêm.

Hiện vật lưu giữ quá khứ

Là kinh đô của nước Đại Việt, trải qua các triều đại Lý, Trần, Lê (thời kỳ Phật giáo hưng thịnh), Thăng Long - Hà Nội có nhiều ngôi chùa lớn, cũng chính là nơi lưu giữ, tổ chức in khắc kinh Phật từ mộc bản. Nổi bật là chùa Bà Đá (quận Hoàn Kiếm), vốn là trung tâm khắc ván, in kinh của kinh đô Thăng Long với lượng mộc bản rất lớn. Đến nay, dù trải qua nhiều thất thoát, hư hỏng do thiên tai, chiến tranh, nhà chùa còn lưu giữ được gần 3.000 ván khắc cổ. 

Tương tự chùa Bà Đá là chùa Hòe Nhai (quận Ba Đình), theo thống kê sơ lược, nơi đây hiện còn giữ hơn 300 bản khắc, đều là ván in kinh Phật. Ngoài ra, khu vực nội đô còn có nhiều đình, đền, đạo quán lớn, nhỏ khác là cơ sở tàng lưu nhiều mộc bản với các nội dung liên quan đến kinh thư, đạo giáo, tín ngưỡng dân gian hoặc nghề thủ công truyền thống. Có thể kể đến các di tích, như: Chùa Nam Đồng (quận Đống Đa); chùa Vũ Thạch (quận Hai Bà Trưng); đình Hàng Gai, đền Ngọc Sơn (quận Hoàn Kiếm); đền Quán Thánh (quận Tây Hồ)…

Ở khu vực ngoại thành, không ít di tích cổ cũng đang lưu giữ hàng trăm di sản mộc bản - là bằng chứng cho công nghệ in ấn của người Việt xưa. Tiêu biểu như: Chùa Đa Bảo (huyện Phú Xuyên); chùa Khê Hồi (huyện Thường Tín); đền Văn Hiến (Đan Phượng)… Trải qua hàng trăm năm với tác động của điều kiện khí hậu cũng như con người, nhiều tư liệu, hiện vật đã bị hư hỏng, thất thoát đáng kể.

PGS.TS Nguyễn Công Việt, Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định: Qua nhiều đợt khảo sát thực tế, có thể nhận thấy tình trạng thất lạc di sản mộc bản tương đối nhiều, dẫn đến nguồn tư liệu cổ không còn nguyên vẹn, thông tin, kiến thức bị đứt rời, chắp vá. Hoạt động bảo quản mộc bản ở Hà Nội chưa bảo đảm tiêu chuẩn khiến mộc bản bị nứt vỡ, nấm mốc, cong vênh… Ví như toàn bộ ván in (khoảng 700 bản) ở chùa Khê Hồi (huyện Thường Tín), đang bị đe dọa do ảnh hưởng của mưa dột hay bộ Cổ kim truyền lục mộc bản với 126 ván in tại đền Văn Hiến (Đan Phượng) đã bị mối xông hỏng tương đối nhiều. 

Đồng tình với ý kiến của PGS.TS Nguyễn Công Việt, nhiều chuyên gia văn hóa cho biết: Việc thiếu kiến thức, ý thức trong gìn giữ, bảo quản đã ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng mộc bản trong khi công tác này hiện vẫn đang giao phó cho nơi tàng giữ di sản. Nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, Giám đốc Bảo tàng Gốm sứ Hà Nội kể: Gần đây, chị gặp được một vài mộc bản, trong đó có bản đang được dùng chặn vại dưa muối. Điều này khiến những người hiểu giá trị không khỏi xót xa. Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Phú Xuyên Nguyễn Tùng Lâm thông tin: Chùa Đa Bảo từng là cơ sở lưu giữ bản in khắc kinh Phật khá phong phú, tuy nhiên bị thất thoát khá nhiều. Một số ván in còn bị vùi trong lòng đất mới được tăng ni, nhân dân đào tìm, cất giữ. Hiện nay, phần lớn ván in ở đây (ngót 800 đơn vị) đã hư hỏng.

Kiểm kê gấp, bảo quản dài hạn

 

Trưng bày mộc bản tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, một hoạt động nhằm quảng bá, phát huy giá trị di sản.

Theo nhà sưu tầm Nguyễn Thị Thu Hòa, mộc bản cổ là loại hình di sản đặc biệt, chứa đựng cả giá trị vật thể và phi vật thể. Thực trạng lưu giữ, bảo quản hiện nay đang đe dọa trực tiếp tới nguồn di sản tư liệu quý giá này. Việc tiên quyết cần làm là thực hiện tổng kiểm kê mộc bản trên toàn thành phố. Trên cơ sở đó, cần xây dựng kế hoạch khảo sát, đối chiếu, bổ sung ván in bị khuyết, thất lạc, lẫn lộn giữa các di tích, cơ sở lưu trữ bảo quản hiện nay; hỗ trợ các di tích, chủ sở hữu làm thư mục, vệ sinh, giá kệ chống mối mọt… cũng như các kỹ thuật bảo quản cần thiết khác.

PGS.TS Nguyễn Công Việt nhấn mạnh: Cần sớm xây dựng, ban hành quy chế, quy định phù hợp trong bảo quản, khai thác phát huy giá trị mộc bản, đồng thời tạo kinh phí phù hợp cho công tác bảo quản, khai thác, phát huy giá trị mộc bản Hà Nội. Cơ quan quản lý cũng cần xây dựng kế hoạch nghiên cứu, bảo tồn tổng thể Mộc bản Thăng Long - Hà Nội một cách khoa học; phát huy giá trị tư liệu mộc bản gắn với hoạt động tham quan, triển lãm, du lịch tín ngưỡng, lễ hội đầu xuân…

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Nguyễn Đình Hưng (Viện Nghiên cứu Hán Nôm) đề xuất: Với những kỹ nghệ truyền thống, cần ghi chép, ghi hình cẩn thận để thế hệ sau muốn tìm hiểu, nghiên cứu, phục dựng có thể dựa vào đó. Các nghiên cứu và tư liệu nên được công bố cho những người có nhu cầu nghiên cứu tiếp cận.

Được biết, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đang lên kế hoạch kiểm kê di sản mộc bản tại các di tích ở Hà Nội, đồng thời thúc đẩy công tác bảo quản di sản hiệu quả hơn bằng việc hướng dẫn các địa phương phương thức bảo quản mộc bản phù hợp. Việc hướng dẫn này sẽ được thực hiện song song với công tác kiểm kê chứ không chờ công tác này hoàn tất.

PV (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top