Hành lang pháp lý phát triển thư viện

15:36 - Thứ Hai, 15/10/2018 Lượt xem: 6529 In bài viết

Dự thảo Luật Thư viện đang được đăng tải công khai để lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, những người sử dụng thư viện và nhân dân, đến hết ngày 28-11-2018. 

Sự ra đời của Luật Thư viện được kỳ vọng sẽ tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển của hệ thống thư viện, thúc đẩy văn hóa đọc. Vì thế, một số nội dung trong dự thảo cần được xem xét điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.

 

Luật Thư viện ra đời sẽ góp phần thúc đẩy văn hóa đọc phát triển.

Mở rộng phạm vi điều chỉnh

Sau 17 năm thực hiện, Pháp lệnh Thư viện đã tạo bước tiến đáng khích lệ cho hệ thống thư viện công lập, góp phần đắc lực vào việc phục vụ nhu cầu tìm hiểu kiến thức, nâng cao dân trí. Tuy nhiên, pháp lệnh này vẫn bộc lộ nhiều bất cập so với hệ thống pháp luật hiện hành và thực tiễn đời sống xã hội. Điều này đòi hỏi cần có Luật Thư viện để điều chỉnh.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Phó Trưởng ban Soạn thảo dự án Luật Thư viện cho biết, dự thảo Luật Thư viện gồm 6 chương, 52 điều, góp phần tạo điều kiện phát triển sự nghiệp thư viện; nâng cao nhận thức, hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về thư viện; phát huy đầy đủ các chức năng của thư viện trong bảo vệ quyền tiếp cận thông tin, lợi ích hưởng thụ văn hóa cơ bản và học tập suốt đời của công dân. 

Dự thảo Luật Thư viện có nhiều điểm mới, tạo hành lang pháp lý rộng mở hơn cho hoạt động thư viện so với Pháp lệnh Thư viện. Cụ thể, dự thảo Luật Thư viện mở rộng phạm vi điều chỉnh, bổ sung đối tượng áp dụng không chỉ là cơ quan, tổ chức công lập mà còn cả tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài tham gia phát triển thư viện. Điều này khá phù hợp với thực tiễn, bởi lâu nay, nhiều thư viện tư nhân, thư viện của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, phòng đọc sách, tủ sách ở cộng đồng dân cư, tủ sách dòng họ, tủ sách lớp học, thư viện có yếu tố nước ngoài... hoạt động nhưng không thuộc phạm vi điều chỉnh của Pháp lệnh Thư viện. 

Trong hoạt động của thư viện, dự thảo bổ sung 1 chương mới với 13 điều. Theo đó, ngoài chuyên môn, nghiệp vụ, các thư viện phải hoạt động theo quy chuẩn thống nhất, từ đó triển khai liên thông thư viện. Chính điều này là nền tảng để các thư viện trở nên hiện đại, rộng mở, chủ động trong quá trình hội nhập và tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0…

Chú trọng sự phù hợp

Hiện nay, trong thời đại 4.0, phát triển thư viện số là một xu thế tất yếu. Dự thảo Luật Thư viện đã dành 2 điều quy định về việc xác định điều kiện thành lập, xây dựng và dịch vụ thư viện số. Tuy nhiên, những nội dung này được đề cập còn sơ sài, trong khi hoạt động của thư viện số khá phức tạp, chịu sự điều chỉnh của nhiều luật và các văn bản quy phạm pháp luật trong và ngoài nước. Theo Giám đốc Thư viện Hà Nội Trần Văn Hà, việc số hóa tài liệu phục vụ bạn đọc liên quan chặt chẽ đến vấn đề thực thi quyền tác giả. “Các thư viện hiện nay đang đứng trước một vấn đề rất khó giải quyết, một mặt có nhiệm vụ thỏa mãn nhu cầu tối đa của người sử dụng trong việc tiếp cận tài liệu, mặt khác không được xâm phạm đến quyền lợi của tác giả hoặc chủ sở hữu tác phẩm khi cung cấp tài liệu, bản sao cho người dùng. Nhiều tài liệu thư viện chỉ có bản quyền cho dịch vụ truyền thống mà không có bản quyền dịch vụ số”, ông Trần Văn Hà nói.

Bà Vũ Dương Thúy Ngà cũng thừa nhận, đã có trường hợp thư viện tỉnh vừa công bố tài liệu trên mạng thì bị tác giả báo cáo đến cơ quan chức năng là vi phạm bản quyền. “Hiện nay, nhu cầu khai thác tài liệu mà không phải đến thư viện là rất lớn. Nhưng các thư viện thường phục vụ khai thác tài liệu số tại máy tính của thư viện cho an toàn. Thực chất, công tác số hóa tài liệu của thư viện chỉ dừng ở việc lưu trữ. Thư viện số vẫn còn xa”, bà Vũ Dương Thúy Ngà cho biết. 

Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hoàng Minh Thái đề xuất, phân loại tài liệu tại thư viện số, có tài liệu sao chép miễn phí, có tài liệu mất phí và có tài liệu chỉ phục vụ tại máy tính của thư viện. Những điều này có thể quy định trong Luật Thư viện hoặc đưa vào các văn bản hướng dẫn thi hành. 

Một điều nữa cần cân nhắc trong Luật Thư viện, đó là quy định về thẩm quyền, trình tự đăng ký hoạt động của thư viện ngoài công lập. Dự thảo nêu: Tổ chức, cá nhân có vốn tài liệu từ 5.000 bản sách trở lên và các tài liệu khác, có phục vụ từ 1.000 bạn đọc thường xuyên trở lên thì mới được đăng ký hoạt động. Giám đốc Thư viện tỉnh Hưng Yên Đào Văn Quyến cho rằng, “tiêu chuẩn” như vậy là quá cao, nên giảm còn 3.000 bản sách trở lên và phục vụ 300 bạn đọc thường xuyên thì phù hợp thực tiễn hơn. Còn Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới băn khoăn: “Quy định này áp dụng với thư viện đã hay chưa hoạt động? Nếu thư viện chưa hoạt động thì làm sao thống kê được số lượng bạn đọc thường xuyên?”.

Còn một số nội dung dự thảo Luật Thư viện cần nghiên cứu, hoàn thiện như vấn đề cơ chế, kinh phí, hiệu quả hoạt động thư viện, để thực sự đưa thư viện thành một thiết chế văn hóa đặc thù, đóng góp tích cực cho việc phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng.

PV (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top