Giữ vững danh hiệu thôn, bản văn hóa

Cần sự chung tay của cộng đồng

08:47 - Thứ Năm, 25/10/2018 Lượt xem: 7173 In bài viết

ĐBP - Xác định vai trò của việc xây dựng thôn, bản văn hóa nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, những năm qua huyện Ðiện Biên Ðông chú trọng đẩy mạnh việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” (TDÐKXDÐSVH) đến tận cơ sở và được người dân, thôn, bản hưởng ứng, từng bước đi vào cuộc sống, trở thành hoạt động thường xuyên, sâu rộng của các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn. Theo số liệu mới nhất, tính đến hết năm 2017 (năm 2018 chưa xét công nhận) huyện Ðiện Biên Ðông có 111/243 thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa (chiếm 46%). Trong đó, nhiều địa phương có tỷ lệ thôn, bản văn hóa đạt cao, như: Thị trấn Ðiện Biên Ðông; xã Na Son, Háng Lìa, Mường Luân… Kết quả này phần nào thể hiện được sự chung sức đồng lòng của nhân dân và chính quyền các cấp trong việc xây dựng đời sống văn hóa ở nơi cư trú, đồng thời góp phần gìn giữ và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của nhân dân các dân tộc trên địa bàn. 

Thế nhưng, làm thế nào để các thôn, bản văn hóa đi vào thực chất và tạo được chỗ đứng bền vững trong cộng đồng - đó mới là điều quan trọng. Bởi, có nhiều thôn, bản văn hóa sau khi được công nhận thì lại chưa duy trì, nâng cao được chất lượng; thậm chí nhiều thôn, bản năm trước được công nhận văn hóa nhưng năm sau lại không được. Theo số liệu Ban Chỉ đạo phong trào TDÐKXDÐSVH huyện Ðiện Biên Ðông cung cấp: số thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa năm 2017 đã giảm 35% so với năm 2016 (năm 2016 là 158 thôn, bản; năm 2017 là 111 thôn, bản văn hóa). Năm 2014, toàn huyện có 41 thôn, bản đăng ký mới và đạt danh hiệu văn hóa, đến năm 2017 khi xét công nhận lại danh hiệu văn hóa chỉ có 14 thôn, bản đạt. Trong đó, tỷ lệ xã có thôn, bản đạt danh hiệu văn hóa chưa bền vững cao, như: Keo Lôm, Xa Dung, Phì Nhừ, Tìa Dình…

Ðiển hình, xã Keo Lôm năm 2014 cả xã có 16/23 bản đăng ký danh hiệu bản văn hóa, tuy nhiên khi xét công nhận chỉ có 6 bản được. Ðến năm 2017, khi xét công nhận lại 6 bản của năm 2014 thì chỉ có duy nhất 1 bản được công nhận, 5 bản còn lại không đủ điều kiện để công nhận. Anh Sùng A Hải, cán bộ văn hóa - xã hội, xã Tìa Dình, cho biết: Thời gian qua, chính quyền xã đã tích cực tuyên truyền, phát động mạnh mẽ và sâu rộng phong trào TDÐKXDÐSVH đến các bản, từng hộ dân. Thế nhưng, nhiều bản sau khi đạt danh hiệu văn hóa, đã vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình, tệ nạn xã hội gia tăng, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng cao; bên cạnh đó, sự thay đổi tiêu chí xét duyệt, công nhận thôn, bản văn hóa; phong tục tập quán của bà con trong bản; công tác tuyên truyền chưa được thường xuyên, liên tục… dẫn đến nhiều bản “đánh rơi” danh hiệu văn hóa. Như bản Tìa Ghếnh C, năm 2017 đã mất danh hiệu bản văn hóa chỉ vì tỷ lệ hộ nghèo cao (theo chuẩn nghèo đa chiều), đồng thời vi phạm chính sách dân số, kế hoạch hóa gia đình...

Tương tự, tại thị trấn Ðiện Biên Ðông - nơi có điều kiện thuận lợi hơn so với các xã trên địa bàn huyện, thế nhưng việc duy trì và nâng cao chất lượng các bản, tổ dân phố văn hóa cũng chưa được quan tâm. Toàn thị trấn có 10 tổ dân cư (từ 1 - 10), năm 2014 có 2 tổ dân cư số 1 và 3 đã được xét và đạt danh hiệu tổ dân phố văn hóa, thế nhưng đến năm 2017 khi xét công nhận lại thì cả 2 tổ dân cư đều không đạt. Theo cán bộ văn hóa thị trấn Ðiện Biên Ðông: Ðể được công nhận lại danh hiệu văn hóa, các tổ dân cư phải thực hiện nghiêm các nội dung, tiêu chí theo quy định như: Ðời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; môi trường cảnh quan xanh - sạch - đẹp; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước… Thế nhưng, nhiều gia đình chưa nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc xây dựng tổ dân cư văn hóa nên còn thờ ơ, không quan tâm đến các vấn đề chung của xóm. Ðể khắc phục những khó khăn trong việc giữ vững danh hiệu văn hóa, thời gian tới thị trấn nỗ lực thực hiện một số giải pháp như: Tiếp tục kiện toàn Ban Chỉ đạo phong trào TDÐKXDÐSVH, đảm bảo phối hợp giữa các hội, đoàn thể để đổi mới phương thức hoạt động, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên. Ðồng thời, tuyên truyền, phổ biến rộng rãi trên loa phát thanh các cuộc họp về các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng tổ dân cư văn hóa để người dân hiểu và nâng cao ý thức thực hiện.

Bà Lò Thị Chuyên, cán bộ phụ trách phong trào TDÐKXDÐSVH (Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ðiện Biên Ðông), cho biết: Nguyên nhân chính dẫn đến tỷ lệ thôn, bản năm 2017 giảm nhiều so với các năm trước là do thay đổi tiêu chí, xét duyệt và công nhận thôn, bản văn hóa. Ðiển hình, năm 2017, để được công nhận là thôn, bản văn hóa thì cần phải thực hiện đầy đủ các nội dung, như: Ðời sống kinh tế ổn định và từng bước phát triển; đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh, phong phú; môi trường cảnh quan sạch, đẹp; chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Ðảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; có tinh thần tương trợ, đoàn kết giúp đỡ nhau trong cộng đồng. Ðặc biệt, trong đó có một số nội dung nhỏ, như: không còn hộ đói và có trên 70% hộ gia đình thực hiện tốt các quy định về nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội… Ðây là những tiêu chí khó thực hiện, đặc biệt đối với những bản vùng sâu, vùng xa. Bên cạnh đó, nguyên nhân khác dẫn đến các thôn, bản chưa giữ vững được danh hiệu là xuất phát từ khâu xét duyệt tại các thôn, bản và chính quyền xã. Thậm chí, nhiều xã vì “chạy đua” thành tích, kế hoạch mà chưa sát sao trong việc xét duyệt thôn, bản văn hóa. Ngoài ra, cũng do phong tục tập quán của người dân, chưa quan tâm đến danh hiệu thôn, bản văn hóa, vì vậy nhiều hộ gia đình đã vi phạm các quy định để công nhận thôn, bản văn hóa…

Thiết nghĩ, với chức năng là cơ quan quản lý Nhà nước về văn hóa, thời gian tới Phòng Văn hóa - Thông tin huyện cần tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các xã, thị trấn đẩy mạnh thực hiện tốt phong trào TDÐKXDÐSVH. Ðể xây dựng làng, bản khối phố văn hóa một cách bền vững, trách nhiệm này không riêng ngành Văn hóa mà cần sự vào cuộc đồng bộ của các ban, ngành liên quan.
Phong Vân
Bình luận
Back To Top