Gìn giữ và phát huy nét đẹp văn hóa các DTTS

08:49 - Thứ Năm, 25/10/2018 Lượt xem: 8130 In bài viết

ĐBP - Là huyện vùng cao, biên giới, Mường Nhé là nơi hội tụ, giao thoa nhiều nền văn hóa đặc trưng, truyền thống của cộng đồng các dân tộc Thái, Kinh, Mông, Dao, Kháng… với nhiều di sản. Ðiển hình như Tết cổ truyền Khồ Sừ Chà (người Hà Nhì) nơi địa đầu Tổ quốc, không những mang vẻ tinh túy, huyền bí của núi rừng Tây Bắc mà còn thu hút rất nhiều khách du lịch bởi nét đẹp mộc mạc, đặc trưng không thể thiếu trong đời sống sản xuất, tâm linh truyền thống người Hà Nhì. Theo phong tục truyền thống, Tết của người Hà Nhì được tổ chức vào ngày Thìn (con rồng) đầu tiên của tháng 12 dương lịch. Trước đây, người Hà Nhì ăn tết từ 5 - 7 ngày, hiện nay chỉ diễn ra trong 3 ngày, bắt đầu từ ngày Thìn. Mỗi gia đình chuẩn bị lễ vật để mời tổ tiên về mừng năm mới và tổ chức vui chơi, chúc nhau những ngày đầu xuân may mắn. Không chỉ là tín ngưỡng lâu đời, Tết Hà Nhì còn là nơi bà con gặp gỡ, giao lưu với những câu hát, điệu múa tập thể mang tính cộng đồng sâu sắc, thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó. Không chỉ gìn giữ và lưu truyền những lễ hội truyền thống, cộng đồng các DTTS huyện Mường Nhé còn bảo tồn và phát huy được rất nhiều loại hình dân gian, như: Tiếng nói, chữ viết; ngữ văn dân gian; âm nhạc; tri thức dân gian…

 

Nghệ nhân múa khèn truyền dạy điệu múa khèn truyền thống dân tộc cho con cháu tại Ngày hội Ðại đoàn kết dân tộc.

Trao đổi với chúng tôi, ông Vũ Tiến Hưng, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Mường Nhé cho biết: Ðể thực hiện có hiệu quả việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của các DTTS; những năm qua, cấp ủy Ðảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác bảo tồn, kế thừa và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng bao gồm cả văn hóa vật thể và phi vật thể (huyện đã tổ chức kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể tại 83/95 bản, 10 dân tộc). Cùng với đó, thông qua các hoạt động nghiên cứu, sưu tầm, tổ chức lễ hội, xây dựng văn bản, đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định công nhận các di tích văn hóa, các lễ hội dân gian mang đậm sắc thái văn hóa, tâm linh của dân tộc được khôi phục, như: Tết cổ truyền (Khồ Sừ Chà), Lễ Cúng bản (Gạ ma thú) của dân tộc Hà Nhì; lễ cúng cơm mới, nghề truyền thống đan lát, ngữ văn dân gian của người Si La; Lễ cúng tổ tiên của người Thái… Ðặc biệt, hàng năm huyện Mường Nhé còn  tổ chức nhiều chương trình văn hóa văn nghệ; các làn điệu dân ca, dân vũ của đồng bào DTTS nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần cho người dân (huyện đã tổ chức thành công Ngày hội Ðại đoàn kết dân tộc lần thứ III, quy tụ 17 đoàn với hơn 500 vận động viên, diễn viên đến từ các xã và cơ quan, đơn vị).

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển chung của xã hội, sự giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các dân tộc đã tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến những nét văn hóa đặc trưng của mỗi dân tộc vùng cao Mường Nhé. Một số nét bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc (trang phục, diễn xướng dân gian, phong tục tập quán...) đang bị pha tạp và dần mai một. Nhiều làn điệu dân ca, điệu múa cổ truyền, nhạc cụ dân tộc, lễ hội dân gian hàng ngày bị thất truyền... Ðặc biệt, nguy cơ mất bản sắc văn hóa riêng và bị đồng hóa đang hiện hữu đối với một số dân tộc rất ít người như Cống và Si La. Tình trạng pha tạp, đồng hóa trong các hoạt động văn hóa, lối sống ngày càng bộc lộ rõ nét. Do vậy, để giải bài toán gìn giữ và phát triển những giá trị văn hóa cộng đồng, huyện Mường Nhé đã đề ra nhiều giải pháp tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức cho đồng bào các dân tộc biết tự hào và trân trọng những giá trị tinh thần, phong tục tốt đẹp, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tích cực; coi trọng công tác bảo tồn di sản văn hóa; khuyến khích, tạo điều kiện cho tổ chức, cá nhân nghiên cứu, truyền dạy và giới thiệu di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Tạo điều kiện bảo vệ và phát triển tiếng nói, chữ viết của các dân tộc; khuyến khích sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, thống kê, phân loại và lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, diễn xướng dân gian... Huyện kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn mọi âm mưu, hoạt động lợi dụng vấn đề DTTS phá hoại đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, trong đó có các hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật vào vùng DTTS. Ðồng thời, duy trì những phong tục tập quán lành mạnh của các dân tộc, bài trừ mê tín dị đoan ảnh hưởng đến đời sống văn hóa người dân; khơi dậy sức sáng tạo trong các hình thức sinh hoạt cộng đồng nhằm đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa trong thời kỳ mới...
Sầm Phúc
Bình luận
Back To Top