Đất nước - Con người

Ðộc đáo lễ Kin lẩu khẩu mẩu

08:28 - Thứ Năm, 08/11/2018 Lượt xem: 8493 In bài viết

ĐBP - Cộng đồng các tộc người vùng Tây Bắc có bản sắc văn hóa đa dạng, phong phú. Văn hóa ẩm thực là nét đẹp truyền thống của người Thái trắng xã Mường So, Phong Thổ, Lai Châu cũng như của đồng bào Tây Bắc. Kin lẩu khẩu mẩu (Lễ hội cốm mới) của người Thái trắng ở Mường So đã có từ rất lâu đời. Lễ hội là nơi người dân cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, vạn vật sinh sôi phát triển. Qua nhiều năm, lễ hội này không được tổ chức nên đã dần bị mai một trong đời sống và tiềm thức của người dân nơi đây. Năm cuối cùng diễn ra lễ hội là năm 1961, trải qua nhiều năm gián đoạn, lễ hội đã được tổ chức, phục dựng lại tại bản Huổi Én, xã Mường So và được tổ chức đều đặn vào mỗi năm.

 

Lúa mới cắt về sẽ được đem nướng.

Thường thì cứ vào rằm tháng 9 (âm lịch) hàng năm khi cánh đồng lúa của bản là một tấm thảm nhung xanh ngắt, những bông lúa đã uốn câu, những hạt lúa đã căng đầy sữa và đang đông đặc lại. Ðây chính là thời điểm lúa non thích hợp nhất để chọn về làm cốm.

Theo truyền thống canh tác nông nghiệp của người Thái trắng Mường So trước đây họ thường trồng 1 vụ lúa, ngày nay do biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp nên dân cư ở đây đã canh tác lúa 2 vụ. Lúa dùng để làm cốm phải là lúa nếp, cũng có rất nhiều loại lúa nếp có thể làm cốm như: Lúa Lương phượng, lúa nếp thơm, nếp tan, nếp quýt, nếp hoa… Ngày trước lúa được chọn làm cốm thường là lúa nếp nương bởi vì loại lúa này thường giữ được chất ngọt của hạt nếp, mùi thơm và độ dẻo của hạt lúa cũng không bị mất đi và đặc biệt hơn nữa những hạt lúa nếp nương lại rất tròn và mẩy. Ngày nay do nhu cầu sử dụng lúa nếp của người dân có phần hạn chế và diện tích canh tác lúa nương không còn nhiều nên lúa làm cốm là giống lúa Nếp thơm hoặc lúa Lương phượng. Khi chọn lúa làm cốm người ta không nhất thiết phải lấy lúa của một gia đình nào, trong thời gian chuẩn bị họ tập trung ra cánh đồng của bản tìm ruộng lúa có giống lúa phù hợp với các tiêu chuẩn trên, họ sẽ sử dụng loại lúa trong ruộng đó. Số lượng lấy nhiều hay ít tuỳ thuộc vào nhu cầu sử dụng của buổi lễ. Người ta cũng chọn những bông lúa hạt to, mẩy và đặc biệt là không lẫn lúa tẻ rồi tuốt lúa từ những bông lúa đó đem phơi khô rồi bảo quản ở trong các bao đặt nơi khô thoáng để làm giống cho vụ sau.

Trước hôm diễn ra buổi lễ một ngày, một bà cụ trong bản có kinh nghiệm về làm cốm cùng với chủ ruộng và một tốp nữ của bản cùng ra đồng lấy lúa. Bà cụ tiến lên trước thửa ruộng rồi đọc lời khấn: “Qua quá trình cày cấy, chăm sóc giờ đây lúa ở ruộng đã chín vàng, lúa trên khắp cánh đồng đã chín. Con cháu sẽ tổ chức ăn cốm mới, xin với ông bà thổ địa được lấy lúa về làm cốm”. Chấm dứt lời khấn, bà cụ sẽ cắt một ít lúa trong ruộng đó làm mẫu rồi hướng dẫn các cô gái cắt đủ số lượng lúa cần lấy. Dụng cụ để cắt lúa là dao và liềm. Những cô gái được chọn để cắt lúa cũng có những tiêu chuẩn nhất định: Ðó phải là những cô gái còn trinh tiết, nếu là những người đã có gia đình thì đó sẽ là những gia đình thuận hòa yên ấm, con cái khoẻ mạnh, ngoan ngoãn. Theo quan niệm của người dân nơi đây, chỉ những người đó lấy lúa về làm cốm mới thể hiện được sự trưởng thành, phương trưởng của con cháu, sự nguyên vẹn đối với các thần linh.

Lễ hội cơm mới là một nét văn hoá đặc trưng rất riêng của đồng bào dân tộc Thái trắng nơi đây. Thời điểm diễn ra lễ hội là dịp hấp dẫn thu hút khách du lịch đến thăm quan và được sống trong một mùa lễ hội với nguyên vẻ đơn sơ, hồn hậu không thể lẫn với bất cứ nơi nào.

T.K (sưu tầm)

Bình luận
Back To Top