Truyện ngắn

Gia đình đoàn viên

09:46 - Thứ Năm, 06/12/2018 Lượt xem: 7361 In bài viết

ĐBP - “Cha của con đâu mẹ?” - thằng bé hay hỏi tôi như thế mỗi khi tôi dẫn nó đi chơi chốn đông người. Bắt gặp những hình ảnh ông bố, bà mẹ bế con trên tay, nó cứ luôn thắc mắc là tại sao mình không có cha và cha mình ở đâu. Tôi chẳng biết trả lời sao cho con hiểu, chỉ ậm ừ rằng: “cha con đi làm ăn xa, xa lắm”. Nó lại hỏi: “thế sao cha không gọi điện về cho con và mẹ?”. “Cha con bận rộn lắm. Con ngoan, rồi có ngày cha con sẽ về với mẹ con mình thôi”, tôi dỗ ngọt con. Thằng bé dường như mãn nguyện với câu trả lời của tôi, nhưng chốc chốc nó lại đưa tay lên trán ra vẻ suy nghĩ mông lung lắm.

Giải pháp đó chẳng qua chỉ là tình thế, vì đến lúc con mình trưởng thành, nó sẽ nhận ra sự thật. Có nhiều đêm thằng bé không ngủ được, tôi vuốt tóc con, hỏi: “Sao con chưa chịu ngủ?”. Nó nói với vẻ hồn nhiên: “Con nhớ cha!”. Nghe con thỏ thẻ như vậy, lòng tôi quặn thắt. Tôi cảm thấy có lỗi với con mình nhiều quá! Nó nào có biết mặt cha mình là ai đâu. Chẳng qua nó xem những bộ phim, những vở kịch về cha con trên ti vi nên nó cảm nhận mình là nhân vật đứa con trong phim, rồi nó mường tượng ra mình cũng có cha và thấy nhớ nhớ. Có lần nó ngồi tựa cửa trước nhà, nhìn thấy tôi đi chợ về cũng không mừng rỡ. Hỏi ra mới biết là nó vừa xem ti vi cảnh người đàn ông ở Nhật Bản che chở cho con mình trong cơn bão tuyết. Ông ta lấy thân mình ôm con vào lòng và nhường chiếc áo khoác của mình cho con giữ ấm. Kết cục, người cha qua đời vì lạnh, còn cô bé đã sống sót diệu kỳ. Kể xong, thằng bé ôm chầm lấy tôi rồi đột nhiên khóc: “Sao ba người ta thương con đến thế, còn ba của con thì bỏ đi mất tiêu vậy mẹ?”. Tim tôi nhói đau vì câu hỏi đó.

Thật ra tôi không muốn giấu con chuyện này, càng không muốn người ta nghĩ nó là con hoang. Nhưng do tính tự cao của tôi, tôi muốn tự mình bước đi trên đôi chân của mình mà không cần đến anh ấy. Ngày xưa do tuổi trẻ bồng bột, nên trong một lần vui chơi thâu đêm suốt sáng, tôi đã trót dại với bạn trai của mình. Niềm vui phút chốc ấy đã khiến tôi đau đớn đến tận bây giờ. Khi tôi biết mình mang thai, cũng là lúc ba mẹ đuổi tôi ra khỏi nhà vì đã làm nhục nhã gia đình. Anh ấy hay tin tôi mang thai, đã bặt vô âm tín. Tìm đến gia đình anh ấy, tôi nhận được sự ruồng rẫy và khinh miệt của tất cả mọi người. Cố nén nỗi đau, tôi thu xếp đồ đạc lên thành thị làm việc nuôi con. Nhờ có nghề thợ may, tôi xin vào làm ở một công ty may tư nhân. Cuộc sống ở trọ chật vật, thiếu thốn trăm bề nhưng không làm tôi nản chí. Ngày tôi sinh chẳng có ai bên cạnh, bà chị Hai lén mẹ lên thăm nuôi tôi mấy tháng trời, nói là đi làm thuê. Anh ấy có tìm đến bệnh viện để thăm tôi và muốn nhận lại con nhưng tôi từ chối. Những câu xin lỗi, những lời hứa ấm êm trong tương lai không lay động được lòng tôi. Tôi đã quá cố chấp!

Giờ đây tôi mới biết rằng đơn thân nuôi con không dễ chút nào. Những công việc nặng nhọc cần sự gánh vác của người đàn ông không thể nào tôi làm được. Tôi quá mệt mỏi, cần có bờ vai của một người đàn ông để nương tựa và con tôi cũng cần một người cha để che chở suốt đời.

 Cha của thằng bé vẫn tìm cách liên lạc nhưng tôi tránh né. Những lần anh ấy biết chỗ ở của tôi là mẹ con tôi lại dọn đi nơi khác. Rồi một ngày, đột nhiên anh ấy gọi điện mong tôi nối lại tình cũ và tổ chức một đám cưới nhỏ, xem như bù đắp những tổn thương tinh thần bấy lâu nay. Tôi chần chừ giây lát, nghĩ đã đến lúc mình phải dẹp bỏ cái tính “cứng đầu”. Tôi xiêu lòng!

Nghe tôi nói cuối tuần dẫn đi gặp cha, thằng nhóc mừng khôn xiết, nhảy cẫng lên ôm hôn thắm thiết. Nó còn đem con gấu bông mà tôi mua cho để làm “lễ ra mắt” cha. Nhìn thấy con vui như vậy, tôi cũng vui lây. Buổi gặp gỡ có phần e dè, cả 3 người đều ngại ngùng, dù trong lòng ai cũng muốn bày tỏ sự yêu thương. Trước lúc ra về, anh mạnh dạn bảo: “Nhà anh đơn chiếc quá, hay là hai mẹ con dọn về sống chung luôn?”. Tim tôi ngập tràn hạnh phúc, nhưng cố giữ bình tĩnh, thẹn thùng gật đầu. Chỉ có thằng bé, nó mừng đến nỗi quên mất khoảng cách, chạy tới ôm chầm lấy anh như từng thân thiết và nói: “Ngay trong ngày hôm nay nhé cha!”. Anh xoa đầu con, đùa: “Nhà cha bừa bộn lắm, con qua dọn giúp nhé!”. Thế đấy! Cả 3 người về cùng một nhà!

Vũ Thanh Thanh
Bình luận
Back To Top