Nhân sự kiện ngày hội “Thắm tình hữu nghị đặc biệt Việt - Lào” tại tỉnh Điện Biên

Người Lào bên dòng Nậm Núa

10:13 - Thứ Sáu, 07/12/2018 Lượt xem: 8928 In bài viết

ĐBP - Cho đến nay, người ta vẫn chưa có một căn cứ xác đáng nào khẳng định thời điểm người dân tộc Lào đến định cư tại Ðiện Biên. Song, theo lời kể của các cụ già, thì từ thủa sơ khai nhiều cư dân Lào trong lúc ngược dòng các con sông đi tìm miền đất mới, phù hợp để canh tác lúa nước, đã bị thu hút bởi vùng đất trù phú bên dòng Nậm Núa nên đã dừng chân và định cư xây nhà, dựng bản cho đến tận bây giờ…

 

Trong các lễ hội, cộng đồng người Lào ở bản Na Sang 1 luôn hòa đồng cùng các dân tộc khác trên địa bàn.

Từ 1 bản Na Sang với vài chục nóc nhà trước kia, giờ đây đã chia tách và hình thành 2 bản, với gần 200 hộ gia đình sinh sống. Trong đó, bản Na Sang 1 hiện lên đầy thơ mộng bên dòng Nậm Núa, với hơn 120 nóc nhà lợp ngói prô xi măng vững chãi, tựa lưng vào núi, hướng mặt ra sông, sinh sống quần tụ bên nhau. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là xu thế hội nhập, nhiều nét văn hóa truyền thống của người Lào ở Na Sang 1 đã có sự thay đổi, giao thoa để phù hợp hơn với nhịp sống. Song, không vì vậy mà văn hóa đặc trưng của họ bị lãng quên. Bản sắc dân tộc vẫn đang được lưu giữ trong sinh hoạt; trang phục, và những lễ hội dân gian.

Không biết có phải do ảnh hưởng của nền văn hóa đạo phật, đầy tình người và tính nhân văn hay không mà người Lào ở Na Sang 1 luôn đoàn kết với cộng đồng các dân tộc trong khu vực. Ðặc biệt, thông qua các lễ hội truyền thống, như: Tết Té nước (Bun Huột Nặm), căm bản căm mường, Tết Cơm mới, ngày hội đại đoàn kết dân tộc… Vào những dịp như thế, văn hóa truyền thống của người Lào được thể hiện rõ nét, mang sắc thái đặc trưng riêng, nhất là trong các nghi thức cầu cúng. Song, độc đáo nhất là ở phần hội, bởi ở đó người ta vẫn thấy xen giữa những bộ trang phục truyền thống đặc trưng của phụ nữ Lào là áo cóm, khăn piêu của đồng bào Thái; là xúng xính váy xòe của thiếu nữ Mông… tất cả cùng hòa mình vào những trò chơi, như: Rắn bắt ngóe, hái dưa chín, rùa ấp trứng, múa bắt chân bắt đầu…

Bước ra từ những cuộc vui lễ hội, họ trở về với cuộc sống thường ngày. Vẫn hăng hái lao động, sản xuất với những nét đặc trưng gắn liền với nền văn hóa lúa nước xưa kia. Cũng chính vì thế, hình ảnh cây lúa, con trâu, cái cày… vẫn hiện hữu, gắn liền với cuộc sống của người dân. Chỉ khác rằng, giờ đây họ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật và máy móc vào sản xuất để giảm bớt sức lao động.

Hòa chung với khí thế lao động sản xuất với mục tiêu “không để tụt lại phía sau”, những năm gần đây, các phong trào khai hoang phục hóa; tăng gia sản xuất theo mô hình trang trại vừa và nhỏ đã được đẩy mạnh trong mỗi gia đình. Với những quyết tâm ấy, giờ đây Na Sang 1 đã sở hữu hơn 200ha đất sản xuất nông nghiệp, trong đó trên 54ha lúa nước, 90ha ngô… hơn 60 hộ tham gia chăn nuôi trâu bò, với tổng đàn khoảng 300 con…

Phát huy vai trò là hạt nhân của cộng đồng, xã hội, mỗi cá nhân, hộ gia đình người Lào ở Na Sang 1 đều có ý thức chung với làng, bản. Ðó là lý do phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” ở đây được phát triển sâu rộng đến từng hộ dân cư. Bình quân mỗi năm có trên 80% hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa; đồng thời Na Sang 1 cũng là một trong số ít bản của xã Núa Ngam nhiều năm liên tiếp đạt danh hiệu bản làng văn hóa. Nhắc đến Na Sang 1, những gia đình hòa thuận, phát triển kinh tế khá giả, con cháu học hành tiến tới không còn là “của hiếm”, người ta có thể kể ngay, như: gia đình ông Lò Văn Lãnh, Lò Văn Thum, Vì Văn Môn…

Nói về những đổi thay của người Lào ở Na Sang, Bí thư Ðảng ủy xã Núa Ngam Nguyễn Văn Ðóa cho biết: “Ở địa phương, cũng như cộng đồng các dân tộc khác, người Lào đều được hưởng đầy đủ các chế độ chính sách ưu đãi của Ðảng, Nhà nước. Chúng tôi luôn tạo điều kiện tốt nhất cho họ sinh sống và làm việc. Ðồng thời, thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân không phá rừng và không vi phạm pháp luật. Vì thế, họ sống rất hòa đồng và đoàn kết với người dân bản địa như anh em. Những năm gần đây, phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, bà con người Lào đã rất tích cực lao động sản xuất, vì thế đời sống không ngừng được cải thiện và nâng cao, không thua kém các dân tộc khác. Ðến nay, thu nhập bình quân đạt trên 15 triệu đồng/người/năm; hộ nghèo giảm xuống dưới 10%”.

Giờ đây, nỗi lo lương thực đã là chuyện của quá khứ. Tháng 3, tháng 4 hay mùa giáp hạt nhiều nơi vùng cao Ðiện Biên người dân chạy ăn từng bữa, nhưng ở Na Sang 1 lại tưng bừng, rộn rã với Tết Té nước truyền thống. Bà con tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ vui vẻ. Và ở đó, những giá trị văn hóa Việt - Lào có dịp được thể hiện, giao thoa, hòa quyện vào nhau, tạo thành dòng chảy nuôi dưỡng ngọn nguồn văn hóa chung của cộng đồng văn hóa các dân tộc Ðiện Biên.

Bài, ảnh: Hà Linh
Bình luận
Back To Top