Thực hiện chế độ, chính sách cho nghệ nhân

Cần kịp thời để tiếp thêm động lực trao truyền di sản

10:04 - Thứ Sáu, 14/12/2018 Lượt xem: 7428 In bài viết

ĐBP - Nghị định 109/2015/NÐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ đối với nghệ nhân nhân dân, nghệ nhân ưu tú (NNƯT) có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn (sau đây gọi là Nghị định 109) có hiệu lực từ ngày 1/1/2016. Nhưng đến giữa năm 2018, các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh mới được hưởng chế độ, chính sách theo đúng quy định. Sự chậm trễ này là thiệt thòi đối với các nghệ nhân đã dành cả một đời tâm huyết, say mê bảo tồn, gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

 

Nghệ nhân ưu tú Hù Văn Sẩm thực hiện nghi lễ trong Tết Hoa truyền thống của dân tộc Cống. Ảnh: Nguyễn Hiền

Những “báu vật” sống cần được động viên, khích lệ

Năm 2015, lần đầu tiên Nhà nước thực hiện việc xét tặng danh hiệu “nghệ nhân nhân dân”, “NNƯT” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Ðiện Biên vinh dự có 8 người được phong tặng danh hiệu “NNƯT” với công lao nắm giữ, truyền dạy nghệ thuật trình diễn dân gian, tiếng nói, chữ viết, tập quán xã hội, tín ngưỡng, lễ hội truyền thống của các dân tộc khác nhau. Mỗi nghệ nhân với hiểu biết và tâm huyết lưu giữ văn hóa truyền thống là một “cây đại thụ” nắm giữ hồn cốt dân tộc mình.

Nghệ nhân Mào Văn Ết (74 tuổi, phường Thanh Trường, TP. Ðiện Biên Phủ) được biết đến là người nặng lòng với nhạc cụ tính tẩu của dân tộc Thái, là người có thâm niên chế tác tính tẩu giỏi có tiếng vùng Tây Bắc. Ông đã dành hơn 50 năm cho các hoạt động nghiên cứu, chế tác và sử dụng tính tẩu. Ngoài ra, ông còn sáng tác và soạn nhạc dân gian, lưu giữ nhiều làn điệu dân ca cổ của dân tộc. Ông đã truyền dạy cho rất nhiều thế hệ học trò, đàn, hát truyền thống dân tộc Thái tại các huyện, thị, thành phố và là nhân tố quan trọng tại nhiều hoạt động văn hóa - du lịch lớn trong và ngoài tỉnh. Với những đóng góp của mình, ông Mào Văn Ết cần được vinh danh và quan tâm, tạo điều kiện để gắn bó với đam mê tính tẩu.

Bà Lê Thị Lan Anh, chuyên viên Phòng Di sản văn hóa (Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch) là người có nhiều năm làm việc và gắn bó cùng các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh trong công cuộc bảo tồn, gìn giữ di sản văn hóa các dân tộc, nhận định: Các nghệ nhân đều có những đóng góp tích cực trong việc bảo tồn, phát huy nét đẹp văn hóa, ngành nghề thủ công truyền thống. Họ đều là những người tâm huyết, say mê với văn hóa truyền thống, dành cả đời để sưu tầm, nghiên cứu, thực hành, truyền dạy tri thức, tập tục, ngành nghề thủ công... mà mình nắm giữ, thực sự là người “giữ lửa” và “tiếp lửa” cho các hoạt động văn hóa, văn nghệ của địa phương.

Với đặc thù địa bàn miền núi, hầu hết nghệ nhân sinh sống ở nông thôn và vùng cao, cuộc sống còn nhiều vất vả, như: Ông Hù Văn Sẩm, nghệ nhân dân tộc Cống, bản Nậm Kè, xã Nậm Kè (huyện Mường Nhé) hiện sống cùng con trai, gia đình thuần nông chỉ trông chờ vào vạt nương trồng lúa, ngô; nghệ nhân Vàng Văn Thức dân tộc Thái trắng (TX. Mường Lay) cũng xuất thân thuần nông nhưng gia đình thiếu đất sản xuất sau khi tái định cư... Dù kinh tế khá giả hay khó khăn, các nghệ nhân vẫn dành thời gian đóng góp và trao truyền bằng tất cả niềm đam mê của mình. Nhưng các nghệ nhân trên địa bàn tỉnh ta đều đã ở cái tuổi xưa nay hiếm, sức khỏe dần yếu đi. Vì vậy rất cần sự quan tâm, động viên kịp thời không chỉ về tinh thần mà cả vật chất để các bác có thể vơi bớt nỗi lo cuộc sống, chuyên tâm cống hiến cho lĩnh vực di sản văn hóa.

Muộn nhưng vẫn cần thực hiện

Nghị định 109 ra đời là động lực khuyến khích nghệ nhân tiếp tục cống hiến, nhằm tiếp sức, nuôi dưỡng tình yêu di sản. Theo đó, các nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn tùy theo mức độ sẽ được hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng, được hưởng bảo hiểm y tế, khi qua đời sẽ được hỗ trợ mai táng phí. Vậy nhưng sau 2,5 năm Nghị định có hiệu lực, tỉnh ta mới triển khai thực hiện. Ðáng tiếc là có nghệ nhân đã mất, không chờ được đến ngày hiện thực hóa Nghị định. Trong 7 nghệ nhân còn lại thì có 5 người đang hưởng chế độ hỗ trợ sinh hoạt hàng tháng với mức 700.000 đồng/tháng, đa số được hưởng từ thời điểm tháng 7/2018, trích từ nguồn bảo trợ xã hội cấp huyện.

Lý do cho việc chậm trễ này được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ,TB&XH) đưa ra là: Các huyện chưa xác định được nguồn kinh phí, hình thức chi trả; một số nghệ nhân tuổi cao ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn, do đó việc lập hồ sơ hưởng trợ cấp sinh hoạt hàng tháng còn chậm. Cùng với việc không có hướng dẫn cụ thể để triển khai Nghị định, các huyện chưa biết trích nguồn kinh phí nào, việc chỉ đạo triển khai trên địa bàn cũng chưa quyết liệt, một số nơi còn chưa coi trọng công tác này. Với sự tham mưu của Sở LÐ - TB&XH, ngày 19/10/2016, UBND tỉnh ban hành văn bản, giao trách nhiệm thực hiện Nghị định 109 cho các sở liên quan và UBND các huyện, thị, thành phố có nghệ nhân sinh sống. Nhưng sang năm 2018, vướng mắc trong triển khai Nghị định mới được tháo gỡ và chính thức được thực hiện. Ðến ngày 16/8/2018, Sở LÐ - TB&XH báo cáo kết quả triển khai hỗ trợ nghệ nhân theo Nghị định, lúc này vẫn còn hồ sơ xét hưởng của 1 nghệ nhân đang trong quá trình hoàn thiện.

Số tiền hỗ trợ theo Nghị định tuy không lớn nhưng khi được triển khai rất có ý nghĩa, thể hiện sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, chính quyền địa phương đối với tâm huyết của các nghệ nhân, để họ thêm niềm tin và động lực. Nghệ nhân dân tộc Lào - Lường Thị May chia sẻ: Bao nhiêu năm gìn giữ văn hóa truyền thống, tôi không toan tính thiệt hơn, không hề nghĩ đến việc được hưởng chế độ này kia, mà làm bằng niềm say mê và tình yêu dân tộc mình. Từ 1/7 vừa rồi được hưởng hỗ trợ hàng tháng của Nhà nước, tôi rất phấn khởi, nghĩ mình chưa làm được gì nhiều, phải cống hiến nhiều hơn nữa để xứng đáng với sự quan tâm ấy.

Việc hỗ trợ cho các nghệ nhân có thu nhập thấp, hoàn cảnh khó khăn được thực hiện là niềm vui lớn đối với những người làm công tác di sản văn hóa trên địa bàn, tuy nhiên vẫn còn một vài trăn trở trước trường hợp nghệ nhân Giàng A Sử, bản Huổi Lếch, xã Mường Báng (huyện Tủa Chùa) không nằm trong danh sách này. Ông Giàng A Sử năm nay hơn 80 tuổi, có gần 65 năm bảo tồn, phát triển cây khèn - loại nhạc cụ truyền thống độc đáo của người dân tộc Mông. Trước đây, cùng với việc truyền dạy chế tác khèn Mông, thỉnh thoảng ông Sử có khách tìm đến mua khèn, nhờ vậy có thêm thu nhập ngoài nương ngô, nương lúa. Giờ ông Sử đã cao tuổi, mắt kém không còn tự tay làm khèn hay lên nương được nữa, mọi sinh hoạt đều nhờ vào gia đình con trai cũng làm nông nghiệp, thu nhập không ổn định, gia đình 5 người, trung bình thu nhập khoảng 50 triệu đồng/năm. Khi rà soát, ông Sử được nhận định là không thuộc diện hưởng chế độ theo Nghị định 109 do không phải hộ nghèo và con là cán bộ bản. Gia đình ông đang được ngành Văn hóa hướng dẫn đối chiếu theo tiêu chuẩn Nghị định để đề xuất lại việc xét hưởng hỗ trợ, tránh thiệt thòi cho người đã dành cả cuộc đời gìn giữ văn hóa truyền thống.

Ðóng góp của các nghệ nhân là những giá trị vô giá cần được trân trọng, khích lệ. Và việc đầu tiên, cơ bản nhất chính là thực hiện đúng, đủ, kịp thời chế độ, chính sách cho họ. Ðiều này không chỉ đề cao tính nhân văn trong chính sách của Ðảng, Nhà nước mà còn tranh thủ, phát huy được các giá trị di sản văn hóa quý báu mà các nghệ nhân lưu giữ suốt một đời.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top