Mai một trang phục dân tộc thiểu số

08:58 - Thứ Năm, 20/12/2018 Lượt xem: 9338 In bài viết

ĐBP - Tỉnh ta hiện có 19 dân tộc, mỗi dân tộc đều có trang phục truyền thống mang bản sắc văn hoá và những giá trị nghệ thuật, tín ngưỡng riêng. Thế nhưng, ngày nay cùng với sự phát triển của xã hội, trang phục truyền thống của nhiều dân tộc ít nhiều đã mai một, thậm chí có nguy cơ bị quên lãng.

 

Hiện nay, trang phục truyền thống của người Phù Lá hầu hết đã bị thay đổi, mai một, rất ít người lưu giữ được. Trong ảnh: Trang phục truyền thống hiếm hoi của dân tộc Phù Lá tại bản Khua Chá, xã Phình Sáng, huyện Tuần Giáo còn được người dân lưu giữ.

Trước đây, trong cuộc sống hàng ngày, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn thường xuyên sử dụng trang phục truyền thống. Tuy nhiên, những năm gần đây tỷ lệ người sử dụng trang phục truyền thống của dân tộc mình ngày càng giảm, nhất là ở nam giới và người trẻ tuổi. Theo khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hiện nay hầu hết trang phục nam của các dân tộc không còn lưu giữ, trang phục của nữ giới còn gìn giữ tốt hơn song người dân cũng chỉ mặc trong các dịp lễ, tết hoặc các sự kiện hoạt động văn hóa của gia đình và cộng đồng. Vì vậy, hiện nay trang phục truyền thống của một số dân tộc như: Phù Lá, Xinh Mun, Si La... ngày càng mai một, thất truyền.

Phù Lá là một trong những dân tộc ít người (khoảng 200 nhân khẩu) sinh sống tập trung chủ yếu trên địa bàn huyện Tuần Giáo và Tủa Chùa. Trang phục của người Phù Lá độc đáo trong lối tạo dáng và phong cách thẩm mỹ, khó lẫn với bất cứ tộc người nào trong cùng ngữ hệ và khu vực. Nam giới mặc áo xẻ ngực, được may từ 6 miếng vải, cổ thấp, không cài cúc nẹp ngực viền vải đỏ, ống tay hẹp, cổ tay thêu hoa văn. Phụ nữ thường mặc áo ngắn thân, dài tay, cổ vuông, thấp, chui đầu. Mô típ hoa văn trang trí cũng như lối bố cục dùng màu trên áo phụ nữ Phù Lá riêng biệt với các tộc người khác. Nhưng hiện nay hầu hết trang phục của dân tộc Phù Lá đã bị pha tạp với trang phục của các dân tộc khác. Ðiển hình, bản Khua Chá, xã Phình Sáng (huyện Tuần Giáo) có 87 hộ dân thì có 15 hộ là người dân tộc Phù Lá, còn lại là người dân tộc Mông. Cũng bởi vì sống chung với dân tộc Mông nên nhiều nét văn hóa của người Phù Lá cũng bị lai hóa, trong đó có trang phục. Hiện nay, người Phù Lá ở Khua Chá gần như không mặc trang phục của dân tộc mình mà mặc lẫn lộn, thậm chí mặc trang phục như người Mông. Ông Sùng A Xá, người dân tộc Phù Lá, bản Khua Chá, cho biết: “Hiện nay, người Phù Lá ở bản Khua Chá có khoảng 80 nhân khẩu. Trước đây, người dân thường thêu dệt và mặc trang phục của dân tộc mình, thế nhưng những năm gần đây đã không còn duy trì được. Hiện nay, nam giới chủ yếu mặc trang phục người Kinh, phụ nữ mặc trang phục người Mông”.

Tương tự, dân tộc Si La hiện có khoảng hơn 200 nhân khẩu, sống chủ yếu trên địa bàn xã Chung Chải (huyện Mường Nhé). Trang phục của phụ nữ Si La khá cầu kỳ. Mảng áo trước ngực áo may bằng vải khác màu với áo và được gắn nhiều đồng xu bạc, xu nhôm. Năm 2005, Dự án “Hỗ trợ phát triển dân tộc Si La, bản Nậm Sin, xã Chung Chải, huyện Mường Nhé giai đoạn 2005 - 2010” được triển khai thực hiện. Nhờ đó, cuộc sống của người Si La khởi sắc hơn. Tuy nhiên, văn hóa Si La lại đang có nguy cơ mai một, đặc biệt trang phục truyền thống bị đồng hóa. Hiện nay, trang phục truyền thống của người Si La còn rất ít người gìn giữ và chỉ mặc vào những dịp lễ, tết.

Không chỉ trang phục dân tộc Phù Lá, Si La mà nhiều dân tộc khác đang bị đồng hóa, mai một như: Trang phục người Xinh Mun, Kháng và Khơ Mú có nét tương đồng với người Lào, Thái; trang phục nữ của người Phù Lá giống với trang phục người Mông; trang phục người Si La nhiều nét giống người Thái… Trong số những nguyên nhân của sự biến đổi, mai một trang phục truyền thống, phải kể đến sự thay đổi về điều kiện kinh tế - xã hội. Khi nền kinh tế hàng hóa phát triển, đồng bào dân tộc có thể tự mua vải ở chợ về cắt may trang phục, vừa rẻ, vừa thuận tiện, không tốn như việc trồng bông, lanh, dâu tằm để tạo sợi dệt vải. Trong khi đó, để làm ra một bộ trang phục truyền thống theo phương pháp thủ công phải mất cả năm mới hoàn thành. Bên cạnh đó, do giữa các dân tộc có sự giao thoa về văn hóa nên trang phục có sự đổi thay. Công tác lưu giữ, truyền nghề cho thế hệ trẻ chưa được quan tâm đúng mức…

Ông Ðào Ngọc Lượng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Những năm qua, tỉnh đã quan tâm tới công tác bảo tồn, phát huy trang phục các dân tộc thiểu số thông qua các hoạt động và sự kiện như: Tổ chức lễ hội Hoa Ban thường niên từ năm 2014; Ngày hội Văn hóa, thể thao và du lịch tỉnh, huyện; Ngày hội Văn hóa Mông cấp huyện… trong đó trình diễn trang phục truyền thống các dân tộc là nội dung quan trọng. Ðặc biệt, từ năm 2013, tỉnh đã phê duyệt Ðề án Bảo tồn và Phát triển văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020. Tuy nhiên, hiện nay công tác bảo tồn và phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số còn gặp nhiều khó khăn, như: Nhu cầu, suy nghĩ và lối sống của người dân có sự thay đổi đối với trang phục truyền thống. Việc giữ gìn, sử dụng và truyền đạt cho thế hệ trẻ còn hạn chế. Ðặc biệt, hiện nay chưa có giải pháp bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc một cách đồng bộ, hiệu quả; chưa có đề án cụ thể về việc “Bảo tồn, phát triển văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Năm đến năm 2020”…

Trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa, là thông điệp quá khứ để lại. Nếu trang phục truyền thống bị mai một, không còn tồn tại sẽ ít nhiều làm mất đi bản sắc của mỗi dân tộc. Biết rằng, việc bảo tồn trang phục dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng vẫn là yêu cầu cấp thiết.

Phong Vân
Bình luận
Back To Top