Xã hội hóa hoạt động văn học, nghệ thuật: Nhìn lại để có chiến lược đi tiếp

10:43 - Thứ Hai, 24/12/2018 Lượt xem: 7760 In bài viết

Sau hơn 20 năm kể từ khi Đảng và Nhà nước đề ra chủ trương xã hội hóa các lĩnh vực liên quan đến đời sống văn hóa - xã hội, giới văn học, nghệ thuật nước nhà mới có dịp cùng nhau nhìn lại hành trình xã hội hóa trong lĩnh vực của mình. Mặt được cũng nhiều mà hạn chế cũng có, nhưng quan trọng là từ đây đã gợi mở hướng đi chiến lược cho giai đoạn tiếp theo.

 

Dàn nhạc Giao hưởng Mặt trời do doanh nghiệp thành lập đem lại tín hiệu tốt cho âm nhạc Việt Nam.

Đã chuyển động tích cực

Phải khẳng định xã hội hóa là chủ trương lớn, đúng và trúng của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 90/CP của Chính phủ ngày 21-8-1997 về Phương hướng và chủ trương xã hội hóa các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa đã tạo ra những chuyển động tích cực trong hoạt động văn học, nghệ thuật nước nhà trong hơn 20 năm qua.

Nhìn trước tiên vào điện ảnh, lĩnh vực mà Tiến sĩ Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) nhìn nhận là có bước chuyển đáng chú ý nhất. Chỉ tính từ năm 2002, khi Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho các hãng phim tư nhân “chính danh”, đến nay đã có khoảng 500 hãng phim được cấp phép đủ điều kiện kinh doanh, sản xuất phim. Dù thực tế mỗi năm chỉ có 30-40 bộ phim truyện ra mắt, chiếm 15-20% phim chiếu rạp, nhưng “nếu không có xã hội hóa thì 3 năm gần đây không có một bộ phim Việt nào ra rạp, bởi Nhà nước đã ngừng cấp tiền đặt hàng làm phim do các thủ tục tài chính theo quy định quá ngặt nghèo”, Tiến sĩ Ngô Phương Lan cho hay. Cũng từ chủ trương này, số phòng chiếu phim ở Việt Nam tăng lên chóng mặt, hiện có đến hơn 900 phòng chiếu thương mại, đa số đạt chuẩn quốc tế, tạo nên một thị trường điện ảnh sôi động với nhiều dịch vụ đi kèm, đáp ứng nhu cầu của công chúng.

Trong lĩnh vực văn học, theo ông Nguyễn Anh Vũ, Giám đốc Nhà Xuất bản Văn học, nhờ chủ trương xã hội hóa mà các tổ chức, cá nhân được tham gia vào hoạt động xuất bản, chấm dứt tình trạng “mượn” tư cách pháp nhân của các nhà xuất bản như trước đây. Đã có nhiều tác phẩm văn học trong và ngoài nước giá trị ra đời thông qua hình thức liên kết xuất bản giữa các nhà xuất bản với công ty tư nhân. Đặc biệt là ở mảng văn học dịch, nhiều tác phẩm tinh hoa thế giới, sáng tác đoạt giải Nobel, Goucourt, Booker… đã đến tay độc giả Việt Nam. Nhiều công ty sách tư nhân trở thành thương hiệu uy tín trên thị trường văn học như Nhã Nam, First News, Alphabook, Đông A, Bách Việt, Đông Tây, Phương Nam… Thực tế là sau một thời gian thích nghi, đã có không ít nhà văn, dịch giả Việt Nam sống “khỏe”, sống tốt bằng nghề.

Ở lĩnh vực sân khấu, Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chia sẻ, xã hội hóa đã làm đời sống sân khấu sôi động hơn, văn nghệ sĩ, nhà hát năng động tìm đối tác để xây dựng tác phẩm đáp ứng thị hiếu của công chúng. Ngoài các đơn vị sân khấu công lập, hiện có trên 30 đơn vị hoạt động theo Luật Doanh nghiệp khá hiệu quả, điển hình như Sân khấu kịch Hồng Vân, Indecaf tại TP Hồ Chí Minh...

PGS.TS Nguyễn Thế Kỷ, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật trung ương nhận định, chưa thời kỳ nào mà văn nghệ sĩ đông đảo, hoạt động sôi nổi và có nhiều thành phần tham gia đóng góp vào sự phát triển văn học, nghệ thuật nước nhà như hiện nay.

Dẹp ngổn ngang để bước tiếp

Bên cạnh tác động tích cực, quá trình xã hội hóa văn học, nghệ thuật thời gian qua cũng bộc lộ nhiều bất cập. Trở lại lĩnh vực điện ảnh, đa số phim Việt gần đây thuộc dòng giải trí, với thể loại dễ thu hút khách nhất là phim hành động, kinh dị, hài, tình cảm… Những phim lịch sử, chiến tranh cách mạng hoặc có chiều sâu văn hóa rất hiếm. Nhiều rạp chiếu phim nhưng doanh thu phòng chiếu phần lớn rơi vào doanh nghiệp tư nhân; phim có doanh thu cao thường là tác phẩm nhập khẩu. 

Tiến sĩ Ngô Phương Lan đề xuất, chúng ta nên có chính sách phát triển hài hòa các dòng phim. Nghĩa là phim chính thống do Nhà nước đặt hàng, phim có giá trị nghệ thuật do Nhà nước tài trợ một phần, phim giải trí hoàn toàn là nguồn xã hội hóa. Mô hình Nhà nước tài trợ một phần và tư nhân một phần như ở phim “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” là hướng đi tốt cho điện ảnh Việt Nam hiện nay.

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng, vì nhiều người chưa hiểu đúng nên thực trạng xã hội hóa trong lĩnh vực âm nhạc thiếu sự hài hòa. Nhạc trẻ có giai điệu đơn điệu, ca từ dễ dãi được tư nhân đầu tư, lăng xê đang lấn át nhạc hàn lâm. Điều này ảnh hưởng đến khả năng cảm thụ và trình độ thẩm mỹ của công chúng, nhất là khán giả trẻ. Theo nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, muốn đẩy lùi âm nhạc tầm thường thì phải tăng đầu tư, phát triển nhạc chính thống. 

Còn ở lĩnh vực văn học, để loại bỏ hệ lụy từ việc liên kết xuất bản khi đưa ra thị trường nhiều cuốn sách nặng tính “câu khách”, giải trí đơn thuần, nạn sách lậu, sách giả tràn lan, Tiến sĩ Nguyễn Anh Vũ cho rằng cần xây dựng chế tài xử lý mạnh mẽ hành vi vi phạm…

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam cũng đã khẳng định, chủ trương xã hội hóa của Đảng và Nhà nước là nhằm mục đích nâng cao mức hưởng thụ văn hóa của người dân. Vì vậy, sau những bài học vừa qua, chủ trương này cần được tiếp tục thực hiện với lộ trình, chiến lược rõ ràng hơn, hướng đến từng đối tượng cụ thể.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top