Truyện ngắn

Màu của hy vọng

08:41 - Thứ Năm, 03/01/2019 Lượt xem: 8155 In bài viết

ĐBP - Nửa đêm, tiếng ho sù sụ của mẹ vọng ra từ gian buồng le lói ánh đèn dầu mỡ trăn. Người trong xóm nghe phong thanh chính quyền sẽ cho kéo điện đến tận thôn nghèo, người trong thôn đợi mãi, hy vọng không còn sống trong cảnh tối tăm. Ngày nào cũng vậy, khi chim rừng thắt thẻo kêu chiều là lúc bóng đêm phủ trùm lên khắp xóm. Ðường qua thôn tịch mịch, những ngôi nhà nhỏ mờ mờ ánh đèn mỡ trăn, ngọn đèn nhỏ hắt chiếc bóng lên vách lá sột soạt và vật vờ trong ngọn gió lành lạnh thổi từ con suối vào êm như ru. Bao năm qua, người trong thôn mong đợi nguồn điện băng rừng vượt suối về với người dân xóm nghèo, ước mơ một ngày nào đó đèn điện sẽ sáng rực để thôn không còn bị lãng quên giữa cuộc đời. Ước mơ vẫn còn, bóng tối và cái nghèo vẫn lặng lẽ bao trùm lên những nụ cười tươi rói.

 

Khôi Vĩ thức giấc, nửa đêm, tiếng đôi chim non thắt thẻo trong rừng khuya vắng lặng vọng về, tiếng suối chảy róc rách và âm thanh gió thổi xào xạc lẫn vào nhau. Ðêm là lúc thôn yên bình nhất, trăng mười sáu độc chiếm bầu trời làm nhạt nhòa mọi vì sao cô độc. Khôi Vĩ ngồi dậy, với tay đẩy tấm rèm tre lên trên nhìn trăng. “Sáng quá!”, Khôi Vĩ thốt lên. Khôi Vĩ đã quen với ánh trăng quê, với hương rừng thơm phức theo gió lồng lộng mỗi lúc đêm về gần sáng. Ngày còn đi học, mỗi sáng Khôi Vĩ thức sớm đi bộ hết con đường dài, lội qua con suối đi ngược xuống triền dốc hai bên hoa dại mọc đầy. Trường cấp ba nằm dưới thôn, trước sân có hai cây xoan đến mùa nở hoa trắng xóa. Dẫu lam lũ, nhọc nhằn mẹ vẫn chắt chiu nuôi Khôi Vĩ học hết mười hai năm dài đằng đẵng.

  Khôi Vĩ hít gió đồi, ăn cơm trắng độn ngô mà lớn lên từng ngày. Nhiều lần nhìn thấy mẹ lên nương lúc trưa trờ trưa trật, mồ hôi nhễ nhại, sắc mặt hơi xanh, vậy mà mẹ vẫn tỉ mẩn hái từng bắp ngô bỏ vào cần xé. Mùa ngô, sữa ngọt trắng đục đọng thành từng hạt bùi bùi phảng phất hương vị núi đồi và tấm lòng của mẹ. Mẹ lận đận hái ngô suốt mấy mùa dài, gánh ngô nặng vai, mẹ còng lưng cõng ngô xuống thị trấn bán lại cho người khác lấy tiền mua gạo, sắm sửa cho Khôi Vĩ. Còn mẹ chỉ có vài chiếc áo nâu bạc màu gió sương, mẹ cõng nắng cõng mưa, cõng nhọc nhằn đi qua cuộc đời nhiều giông bão. Buổi tối nằm trong buồng học bài, nghe tiếng mẹ lục đục trong gian bếp chật hẹp, Khôi Vĩ rón rén bước xuống nhìn thì thấy mẹ đang lúi húi bên đống ngô cuối mùa nằm ngổn ngang trên sàn, Khôi Vĩ khe khẽ:

- Khuya rồi sao mẹ chưa ngủ?

Mẹ đặt bắp ngô xuống đất, sửa lại cái khăn choàng trên cổ thở dài đáp lại:

- Mẹ xem lại đống ngô có bắp nào bị hư, chuột bọ cắn phá hay không. Khổ nỗi, năm nay ngô mất mùa, cuối mùa mót lại còn vỏn vẹn được chừng này. Mai mẹ ra chợ bán.

Im lặng một lúc, mẹ buột miệng:

- Mẹ làm con thức giấc hả?

- Không, con còn học bài trong ấy.

- Ừ, ráng học con nhé - Mẹ lại lúi húi với đống ngô già vỏ khô xao xác - Sau này đổi đời, ít ra cũng không khổ như ba, như mẹ.

Ðã bao lần Khôi Vĩ định nói với mẹ “Hay là mẹ cho con nghỉ học theo mấy anh, mấy chú đi làm kiếm tiền, thấy mẹ cực, con thương!”. Nhưng có gì nghẹn lại ở cổ khiến Khôi Vĩ không thể thốt nên lời. Ba đi làm đất ở cánh đồng bên cạnh vẫn chưa về, ngoài rừng heo hút, đêm nay trăng liềm, một quầng sáng rọi xuống giữa sân, rọi vào đám cây thuốc phiện. Khôi Vĩ ấp úng một lúc rồi bạo dạn nói:

- Mẹ ơi, con muốn...

- Có chuyện gì hả con? - Mẹ trìu mến.

- Mẹ cho con nghỉ học được không?

- Trời, con nói cái gì lạ vậy? Khi không lại đòi nghỉ học. Nghỉ học để nghèo đói, túng cùng như ba mẹ và người trong thôn hả? - Mẹ chau mày nhìn về phía Khôi Vĩ, dưới ánh đèn mỡ trăn, Khôi Vĩ thấy cả giọt nước mắt của mẹ sáng loáng bò xuống đôi gò má tom hóp, sạm nắng.

Khôi Vĩ nói bằng giọng buồn buồn:

- Nhà mình nghèo, con nghe người trong thôn bảo nghèo thì chịu chứ đua đòi, trèo cao có ngày ngã đau. Mấy đứa trong thôn nghỉ học hết rồi...

Mẹ ngừng lại một lúc rồi thở dài. Tiếng thở dài của mẹ trở nên ám ảnh trong ngôi nhà bên triền đồi lộng gió. Mỗi lần mẹ thở dài là mỗi lần nước mắt mẹ tuôn rơi...

- Người ta nói sao thì kệ người ta. Mình là mình, đâu ai hiểu được những gì mình trải qua, những gì mình ấp ủ. Mẹ có mỗi con là con, mẹ hy vọng con thành tài để đời đỡ khổ. Năm nay con tốt nghiệp lớp 12, sắp vào đời rồi, mẹ không muốn con nản chí.

- Nhưng... tiền đâu mà con đi học tiếp hả mẹ?

Mẹ chìa hai bàn tay ra trước mặt Khôi Vĩ, đôi bàn tay chi chít những vết sẹo màu nâu đất, đôi bàn tay xương xẩu gầy còm ngày xưa dắt tay Khôi Vĩ qua suối, qua đồi, bây giờ dắt thời gian đi qua nhọc nhằn cơ cực. Khóe mắt mẹ hằn in những vết chân chim, mùa xuân tàn phai theo năm tháng. Mẹ nói quả quyết:

- Mẹ còn đôi tay, mẹ lo cho con được.

Khôi Vĩ thấy lòng mình lâng lâng, trong quầng sáng hắt hiu, bóng mẹ vật vờ như cây xoan cuối mùa khô cằn, trụi lá. Bỗng dưng Khôi Vĩ thấy khóe mắt cay cay, đâu phải tại gió, đâu phải tại ánh đèn mù khói?...

- Ðừng bỏ cuộc, nghe con. Mẹ tin cuộc đời luôn biết cách đền đáp xứng đáng cho những người biết cố gắng.

Khôi Vĩ nhìn mẹ, gật đầu. Trong thoáng chốc Khôi Vĩ đã chạy vào trong buồng gục mặt xuống gối, rưng rưng. Khôi Vĩ sợ đứng đó thêm một lúc nữa thì sẽ không cầm được nước mắt. Mẹ từng dạy: “Con trai không được khóc, yếu đuối lắm!”. Lời mẹ dạy có bao giờ Khôi Vĩ lãng quên?...

Trai gái trong thôn thường vội vã dựng vợ gả chồng khi vừa tốt nghiệp cấp ba. Họ bảo: “Nghèo rớt mồng tơi lấy tiền đâu mà đi học tiếp?”. Những đám cưới diễn ra, nhạc inh ỏi, xác pháo rụng đầy. Cô dâu chú rể mặt mày non choẹt, lấy nhau ít lâu thì sinh con đẻ cái, làm mẹ làm cha, khóa kín tuổi xuân và giết chết những ước mơ thuở nào le lói như ánh đèn mỡ trăn trong đêm tịch mịch. Mẹ không muốn Khôi Vĩ như thế, mẹ tự nhủ: dù giá nào cũng phải để Khôi Vĩ đến trường, sau này trở thành người có ích cho xã hội, trở về xây dựng quê hương, đổi mới thôn làng. Hôm Khôi Vĩ cầm tờ giấy báo trúng tuyển đại học trên tay hớt hơ hớt hải chạy về khoe mẹ, mẹ mừng rơi nước mắt. Mẹ cầm tờ giấy đi khoe khắp thôn để rồi nhận lại những nụ cười giễu cợt của hàng xóm láng giềng, người ta bảo: “Bữa cơm bữa cháo mà bày đặt cho con đi học đại học, đèo bồng làm gì rồi lại nợ nần”. Mẹ buồn buồn, nhưng mẹ quyết định cho Khôi Vĩ đi học đến nơi đến chốn, bây giờ khổ tận biết đâu mai này cam lai? Mẹ dạy: “Người ta nói gì thì nói, con cứ yên tâm đi học, mẹ lo được. Hết vụ ngô này nhà ta có tiền trang trải, tiền học phí cho con. Rồi đâu lại vào đấy! Ai giàu ba họ ai khó ba đời? Chẳng phải ông bà ta đã dạy thế còn gì?”, mẹ cười, nụ cười lấm lem bùn đất.

Ngày Khôi Vĩ lên thành phố học đại học, mẹ thức dậy lúc trời còn chưa sáng. Mẹ nấu xôi ngô gói lại trong mo cau bỏ vào giỏ Khôi Vĩ để dọc đường ăn cho đỡ đói. Mẹ chong đèn ngồi đếm lại số tiền mẹ tiết kiệm mấy năm trời dúi vào tay Khôi Vĩ, dặn:

- Lên đó học hành chăm chỉ, ăn uống đều đặn, chừng nào rảnh rỗi thì về thăm ba mẹ!

Khôi Vĩ gật đầu, cúi mặt uống hết bát nước ngô rồi đeo túi lên vai. Mẹ đưa Khôi Vĩ ra đến suối, nước trong róc rách, mặt trời nhú lên phía bên kia đồi. Khôi Vĩ hít một hơi thật sâu cái hương vị núi rừng để đỡ nhớ trong những ngày sắp tới. Bên kia đồi, cành xoan nở rộ, màu trắng tinh khôi tràn ngập núi rừng, hương hoa ngây ngất. Sau lưng Khôi Vĩ, mẹ đứng liêu xiêu, dáng mẹ tảo tần mà bao dung đến lạ...

Hoàng Khánh Duy
Bình luận
Back To Top