Giữ gìn văn hóa dân tộc Kháng ở Tuần Giáo

09:12 - Thứ Tư, 16/01/2019 Lượt xem: 10028 In bài viết

ĐBP - Dân tộc Kháng là một trong những dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời ở miền núi Tây Bắc. Trước đây, người Kháng được biết đến với nhiều tên gọi khác nhau như: Xá Khao, Xá Xú, Xá Ðơn, Xá Dâng, Xá Hộc, Xá A Ỏ, Xá Bung, Quảng Lâm. Tại huyện Tuần Giáo, người Kháng là một trong những dân tộc ít người, cư trú thành từng bản, sinh sống tập trung ở các xã Ta Ma, Rạng Ðông. Ông Vũ Ðức Lâm, Phó phòng Văn hóa - Thông tin huyện Tuần Giáo, cho biết: Hiện nay, người Kháng có khoảng hơn 1.100 người, chiếm hơn 3,7% dân số toàn huyện. Ðời sống kinh tế dựa chủ yếu vào làm ruộng, nương, chăn nuôi gia súc, gia cầm và nghề thủ công đan lát phục vụ cho đời sống, trao đổi các vật phẩm cần thiết. Họ còn nhiều giá trị văn hóa độc đáo, riêng biệt về phong tục, tập quán, truyền thuyết, truyện kể dân gian… vẫn được bảo lưu, trao truyền đến nay, như: Phong tục ăn, ở, hôn nhân, tang ma, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Cùng với đó là nhiều nghi lễ, phong tục tập quán liên quan đến sản xuất nông nghiệp như: Lễ tra hạt, lễ cơm mới, lễ hội Xên Pang ả…

Tuy nhiên, theo dòng chảy của thời gian, những nét văn hóa đặc trưng của người Kháng đang dần bị mai một. Bởi lẽ, những người già am hiểu về phong tục dân tộc Kháng còn rất ít, mà lớp trẻ lại chưa thực sự đam mê với văn hóa truyền thống. Thực tế cho thấy, dù vẫn giữ được tiếng nói riêng nhưng nhiều nét văn hóa của người Kháng đang dần bị đồng hòa với người Thái. Chính vì vậy, trong những năm qua, ngành văn hóa luôn quan tâm tới các nghệ nhân, người uy tín, già làng, trưởng bản và triển khai thực hiện các chương trình, dự án về công tác bảo tồn, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hóa của dân tộc Kháng. Cụ thể như năm 2009, Bảo tàng tỉnh Ðiện Biên đã bảo tồn lễ hội Pang Phoóng, dòng họ Lò, ngành Lò Khul, bản Nậm Mu, xã Rạng Ðông. Ngay năm tiếp theo, Bảo tàng tỉnh nghiên cứu, kiểm kê, xuất bản cuốn sách dân tộc Kháng, trong đó đã nghiên cứu, giới thiệu về lễ hội Pang Phoóng và nhiều lễ hội, phong tục, tập quán của người Kháng. Ngành văn hóa cũng tạo điều kiện để bà con dân tộc Kháng tham gia trình diễn trang phục truyền thống cộng đồng các dân tộc Việt Nam lần thứ nhất tại Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Hà Nội) nhằm tôn vinh, bảo tồn vẻ đẹp văn hóa đặc trưng và trang phục truyền thống của dân tộc. Ðồng thời định kỳ 2 năm 1 lần, kể từ năm 2009, tỉnh đã tổ chức Ngày hội Văn hóa các dân tộc tỉnh Ðiện Biên với nhiều nội dung, trong đó, lễ hội Pang Phoóng và các di sản văn hóa truyền thống của người Kháng cũng được tái hiện sinh động. Không chỉ vậy, các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới… cũng đang góp phần không nhỏ vào công tác bảo tồn bản sắc văn hóa có tính riêng biệt, độc đáo của dân tộc Kháng. Ðầu tư cơ sở hạ tầng, điện, đường, trường, trạm vào các vùng sâu vùng xa nơi người Kháng sinh sống cũng là việc làm cần thiết để người dân nơi đây phát triển, từ đó có điều kiện để gìn giữ tinh hoa của dân tộc mình.

 

Phụ nữ dân tộc Kháng ở Tuần Giáo chuẩn bị cho lễ hội Pang Phoóng. Ảnh: Hải Yến

Cuối năm 2018 vừa qua, lễ hội Pang Phoóng một lần nữa được phục dựng tại bản Nậm Mu, xã Rạng Ðông như lời nhắc nhở tới thế hệ trẻ nâng cao ý thức giữ gìn, trân trọng và tự hào về nét đẹp văn hóa truyền thống dân tộc mình. Trong thời gian tới, ngành văn hóa tiếp tục vận động, tuyên truyền, khuyến khích người cao tuổi, trưởng bản, nghệ nhân, người có uy tín trong cộng đồng dân tộc Kháng trao truyền cho các thế hệ trẻ cách thức, quy trình, nội dung các bài khấn cũng như các trò chơi dân gian, các điệu múa truyền thống, nghi lễ để duy trì sự kế thừa giữa các thế hệ về quá trình chuẩn bị và cách thức tổ chức, quy trình tổ chức lễ hội Pang Phoóng. Ðồng thời, tiếp tục sưu tầm, biên soạn, dịch thuật, lưu giữ các tác phẩm văn học nghệ thuật, ngữ văn truyền miệng, diễn xướng dân gian, các lễ hội truyền thống… của dân tộc Kháng. Ngành đề xuất việc thành lập và duy trì hoạt động cho các câu lạc bộ trình diễn, truyền dạy các nghi lễ truyền thống và nghệ thuật trình diễn dân gian tại các bản, các nhóm dân cư dân tộc Kháng. Sáng tạo, sân khấu hóa lễ hội Pang Phoóng trong các tác phẩm nghệ thuật ca, múa… làm phong phú thêm bản sắc văn hóa của dân tộc Kháng. Ðưa các loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian, gồm các điệu múa truyền thống, các trò chơi dân gian của người Kháng vào trong các trường học thuộc khu vực cư trú của người Kháng cũng là biện pháp đang được các cấp, ngành nghiên cứu xem xét để gìn giữ, bảo tồn văn hóa dân tộc Kháng tại huyện Tuần Giáo và trên địa bàn toàn tỉnh.

Hải Phong
Bình luận
Back To Top