Truyện ngắn

Chuyện của những người xưa

10:00 - Thứ Năm, 17/01/2019 Lượt xem: 7808 In bài viết

ĐBP - Ông Minh ngồi bên chiếc tràng kỉ pha trà, lòng chộn rộn. Tối hôm qua nhận được tin người đồng đội sáng nay sẽ về chơi, ông cứ đứng ngồi thấp thỏm, ra ngóng vào trông. Ông còn muốn lên tận đầu làng đón bạn, nhưng ngặt nỗi đi đứng bất tiện nên đành ngồi ở nhà chờ.

- Có phải nhà ông Minh đây không nhỉ?

Nghe tiếng, ông vội chống cây nạng bước nhanh ra sân, bỗng khựng lại. Khách và chủ nhìn nhau hồi lâu rồi rưng rưng. Người khách vội bước nhanh đến bên ông, vòng tay ôm chặt lấy ông. Cả hai cùng khóc, lại cười vang. Ông đẩy bạn ra nhìn kỹ một lượt rồi cười:

- Cậu còn tráng kiện lắm Tường à. Vào, vào nhà đi. Mấy chục năm rồi còn gì. Mình cứ nghĩ chúng ta sẽ chẳng còn cơ hội gặp lại nhau nữa. Vậy mà…

 

Ông Minh gặp được bạn như trẻ khỏe ra bao nhiêu tuổi, nói cười hoạt bát hẳn lên.

- Quê mình thay đổi nhiều quá!

- Ừ! Mấy chục năm rồi mà cậu. Chúng ta cũng đã già cả rồi, sắp đi theo ông bà ông vải cả rồi còn gì.

Hai ông già, hai người đồng đội, đồng hương ngồi mải mê trò chuyện. Bao kỷ niệm cứ theo đó ùa về.

Tường và Minh cùng quê, người xóm trên, kẻ xóm dưới. Sinh ra và lớn lên đúng lúc đất nước đang sục sôi khí thế đánh đuổi giặc thù xâm lược. Mười lăm, mười sáu, họ đã hăng hái tham gia hoạt động du kích tại địa phương. Ðội du kích của họ chỉ có mười lăm người nhưng đã góp phần không nhỏ cho cuộc nổi dậy chống Pháp của quê hương. Tường và Minh là hai người hăng hái nhất. Tuổi trẻ, tình yêu nước, lòng căm thù giặc sục sôi thúc giục họ xông pha. Bữa đó, Minh đang ngồi câu cá ở đầm nước ven đê, chợt thấy một toán người đuổi theo một thiếu niên, tiếng la hét “đứng lại” lẫn cả với tiếng xì xồ của thằng quan Pháp ngày càng rõ. Vừa chạy tới đầm, thiếu niên vấp ngã, vật gì đó văng ra và chìm nghỉm xuống nước. Bọn lính ập tới lôi người bị ngã đứng dậy. “Trời ơi, thằng Tường!” Suýt nữa Minh đã hét lên như vậy. Tên quan Pháp chĩa súng vào đầu Tường xì xà xì xồ. Lý Cả chỉ trỏ về phía Minh nói gì đó với thằng Pháp. Hắn gật gật. Lý Cả sai bọn lính bắt Minh xuống đầm mò. Vừa rót trà mời bạn, ông Minh vừa nói:

- Cậu biết không? Cái lần bị Lý Cả bắt xuống đầm mò ấy, giữa mùa hè mà tớ lạnh đến tận gáy khi sờ thấy cây súng ngắn.

- Bữa đó cậu cũng gan thật, bọn chúng mà cho lính xuống mò lại thì tiêu rồi.

- Tớ giả vở mò rồi tìm cách ấn cây súng ngập sâu xuống bùn, nếu bọn lính có xuống mò lại thì cũng không thể nào thấy được.

- Nhờ vậy mà tớ mới thoát chết, còn cậu thì bị một báng súng vào đầu, máu chảy đầy cả mặt.

- Ngày ấy, bọn mình gan thật chứ.

Ông Tường nhấp ngụm trà, trầm ngâm:

- Cậu còn nhớ ngày bọn mình nhập ngũ, cùng lên Tây Bắc không? Ngày ấy mới gian khổ làm sao. Thế mà chẳng ai than vãn, chỉ mong nhanh quét sạch lũ giặc để đất nước bình yên. Vậy mà giờ…

- Cậu lại buồn chuyện tham nhũng của mấy quan chức tỉnh ta vừa rồi à?

Ông Tường không trả lời bạn. Ðôi mắt buồn buồn hướng ra sân. Lại thở dài:

- Chắc mình lỗi thời quá rồi cậu ạ! Ngay cả thằng con mình nó còn nói: thời thế nó thế. Bố đừng có đem chuyện ngày xưa để so sánh với bây giờ... Mà mình đâu có kể công đâu cậu. Chỉ là muốn nhắc nhở chúng nó sống cho phải thôi.

Có chút gì trùng xuống trong tâm tư hai người. Họ không nói gì, nhưng dường như đang có cùng ý nghĩ. Hiện tại, quá khứ. Cùng một mạch chuyển của thời gian nhưng sự thể hiện lại khác nhau. Hòa bình, thống nhất rồi phát triển, đổi thay. Mọi thứ đã khác đi quá nhiều. Ngay cả con người cũng khác. Nhiều khi họ cảm thấy mình như lạc vào một thế giới khác, lạ lẫm. Như để khỏi chìm vào những buồn phiền đang hiện hữu, ông Minh đứng dậy, với một gói nhỏ trên tủ, chầm chậm mở ra rồi đưa cho ông Tường.

- Cái này trả lại cho cậu. Ngày ấy tớ trở về, cha mẹ cậu cũng không còn nên tớ vẫn giữ nó đây.

Ông Tường đón lấy phong thư đã ố vàng, đôi tay run run lần giở ra. Thời gian đã làm nhòe đi hết cả. Nhưng ông vẫn nhớ bức thư buổi đó. Ông kể cho cha mẹ nghe những chiến thắng của ta. Ông đã cùng đồng đội khiến bọn giặc khiếp đảm thế nào. Ông chuyển sang đơn vị mới, gấp rút Nam tiến, chi viện cho tuyến Trường Sơn….

- Nhận được thư cậu, tớ chẳng còn muốn về nữa. Nhà bị bom, cha mẹ chết cả. Anh Cả cũng đã hy sinh. Sau khi thống nhất, tớ ở lại Quân khu 9, phục vụ luôn trong đó đến khi về hưu.

- Thế gia đình, vợ con cậu sao?

- Cũng một vợ hai con như cậu thôi. Vợ tớ là y tá cùng đơn vị. Hai đứa con làm kinh doanh. Chúng đi suốt, chẳng mấy khi có ở nhà. Thành ra, về già còn có hai ông bà lủi thủi…

Ông Tường thoáng buồn bỏ lửng câu chuyện ngó nhìn ra ngoài. Bỗng có tiếng ồn ào ngoài ngõ. Rồi mấy người lớn tuổi đi vào. Ông Tường ngờ ngợ nhìn mọi người rồi bất ngờ hét lên:

- Thằng Tất, thằng Mẫn, thằng Kiên. Có phải không?

- Trời ơi! Tường!

 Mấy con người ào lại với nhau, ôm vai, bắt tay, khóc khóc, cười cười như con nít. Mọi người nhìn nhau ngạc nhiên rồi nhìn ông Minh. Ông Minh cũng rưng rưng nước mắt.

- Hôm liên lạc được với Tường, tôi đã định nói với các ông, nhưng muốn tạo bất ngờ nên giấu. Sáng nay, sai thằng cháu đến mời các ông đến chơi. Ðấy, thằng Tường đã về, thằng Tường trong đội du kích xã năm xưa đã về bằng xương bằng thịt đấy.

- Còn thằng Hoan, Nhẫn, Kính, Ðồng hy sinh trận Ðiện Biên năm ấy. Thằng thì đi tiếp tuyến Trường Sơn, rồi hy sinh, nằm lại đó còn chưa tìm về được. Rồi già cả, ốm đau, đi cả rồi. Mười lăm thằng, còn lại chừng này thôi. Chẳng mấy mà đến lượt mấy ông già bọn mình. Thôi, các cậu vào nhà đi. Bà nhà tớ và con dâu đi chợ cũng sắp về đấy. Hôm nay anh em ta phải ngồi lại với nhau thật say nhé.

***

Quanh bữa cơm trùng phùng, đầm ấm của những người bạn, người đồng đội năm nào, bao câu chuyện, kỷ niệm lại ùa về. Họ say sưa ôn lại những tháng ngày gian khổ của tuổi đôi mươi hăng hái. Tôi ngồi nghe ông nội và đồng đội của ông chuyện trò ôn lại kỷ niệm xưa mà hiểu hơn và thầm biết ơn về gian khổ một thời mà ông cha ta đã trải qua. Ðúng là thời thế đã đổi thay, con người cũng phải đổi thay để phù hợp với hiện tại. Nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta được phép quay lưng lại, bỏ quên quá khứ.

Trương Thúy
Bình luận
Back To Top