Lên Sín Chải nghe chuyện ngày xưa

12:43 - Thứ Hai, 28/01/2019 Lượt xem: 8635 In bài viết

ĐBP - Rừng đá xào xạc sương trắng//Mênh mang Sín Chải trong sương nắng//Ði trên đá lẫn vào sương//Sương trắng muốt bồng bềnh như cô Tấm lên tiên!

Cảnh đẹp tuyệt trần thiên nhiên đã ban tặng cho vùng Sín Chải có lẽ cả vùng đất Tủa Chùa không đâu có. Lên Sín Chải, người đầu tiên chúng tôi gặp đó là cụ bà Giàng Thị Xủ nay tuổi đã gần 90. Anh Mùa A Chinh, Chủ tịch UBND xã Sín Chải với tay ra đỡ, cụ líu ríu tiếng Mông:

- Ấy tao còn khỏe mà, mắt còn sáng muốn ra đây thấy cảnh đẹp, thấy những đội viên du kích năm xưa mà!

Nói rồi cụ lau nước mắt vội.

- Chồng mình cũng nằm ở đây và nhiều người bạn của ông ấy nữa.

Nói rồi cụ như nghẹn lại trong cổ họng. Anh Chinh không gợi hỏi lại nữa, như sợ chạm vào vết thương của người chiến sĩ năm xưa mang trên mình nhiều thương tật. Về đến trụ sở UBND xã Sín Chải, nhiều cán bộ trong xã đã tập trung đầy đủ, để chuẩn bị họp mặt đón xuân, một mùa xuân đang về nhanh với mọi nhà, mọi bản xa gần.

 

Tôi tĩnh tâm để ngẫm nghĩ lời nói của cụ bà Giàng Thị Xủ, mà những chuyện về trận đánh của trung đội dân quân xã Sín Chải năm xưa đâu đây còn in đậm dấu chân của từng đội viên du kích. Ngay tại mảnh đất này, đã diễn ra trận đánh quyết liệt của ngày đầu xuân năm 1952.

Ðang miên man suy nghĩ thì anh Chinh dẫn một cụ vào, tôi đã cố nhận ra ông:

- Bác! Bác Sấu! Bác cũng về ăn tết với quê mình à!

Bác không nói, cứ nhìn tôi như vừa lạ, vừa quen và bác ờ lên tiếng:

- Thằng Hà à! Em ơi! Mày cũng về nhà ăn tết à!

Ðây là nhân chứng của đội du kích còn lại với tuổi gần 90. Bác Sấu không khỏe, bị tai biến nhiều năm. Chiều theo nguyện vọng của ông, xã đã cấp cho ông suất đất tại quê nhà, mà những năm tháng hoạt động cách mạng tuy quê ở Tủa Chùa vẫn chưa có nơi để thắp nén nhang tưởng niệm ông bà, tổ tiên. Lần này ông đã mãn nguyện được ở nhà mình, dù sức khỏe đã yếu vì bệnh tật, tuổi cao. Lòng ông đã thanh thản, người đội viên du kích cuối cùng của trung đội du kích Sín Chải còn lại trên mảnh đất quê hương, nơi đã diễn ra cuộc chiến đấu không cân sức với quân thù.

Nơi đây, ngày nay, còn lại một bản làng gọi là bản Chế Cu Nhe: - “bản nhà cháy” dấu tích năm xưa cuộc chiến đấu của đội du kích Sín Chải với cả một tiểu đoàn lính Thái, đại đội lính Âu Phi, được trang bị vũ khí hiện đại. Chuyện đã xảy ra lâu lắm rồi, cũng gần bằng tuổi 70 của Ðảng bộ tỉnh Ðiện Biên. Nhưng những đội viên du kích năm xưa mai một dần, người bị bắt đưa về nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội), người bị mất trong tù đày của giặc Pháp, nên ít ai kể chuyện về sự tích bản Chế Cu Nhe.

Chuyện cũng hơi dài, cụ Sấu cũng không còn nhớ kỹ nữa, những ngày sắp xuân cũng vội vàng trôi đi, tôi cố nán lại vài ngày để nghe và ghi lại. Những ngày giáp tết trời cũng rét đậm, lại ở nơi cao nguyên Sín Chải Tủa Chùa, ở cái tuổi ngấp nghé về với các cụ nên ghi được gì kể nấy để nhớ về một thời, một cái tết của năm 1952 ở vùng đất Sín Chải.

Sau những trận chiến đấu ác liệt với bộ đội ta ở Chiến dịch Tây Bắc, giải phóng Lai Châu lần thứ nhất; địch đã co cụm lại một số nơi như: Quỳnh Nhai, Than Uyên, Bình Lư. Ngay tại căn cứ của Ban cán sự Ðảng bộ Lai Châu, ngoài đội du kích Pú Nhung (Tuần Giáo) lực lượng của ta phát triển thêm các đội du kích như Sín Chải (Tủa Chùa) để mở rộng căn cứ vùng giải phóng. Ðịch biết được kế hoạch đó, chúng mở nhiều cuộc càn quét, nhằm xóa sổ lực lượng còn non yếu của ta. Ðầu xuân năm 1952, chúng điều động tiểu đoàn lính Thái, từ Quỳnh Nhai, đại đội lính Âu Phi từ Than Uyên sang Tủa Thàng, Sín Chải (Tủa Chùa), Pú Nhung (Tuần Giáo) hòng tiêu diệt lực lượng bảo vệ cách mạng.

Trung đội dân quân xã Sín Chải gồm 30 đội viên, chủ yếu là súng kíp, đạn ghém tự tạo, một vài khẩu súng trường, vài chục quả lựu đạn, vũ khí thô sơ, đánh nhau với cả một tiểu đoàn lính ngụy, một đại đội lính Âu Phi. Bọn địch mở rộng càn quét cả một vùng rộng lớn từ Tuần Giáo đến Sín Chải, Tủa Thàng. Các đội viên du kích Sín Chải quần nhau với chúng dùng tên nỏ, bẩy đá trên cao lăn xuống, chúng khiếp sợ điều các loại súng bắn vào các hang đá có đội viên du kích ẩn nấp. Trận chiến ác liệt sau 2 ngày quần nhau với trung đội dân quân mà không tiêu diệt được còn bị bắn chết tên trung úy chỉ huy đại đội lính Âu Phi. Bọn chúng điên loạn liều chết tấn công vào hang bắn đại liên súng máy, lực lượng của dân quân luồn lách, tránh các cuộc vây ráp. Ðịch cay cú, lùa dân làm lá chắn. Ðể bảo vệ dân, lực lượng dân quân vừa đánh vừa bảo vệ lực lượng về căn cứ an toàn. Suốt 2 ngày liền, chúng không tiêu diệt được lực lượng ta mà còn bị thương vong, loại khỏi vòng chiến gồm 20 tên có nhiều tên lính Âu Phi. Bọn chúng cay cú giở trò độc ác lùa cả người già và con trẻ về bản đốt cháy cả bản thành tro bụi để lại bản Chế Cu Nhe.

Chiến công của trung đội dân quân du kích Sín Chải đã làm tiêu hao một lực lượng quan trọng của giặc Pháp, phá tan ý đồ của quân Pháp tiêu diệt lực lượng của quân đội ta. Và cơ sở Ðảng được bảo vệ an toàn. Trời về đêm càng lạnh, cụ Sấu như vui hẳn lên khi có người ghi lại lời kể của cụ để đăng lên báo Ðảng trong những ngày xuân. Lòng cụ xốn xang như thấy từng gương mặt của các chiến sĩ hiện về, có cả tiếng nói của cụ Giàng A Pừ - người bạn, người đồng chí thân thiết của ông. Mà ngay trên mảnh đất nơi ông đang ở đã ghi nhận cuộc gặp mặt lần cuối cách đây 7 năm của 6 đội viên trung đội du kích còn lại. Ông gọi cháu nằm cạnh, đỡ ông dậy thắp mấy nén nhang cho đồng đội.

Những chuyện quên quên, nhớ nhớ. Và ông bảo tôi:

Khi tạm biệt thế gian này

Vẫn nguyên vậy thôi!

Vẫn nguyên của một người du kích 17 tuổi đã vào trận, ngoài 30 tuổi đã giữ chức chủ tịch huyện, bí thư huyện Tủa Chùa. Trời về đêm gió lùa mạnh trên cao nguyên Sín Chải. Bác Sấu ngủ tiếng ngáy thở đều đều, như báo tin sức khỏe của còn dẻo dai để thắp những nén hương cho các đồng đội trên vùng bản Chế Cu Nhe trong các ngày xuân, ngày tết cổ truyền của dân tộc.

Xuân Sín Chải - 2019.

Hồng Hải
Bình luận
Back To Top