Ðộc đáo Lễ hội Pang Phoóng

13:21 - Thứ Hai, 28/01/2019 Lượt xem: 8810 In bài viết

ĐBP - Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, dân tộc Kháng ở Ðiện Biên hiện còn khoảng trên dưới 4.000 người, chiếm hơn 30% dân tộc Kháng của cả nước. Họ sinh sống chủ yếu ở các huyện: Tuần Giáo, Mường Chà và Mường Nhé. Mặc dù cuộc sống còn nhiều khó khăn, song dân tộc Kháng hiện nay vẫn gìn giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc, nhất là các lễ hội truyền thống. Trong đó có Lễ hội Pang Phoóng của dòng họ Lò, ngành Lò Khun. Hiện nay, lễ hội này đang được lập hồ sơ đề nghị công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

 

Nghi thức cầu bình an, sức khỏe cho các gia đình trong dòng họ.

Do là lễ hội của dòng họ, nên Pang Phoóng được tổ chức tại nhà trưởng dòng họ, với sự tham gia của các gia đình trong dòng họ. Phần lễ thường tiến hành từ sáng sớm. Quá trình làm lễ không thể thiếu những con vật hiến tế như: Lợn, gà. Ðặc biệt, theo quan niệm, tổ tiên của dòng họ Lò Khun là mẹ Vượn nên trong mâm cúng Pang Phoóng không thể thiếu các loại rau, củ, quả như: Khoai lang, đu đủ, khoai sọ, chuối, bí đỏ, bí xanh…

Sau khi trưởng dòng họ thắp hương xin tổ tiên, mời thầy cúng vào làm lễ. Thầy cúng lấy ở mỗi mâm một ít thức ăn cho vào mâm lý nhỏ được làm bằng lá gọi là mắc chắc (loại lá có ý nghĩa trong văn hóa tâm linh của người dân tộc Kháng). Vừa rải mâm, thầy cúng vừa khấn gia tiên, với nội dung báo cáo, mời tổ tiên về dự lễ và phù hộ con cháu mạnh khỏe, làm ăn phát đạt. Khi thầy cúng gõ chiêng, còn chủ nhà gõ chúm chọe là báo hiệu tổ tiên đã cho phép con cháu mở hội.

Kế tiếp, thầy cúng lấy chum rượu cần, cầm “Peng chẹp kha” vẩy rượu từ trong chum ra ngoài với ý nghĩa mời rượu tổ tiên. Ðại diện các gia đình trong dòng họ cũng làm theo, vừa làm vừa khấn. Sau khi hoàn tất các thủ tục trong nhà, thầy cúng và gia chủ tiếp tục làm lễ ngoài trời, xin phép thổ địa được tổ chức lễ Pang Phoóng tại gia đình.

Sau các nghi thức cúng bái tổ tiên và thổ địa, gia chủ mời mọi người vào dự tiệc. Vò rượu đặt giữa nhà, chủ nhà làm nghi lễ khai tiệc, mời mọi người cùng thưởng thức rượu cần. Bữa cơm diễn ra trong sự ấm cúng, vui vẻ của cả dòng họ. Tại đây, mọi thành viên trong dòng họ cùng nhau tâm sự, chia sẻ để gắn kết yêu thương cũng như giao lưu, trao đổi kinh nghiệm phát triển kinh tế gia đình.

 

Mọi người quây quần bên nhau cùng chung vui điệu nhảy “Xé pang”.

Khi mọi người đã ngà ngà say trong hơi men rượu cần, cũng là lúc phần hội chính thức bắt đầu. Mọi người quây quần bên nhau cùng chung vui điệu nhảy “Xé pang”. Trên nền nhịp điệu âm thanh sôi nổi của trống, chiêng, chum chọe, già trẻ, gái, trai mỗi người đều cầm theo một ống tre (tăng bu) uyển chuyển và mạnh mẽ trong điệu múa cách điệu nghi thức chọc lỗ tra hạt truyền thống. Họ đứng sát vào nhau tạo thành vòng tròn để di chuyển vòng quanh, một tay đặt lên vai người phía trước, tay kia gõ tăng bu xuống mặt sàn. Cứ thế nối tiếp nhau đi vòng tròn cùng với những bài hát truyền thống thể hiện sự đoàn kết dân tộc.

Pang Phoóng là một trong những lễ hội đặc trưng nhất, phản ánh hiện thực đời sống tâm linh cộng đồng người Kháng, luôn lấy cội nguồn tổ tiên để rèn tâm dưỡng đức; là thông điệp kết nối quá khứ với hiện tại, gắn kết cộng đồng, thể hiện khát vọng bình dị về cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top