Phục dựng trang phục Việt cổ

08:31 - Thứ Sáu, 01/02/2019 Lượt xem: 13225 In bài viết

Với tham vọng tạo lập kho dữ liệu trang phục các triều đại phong kiến Việt Nam, nhóm Ðại Việt Cổ Phong đã bắt tay vào thực hiện dự án Việt Nam Cổ Phục. Bằng công nghệ mới, các bạn trẻ mong muốn mang lại cái nhìn toàn cảnh và chính xác về trang phục của cha ông mình.

 

Áo Nhật Bình và áo tấc được giới thiệu trong buổi ra mắt dự án Việt Nam Cổ Phục.

Sử dụng công nghệ véc-tơ và kỹ thuật đồ họa để vẽ lại toàn bộ hoa văn cổ trên các trang phục truyền thống tiêu biểu, đặc sắc và biểu trưng của các triều đại phong kiến Việt Nam, trải dài từ triều Lý đến triều Nguyễn, dự án Việt Nam Cổ Phục do Công ty TNHH Hoa Văn Ðại Việt tiến hành được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội cho những người đang hoạt động trong lĩnh vực thiết kế đồ họa, phục trang, điện ảnh… quyền sử dụng các hoa văn cổ của năm triều đại (Lý, Trần, Lê Sơ, Lê Trung hưng và Nguyễn) nhằm hướng tới những tác phẩm mang tầm vóc, đặc trưng văn hóa Việt Nam. Các trang phục trong dự án sẽ được chuẩn hóa cả về phương diện lịch sử và tính thẩm mỹ, là điểm tựa vững chắc cho các dự án phục cổ, dự án phim ảnh, truyện tranh…

Trước thực trạng các yếu tố truyền thống đang tồn tại lay lắt trong nhịp sống hiện đại, với nỗ lực khôi phục vốn cổ, các nhà nghiên cứu trang phục như Trần Quang Ðức đã tâm huyết xuất bản sách Ngàn năm áo mũ dựng lại bức tranh trang phục Việt Nam trong cung đình và ngoài dân gian từ thời Lý đến thời Nguyễn (1009 - 1945); nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Bách tâm huyết phục dựng triều phục cung đình nhà Nguyễn và các đồ chơi dân gian; nhóm Ðình làng Việt tạo được uy tín với dự án phục dựng áo dài nam truyền thống; nhóm S.river tạo ấn tượng qua việc bảo tồn, lưu giữ những họa tiết cổ của dòng tranh dân gian Hàng Trống trên môi trường số hóa. Còn nhóm Ðại Việt Cổ Phong lại thành công với dự án Hoa văn Ðại Việt với hơn 200 véc-tơ hoa văn Việt Nam từ thời Lý đến thời Nguyễn, đi kèm là danh mục chi tiết tên, xuất xứ, chất liệu, niên đại của mỗi véc-tơ… Nay, với dự án Việt Nam Cổ Phục, nhóm các bạn trẻ biết yêu quý và đam mê vốn cổ dân tộc mong muốn bảo tồn, tôn vinh những giá trị tinh hoa của ông cha. Sử dụng tượng cổ làm nguồn tư liệu tham khảo chính, cùng sự dày công tìm hiểu nghiên cứu thư tịch, tư liệu cổ…, dự án không chỉ dừng lại ở việc sao chép y chang các trang phục đã từng xuất hiện trong quá khứ, mà cố gắng tái hiện trang phục xưa nhưng không làm mất đi bản sắc, tinh thần của trang phục Việt.

Bên cạnh đó, dự án còn hướng tới việc tạo ra nhiều sản phẩm ứng dụng trong các lĩnh vực văn hóa, lịch sử và cổ trang và xuất bản Sách Việt Nam cổ phục dưới dạng tranh vẽ, giúp cộng đồng phân biệt trang phục nào dùng trong trường hợp nào, địa vị ra sao, mức độ phổ biến như thế nào. Trong buổi ra mắt dự án, nhóm đã bước đầu tái hiện các dạng trang phục cổ của Việt Nam trên các sản phẩm hiện đại như tượng, búp bê, móc khóa, áo thun... khiến nhiều bạn trẻ háo hức tiếp cận những giá trị truyền thống thông qua những sản phẩm mỹ thuật ứng dụng trẻ trung, hiện đại.

Với tinh thần trẻ, khao khát hướng về cội nguồn và văn hóa bản địa, kịp thời nắm bắt xu thế phát triển mạnh mẽ của thời đại công nghệ số, nhóm Ðại Việt Cổ Phong không chỉ tái dựng tư liệu lịch sử, lưu trữ trên môi trường số hóa mà thông qua dự án, các thành viên hy vọng trong thời gian không xa, trong các bộ phim, vở kịch của Việt Nam phần trang phục sẽ phản ánh đúng hơn từ kết quả của nguồn tư liệu thiết kế vốn ít ỏi như hiện nay. Chia sẻ về mục đích dự án Việt Nam Cổ Phục, Giám đốc Công ty TNHH Hoa Văn Ðại Việt Nguyễn Thanh Hiếu cho biết: Hiện nay, chúng ta chưa có cái nhìn toàn diện và chính xác về trang phục của cha ông mình. Không chỉ áo dài cách tân và áo dài khăn đóng, những trang phục mang bản sắc Việt hết sức phong phú. Dự án sẽ là cơ sở và chất liệu nguyên bản cho các nghệ sĩ Việt Nam sáng tạo nên các tác phẩm đậm đặc trưng văn hóa Việt. Không chỉ dừng lại ở việc số hóa hoa văn cổ, dự án còn là nơi chia sẻ hoa văn, họa tiết truyền thống, những ý tưởng sáng tạo, phổ biến rộng rãi nét đẹp của văn hóa Việt Nam.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top