Người Mông ở Mường Chà tưng bừng đón tết

12:47 - Thứ Sáu, 08/02/2019 Lượt xem: 9654 In bài viết

ĐBP - Khi những cánh hoa đào, hoa mận khoe sắc rực rỡ trên triền đồi, cũng là lúc đồng bào dân tộc Mông trên địa bàn huyện Mường Chà gác lại những vất vả, lo toan và công việc trên nương để nghỉ ngơi, vui chơi đón Tết. Trong dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, ngay từ mùng 3 tết, đồng bào Mông từ khắp các nẻo đường, làng bản đã trở về các điểm trung tâm tham gia giao lưu văn nghệ và các trò chơi dân gian chào đón năm mới.

Chị em người Mông bản Háng Lìa, xã Sa Lông, huyện Mường Chà cùng nhau du xuân.

 
Sáng sớm mùng 3 tết, tại một bãi đất trống của xã Sa Lông, đông đảo bà con tập trung cùng nhau tham gia các trò chơi, đón xuân mới. Dòng người từ khắp các ngả đường xuôi về sân vận động bản Sa Lông 1, xã Sa Lông du xuân, chơi tết. Tô điểm cho bức tranh đông vui, nhộn nhịp này là sắc màu rực rỡ của những trang phục truyền thống. Hòa chung với tiếng nói cười náo nhiệt của người dân, những bài hát bằng cả tiếng Kinh và tiếng Mông ca ngợi Đảng, Bác Hồ cùng hòa vang chào mừng xuân mới.

Trong không khí tưng bừng đón xuân, ông Chớ Vàng Chu, Trưởng bản Sa Lông 1, xã Sa Lông, chia sẻ: Trước kia, kinh tế còn nghèo, người Mông phải đi bộ băng rừng, vượt núi, nhưng nay gia đình nào cũng có xe máy, việc đi lại dễ dàng, thuận tiện hơn rất nhiều nên có thể đi chơi tết đông vui hơn, xa hơn. Chính vì vậy, dịp tết năm nay, xã Sa Lông tổ chức cho bà con ăn tết tập trung khác với mọi năm là tổ chức lần lượt ở từng bản. Bản Sa Lông 1 có sân vận động rộng rãi nên hàng nghìn đồng bào người Mông trong xã, địa phương lân cận đã tập trung về đây du xuân từ sáng sớm, khiến cho không khí càng thêm náo nhiệt. Chính vì tập trung tại một điểm nên bà con đều đổ về đây tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ và thể thao, tạo nên bầu không khí sôi nổi hơn, thu hút đông đảo nhân dân đến tham gia và cổ vũ nhiệt tình hơn. Bên cạnh đó, để phục vụ bà con, nhiều lán nhỏ cũng được một số gia đình dựng lên quanh bãi đất để phục vụ nhu cầu ăn uống, giải khát cho những người đến đây du xuân.

Thi đẩy gậy ngày đầu xuân của đồng bào Mông, xã Sa Lông, huyện Mường Chà.  

Dù thời tiết dịp tết năm nay khá nóng song không làm giảm đi sức hấp dẫn của các trận thi đấu đẩy gậy, chơi cù và chạy việt dã. Chính giữa bãi đất trống, nhân dân trong xã tập trung cổ vũ cho các cặp đôi thanh niên thi đấu đẩy gậy. Sau một hồi cổ vũ nhiệt tình, anh Chớ Hải Sình, bản Sa Lông 2, cho biết: “Năm nay, xã Sa Lông tổ chức cho nhân dân giữa các bản thi đấu các môn: đẩy gậy, chạy việt dã và chơi cù, tạo nên không khí rất náo nhiệt. Vì vậy, ngay từ sáng sớm, tôi đã đưa vợ con xuống đây du xuân. Mọi người trong nhà đều diện quần áo mới đi chơi xuân, ai cũng vui và phấn khởi”.

Khác với xã Sa Lông, dịp tết năm nay, xã Huổi Lèng (huyện Mường Chà) vẫn tổ chức cho bà con chơi xuân luân phiên tại từng bản. Ông Hạng Sáy Dua, Bí thư Đảng ủy xã Huổi Lèng, cho biết: Cũng giống như các xã trong huyện, hàng năm xã Huổi Lèng đều tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, để giữ được nét đẹp văn hóa của bà con dân tộc Mông. Các hoạt động giao lưu văn hóa văn nghệ, thi các trò chơi dân gian, như: Đánh cù, ném pao, đẩy gậy… thu hút đông đảo bà con nhân dân nhiều bản hưởng ứng tham gia; qua đó thắt chặt thêm tình đoàn kết của bà con nhân dân các dân tộc trong xã. Để tổ chức đón xuân lành mạnh, tiết kiệm, an toàn cho bà con, Đảng ủy, UBND xã đã chỉ đạo các phòng ban chuyên môn, như: Công an, các tổ chức đoàn thể vào cuộc để tổ chức vui xuân, cùng bà con.

 

Thanh niên người Mông, xã Sa Lông, huyện Mường Chà chơi ném pao ngày tết.

Tại các điểm vui chơi không chỉ có bà con trong bản mà còn thu hút rất đông người dân ở các bản lân cận về du xuân, hòa mình vào ngày hội xuân. Bên cạnh không khí nhộn nhịp của các môn thi đấu, ném pao là trò chơi được đồng bào Mông chơi nhiều nhất trong những ngày xuân. Từ các cháu nhỏ cho đến cụ già đều ưa thích trò chơi này, tùy theo lứa tuổi, họ sẽ tự chọn bạn chơi với mình; cứ thế, từng cặp một chơi ném pao rồi dần xếp thành những hàng dài, đôi bên ném nhau qua lại, trò chuyện, đùa vui rất phấn khởi.

Cùng tham gia các trò chơi sôi động, anh Hạng Sìa Lồng, bản Trung Dình, tâm sự: Đồng bảo dân tộc Mông ở xã Huổi Lèng cũng ăn tết giống với người Mông ở các xã khác, như: Sa Lông, Hừa Ngài, Sá Tổng (huyện Mường Chà)… Sau một năm lao động, sản xuất vất vả, vào dịp Tết Nguyên đán, người Mông tổ chức đón xuân. Ngày hội du xuân của người Mông ở đây thường kéo dài từ mùng 3 đến hết mùng 10 tháng Giêng. Thông qua ngày hội, bà con tham gia các trò chơi dân tộc, như: ném pao, múa khèn… góp phần quan trọng trong việc gìn giữ, bảo tồn nét văn hóa của đồng bào dân tộc Mông.

Có thể nói, mùa xuân đã đem lại không khí đón xuân rộn ràng và náo nức trên mỗi gương mặt, mỗi nụ cười của người già, trẻ nhỏ, của các đôi trai gái người Mông nơi vùng cao. Trong tiếng nhạc rộn ràng, bước chân của những người đến du xuân đã mang lại niềm vui, sự đầm ấm trên các bản làng vùng cao trong những ngày đầu năm mới.

Bài, ảnh: Phạm Quang
Bình luận
Back To Top