Đi lễ đầu năm - Nét đẹp văn hóa tâm linh

09:38 - Thứ Năm, 14/02/2019 Lượt xem: 7282 In bài viết

ĐBP - Đầu năm dâng lễ đền, chùa là nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Những năm gần đây, đời sống người dân trên địa bàn tỉnh có nhiều cải thiện, cùng với sự quan tâm của tỉnh, đầu tư xây dựng các điểm văn hóa tâm linh khang trang, quy củ hơn, nên hoạt động đi lễ đầu năm càng trở nên nhộn nhịp.

 

Xin chữ đầu năm tại Đền Hoàng Công Chất. Ảnh: HÀ LINH

Chọn Đền Hoàng Công Chất (xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên) là điểm đến đầu tiên để khởi hành trong ngày đầu năm mới đã trở thành thói quen được duy trì nhiều năm qua của gia đình anh Vũ Thế Bình, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ). Mới chỉ mùng 1 tết nên anh Bình khá bất ngờ khi vừa sáng sớm khu vực đền đã nhộn nhịp bước chân người qua lại. Hàng trăm người từ khắp các địa phương trong tỉnh về dâng lễ. Dòng người và xe nối dài từ đầu lối rẽ vào đến khuôn viên đền. Các khu vực để xe gần như đều kín chỗ. Nhộn nhịp nhất không chỉ có các cơ sở trông giữ xe, mà hàng quán bán đồ cúng, như: bánh kẹo, hương, hoa… cũng vì thế mà đắt khách hơn. Dẫu có chút chờ đợi, song do là đầu xuân năm mới nên mọi người đều vui vẻ, phấn khởi.

Năm nay, lễ dâng của gia đình anh Bình chỉ đơn giản là hoa quả, gói bánh và chút tiền vàng. Tuân thủ quy định tại đền, anh Bình thắp nén hương xin trước ở ban ngoài cửa và không mang hương vào trong gian thờ chính. Chia sẻ với chúng tôi về sự khác biệt này, anh Bình cho biết: “Những năm trước, cứ theo mọi người gia đình tôi cũng sắm lễ, rồi tiền vàng nhiều lắm. Nghĩ là càng dâng lên nhiều thì các ngài càng phù hộ. Nhưng giờ tìm hiểu nhiều thì thấy, chỉ cần cái tâm là đủ. Với lại, hương cũng thắp vừa đủ thôi, chứ người người thắp hương, mang hết cả vào trong gian thờ vừa ngột ngạt, có năm còn bốc cháy. Nhà đền họ cũng vất vả nhiều!”.

Có lẽ, cũng như gia đình anh Bình, nhiều người giờ đây đã hiểu, đền, chùa là chốn bình yên, thanh tịnh. Đi lễ đầu năm không đơn giản chỉ là để ước nguyện, mà đó còn là khoảnh khắc để con người hòa mình vào chốn tâm linh, bỏ lại phía sau bao vất vả, lo toan của cuộc sống, tận hưởng những giây phút tĩnh tâm, thanh thản và hướng về những điều tốt đẹp. Chính vì vậy, những hình ảnh “xấu xí”, bát nháo chốn linh thiêng của nhiều năm trước giờ gần như đã không còn. Trong không khí thanh bình, người dân đến thắp hương tưởng niệm, cầu mông những điều tốt đẹp cho bản thân và gia đình trong năm mới. Tình trạng khoa trương lễ lớn, chen chúc hương khói vì thế cũng dần “vắng bóng”.

Tuy nhiên, do lượng người đến dâng lễ đông, không gian đền còn hạn chế nên không tránh khỏi cảnh chen lấn. Khoảng từ 9 - 11 giờ thường là thời điểm lượng người đến dâng lễ đông nhất. Để tìm được một nơi đặt lễ không phải là điều đơn giản. Trước các ban thờ luôn chật kín các mâm, đĩa hoa quả, bánh kẹo và tiền vàng. Song, mỗi người đến lễ đều ý thức, tuần tự và thực hiện đúng quy định của đền, như: Không mang hương vào trong gian thờ chính, không đốt hương bừa bãi, không ăn mặc phản cảm, không đốt tiền thật…

 

Rất đông người đến lễ Đền Hoàng Công Chất tuần tự xếp hàng chờ thắp hương khu vực ngoài cửa Đền. Ảnh: HÀ LINH 

Còn tại khu tưởng niệm, tri ân những người có công với đất nước, với dân tộc tỉnh, ngoài việc dâng hương lễ phật, nhiều người đến đây còn đặc biệt quan tâm tới hoạt động rút quẻ đầu năm để tiên đoán vận hạn cho cả năm. Khuất sau dòng người đang đứng chờ rút quẻ, chúng tôi bắt gặp 2 bạn trẻ đang rất háo hức với quẻ vừa rút. Hoàng Thị Hương - một trong 2 cô gái chia sẻ: “Đây mới là năm đầu chúng em lên điểm văn hóa tâm linh này. Mỗi đứa cũng vừa kịp rút cho mình một quẻ. Mới chỉ xem qua thì có vẻ như năm nay vận mệnh em không được tốt lắm, còn quẻ của bạn em thì khá tốt. Chắc phải nhờ thầy luận thêm mới chuẩn, nhưng dù sao cũng chỉ là để tham khảo và lấy động lực cho năm mới thôi, chứ không phụ thuộc vào quẻ. Số mệnh của mình thì do mình định đoạt mà”.

Khác với các bạn trẻ, từ khi điểm văn hóa tâm linh này được xây dựng, thì gia đình bà Nguyễn Thị Duyên, phường Tân Thanh (TP. Điện Biên Phủ) lại ghi thêm vào danh sách đi lễ của gia đình mình một điểm đến dịp đầu năm. Năm nào cũng vậy, việc làm đầu tiên trong những ngày đầu xuân năm mới của bà là tập hợp đông đủ con cháu cùng đi lễ đền và các điểm văn hóa tâm linh. Không quá phụ thuộc vào các hoạt động tín ngưỡng, tâm linh, song bà Duyên vẫn tâm niệm “có thờ có thiêng”. Bởi vậy, đi lễ đầu năm với gia đình bà đều xuất phát từ tâm. “Tôi già rồi, chỉ mong sao có được sức khỏe, để con cháu yên tâm lao động, học tập. Cầu mong cho con cái thuận hòa, gia đình đầm ấm, vậy là mãn nguyện rồi” - bà Duyên tâm sự.

Trên địa bàn tỉnh Điện Biên hiện có 3 điểm tâm linh lớn, là: Đền Hoàng Công Chất, điểm văn hóa tâm linh Linh Sơn và khu tưởng niệm, tri ân những người có công với đất nước, với dân tộc Linh Quang. Đây là những địa điểm được phần lớn người dân lựa chọn đến dâng hương, vãn cảnh đầu năm. Thống kê sơ bộ từ các ban quản lý, người đến dâng lễ đông nhất thường từ mùng 1 - 6 Tết. Riêng tại Đền Hoàng Công Chất trong các ngày cao điểm, trung bình có tới hàng nghìn lượt khách tới dâng hương cầu tự và vãn cảnh.

Để bắt kịp xu hướng và tâm lý của nhiều người, những năm gần đây các hoạt động kinh doanh dịch vụ cầu may đầu năm cũng bắt đầu nở rộ. Bởi quan niệm “đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi”, dọc con đường dẫn vào và ngay trong khuôn viên đền, điểm văn hóa tâm linh, có không ít người xách theo các giỏ bày bán muối, diêm… Chỉ cần 10.000 đồng là có thể mua đủ muối và diêm, được bọc sẵn trong những chiếc túi nhỏ xinh màu đỏ, với tâm niệm mang đến may mắn cho người mua. Ngoài ra, các điểm xin chữ cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người qua lại. Đa phần trẻ em vì thích thú, tò mò mà tới xem; còn một số người lớn cũng lựa chọn cho mình một vài chữ về treo trong nhà. Chữ được nhiều người xin nhất, thường là phúc, nhẫn, lộc… tương đương với đó là những mong muốn, khát vọng cho bản thân, gia đình trong năm mới.

Hà Linh
Bình luận
Back To Top