Đến với bài thơ hay

Lĩnh hội tư tưởng của Bác về giữ gìn Tổ quốc

14:36 - Thứ Năm, 14/02/2019 Lượt xem: 6709 In bài viết

ĐBP - Ngày 2/3/1962, trong không khí sục sôi chống Mỹ trên chiến trường Nam Bộ, Đại hội chiến sĩ thi đua Công an Nhân dân Vũ trang (nay là Bộ đội Biên phòng - BĐBP) toàn quốc lần thứ nhất được tổ chức tại Thủ đô Hà Nội. Dù bận trăm công nghìn việc Bác Hồ vẫn bớt chút thời gian đến dự và phát biểu động viên, trước khi dừng lời, Bác ngẫu hứng đọc tặng Đại hội mấy câu thơ: 

“Non xanh nước biếc trùng trùng

Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao

Núi cao sự nghiệp càng cao

Biển sâu chí khí ta soi vào càng sâu

Thi đua ta quyết giật cờ đầu”

Về mặt thể loại, đây là bài thơ mang dáng dấp thơ lục - bát, câu trên 6 (lục) âm tiết - câu dưới 8 (bát) âm tiết, nhưng là thơ lục - bát biến thể. Sở dĩ nói thơ lục - bát biến thể vì bài thơ gồm 5 câu thì 2 câu bát (8) và 1 câu lục (6) nhiều hơn số chữ theo quy định. Theo đó, thay vì câu lục gồm 6 âm tiết và câu bát gồm 8 âm tiết như thể thơ lục - bát truyền thống, thì câu bát thứ nhất có 10 âm tiết (Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao), câu bát thứ hai có 9 âm tiết (Biển sâu chí khí ta soi vào càng sâu) và câu lục thứ 3 có 7 âm tiết (Thi đua ta quyết giật cờ đầu). Như chúng ta đều biết, Bác Hồ vốn xuất thân từ dòng dõi nho học, nhưng ở đây, toàn bộ bài thơ là những lời lẽ bình dân, ngôn ngữ thông dụng trong cuộc sống đời thường. Điều này thể hiện tính nhất quán của Bác trong việc sử dụng ngôn ngữ hàng ngày, tránh sự cầu kỳ, bí hiểm một khi có những từ ngữ đại chúng, dễ hiểu hơn thay thế mà vẫn biểu đạt được trọng vẹn hàm ý, nội dung. Đây là bài thơ tuyên truyền, mà đã là tuyên truyền thì cần nhất là dễ hiểu, dễ nhớ và dễ thực hành.

Về mặt nội dung, bài thơ như một bức tranh phong cảnh với câu mở đầu thật tự nhiên, phóng khoáng. “Non xanh nước biếc trùng trùng” đủ để mô tả cái mênh mang dài rộng, nhất là với điệp ngữ “trùng trùng”. Bất giác, chúng ta nhớ đến câu thơ mang phong vị Đường thi “Vạn trùng núi đỡ vạn trùng mây” trong bài thơ “Lên núi” Bác viết năm 1950 (Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, NXB Văn học, Hà Nội, 1990). Những ai từng ít nhất một lần lên biên giới (trên bộ), ít nhất một lần đứng bên cột mốc chủ quyền để căng lồng ngực hít thở cái không khí trong lành, nguyên sơ nơi quan san ngàn dặm, sẽ tự mình cảm nhận được sự thiêng liêng và niềm tự hào về quyền bất khả xâm phạm của Tổ quốc mình nơi tận cùng núi sông bờ cõi. Câu thơ thật khoáng đạt, không bị gò bó như cách nói của các văn bản báo cáo rằng đoạn biên giới gồm bằng này cột mốc với từng kia kilomet chiều dài... “Xanh” và “biếc” là hai tính từ khác âm đồng nghĩa, cùng chỉ màu sắc (xanh = biếc), cho thấy sự nối tiếp qua các thời đại của một đất nước có chủ quyền, sự trao truyền qua nhiều thế hệ công dân luôn mang trong mình nghĩa vụ phải góp sức chung lòng để bảo toàn cương thổ quốc gia. “Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao”, câu thơ như một lời hiệu triệu, hơn nữa, bằng cách thật nhẹ nhàng Bác thầm giao nhiệm vụ cho người lính biên phòng. Với câu thơ này cũng như toàn bộ bài thơ, từ “ta” được Bác sử dụng 3 lần. Đây là đại từ ngôi thứ nhất, chỉ số nhiều, hàm ý như chúng ta, để nói lên sự đoàn kết, chung lòng, chung đội ngũ và cao nhất là chung một sứ mệnh bảo vệ chủ quyền đất nước! Hai câu “Núi cao sự nghiệp càng cao”“Biển sâu chí khí ta soi vào càng sâu” được xem như một cặp câu mang phong vị đối điệp. Các cặp từ đối ý gồm: “núi cao” đi với “biển sâu”, “sự nghiệp” đi với “chí kh픓càng cao” đi với “càng sâu”... cho thấy sự tinh tế (tinh tế mà không cầu kỳ) của Bác trong việc sử dụng câu chữ ngay trong một văn cảnh hành chính rất cụ thể. Và rồi, một khi sự nghiệp đã cao như núi và chí khí đã sâu như biển, thì “Thi đua ta quyết giật cờ đầu” là điều đương nhiên đối với tập thể những người lính biên phòng gánh trên vai sứ mạng như núi cao biển sâu...

Người ta bảo thơ hay “ý tại ngôn ngoại”, trong trường hợp này Bác không định làm thơ mà là sắp xếp những lời giáo huấn, dặn dò, động viên dưới dạng thơ ca cho dễ nhớ, dễ thuộc. Chính Bác từng nói: “Cuối cùng, Bác tặng các chú mấy câu, chú nào văn hay, thơ giỏi sửa lại cho hay”, đủ thấy đức tính khiêm nhường và sự thân ái, bình đẳng, giản dị của Bác trong giao tiếp. Hơn nửa thế kỷ trôi qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ mà trực tiếp là của Bộ Quốc phòng và Bộ Tư lệnh Biên phòng, nhiệm vụ “Giữ gìn Tổ quốc ta không ngại ngùng gian lao” luôn được các thế hệ những người lính biên phòng hoàn thành và hoàn thành xuất sắc. Bất luận trong hoàn cảnh nào, bờ cõi non sông trên bộ hay trên biển đều được bảo vệ vẹn toàn bởi những người lính áo xanh sự nghiệp cao như núi và chí khí sâu như biển... 

Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đang đẩy mạnh việc “Học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, xét theo ý nghĩa ấy, thì lĩnh hội tư tưởng chỉ đạo của Bác về “Giữ gìn Tổ quốc” là một việc học tập và làm theo thường xuyên và suốt đời của mọi công dân Việt Nam nói chung và người lính biên phòng nói riêng. Tổ quốc và nhân dân  tin tưởng, trao cho lực lượng biên phòng sứ mạng thiêng liêng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền cương thổ quốc gia. Sứ mạng đó như núi cao và biển sâu, mọi cán bộ, chiến sỹ trong toàn lực lượng nguyện kế tục cha anh nêu cao truyền thống giữ nước, mãi mãi xứng đáng với lời huấn thị của Bác ngày nào...

Trường Giang
Bình luận
Back To Top